| 19-02-2016 | 08:14:58

Bình Dương hướng tới trở thành thành phố thông minh

Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một trào lưu của các đô thị trên thế giới và Việt Nam cũng đang bước đầu tiếp cận. Bình Dương là một trong những tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để sớm trở thành thành phố thông minh.

Nhiều tiềm năng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, trường Đại học Việt Đức, khái niệm thành phố thông minh được sử dụng gần đây (từ năm 2005) bởi một loạt công ty công nghệ dành cho việc ứng dụng các hệ thống thông tin vào việc vận hành hạ tầng đô thị như các tòa nhà, giao thông, cung cấp điện nước, an toàn xã hội... Ý tưởng này cũng là hình thành nền tảng dựa trên công nghệ thông tin cho các công tác quy hoạch, phát triển và vận hành các thành phố. Thành phố thông minh được hiểu là sự hội tụ của 3 yếu tố gồm hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vũng và môi trường sống thân thiện với nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Trong đó, cư dân thông minh không chỉ là trình độ học vấn và chất lượng đào tạo mà còn bao gồm các tương tác hướng đến một xã hội mở; quản trị thông minh gồm các khía cạnh của quản lý, dịch vụ cho cư dân cũng như chức năng của các đơn vị hành chính; nền kinh tế thông minh gồm các yếu tố sáng tạo, hợp tác đầu tư, thương hiệu, hiệu quả sản xuất và thị trường lao động linh hoạt gồm cả trong và ngoài nước...

  Bình Dương hướng tới trở thành thành phố thông minh. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu cho rằng, Bình Dương là tỉnh có lợi thế phát triển đô thị được thừa nhận rộng rãi. Nhiều chuyên gia đã đánh giá lợi thế của Bình Dương như quỹ đất rộng và giá rẻ ở ngay gần cực tăng trưởng TP.Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ năng động; có lao động trẻ và chính sách thông thoáng. Sự khác biệt cơ bản là đô thị hóa ở Bình Dương gắn với công nghiệp hóa và hạ tầng cơ bản có nhiều điểm sáng. Tiềm năng mở rộng khu đô thị và hoàn thiện hệ thống dịch vụ ở Bình Dương còn rộng rãi là điều kiện thuận lợi để đầu tư lớn cho các quy hoạch ứng dụng công nghệ thông minh.

Thời gian qua, Bình Dương đã nhận được cam kết đầu tư từ Nhật Bản cho việc xây dựng mô hình thành phố thông minh. Trong khi đó, năm 2015, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với Đoàn nghiên cứu tỉnh Eindhoven (Hà Lan). Tại buổi tiếp, ông Peter Porheine, Giám đốc Tập đoàn Brainport, trưởng đoàn cho biết, mục đích chuyến đến thăm và làm việc của đoàn lần này nhằm đề xuất hướng đi của Bình Dương về sự phát triển các hoạt động công nghệ cao, thân thiện môi trường và cụm công nghiệp công nghệ cao (CCCNC) trong khu vực quy hoạch khu CCCNC; mô hình phát triển thông minh của Bình Dương kết hợp với các khái niệm thành phố thông minh trong phát triển đô thị. Với những điều kiện thuận lợi mà Bình Dương đang có, tin rằng Bình Dương trong thời gian tới sẽ tiến lên một bước khác rất nhanh và sớm trở thành thành phố thông minh. Ông cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới tỉnh Eindhoven sẽ hợp tác với Bình Dương và sự hợp tác này sẽ mang lại những phúc lợi cho cả Bình Dương và Eindhoven.

Thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả

Tại buổi tiếp Đoàn nghiên cứu tỉnh Eindhoven, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, qua nghiên cứu và qua thực tế của nhiều nước trên thế giới, tri thức phải chi phối sự phát triển của thế giới. Việc đầu tư, phát triển ở Bình Dương phải trải qua một giai đoạn mới, phát triển trên nền tảng tri thức. Đó là thu hút ứng dụng công nghệ cao có hàm lượng chất xám nhiều trong sản phẩm, bảo đảm sự phát triển bền vững; là một phần của sản phẩm nhà doanh nghiệp, tri thức và giáo dục.

Theo các chuyên gia, việc làm chủ công nghệ cần song hành và phát triển năng lực quản trị, nâng tầm công nghệ thông minh từ cấp độ công trình và lĩnh vực lên phạm vi thành phố. Điều này đòi hỏi sự chủ động của chính quyền trong kết nối theo khu vực thay vì dự án.

Trong số các vấn đề dẫn tới “thông minh” thì việc tìm ra cách thức chia sẻ và hợp tác hữu hiệu là quan trọng. Bên cạnh đó, việc mở ra các dữ liệu sẽ cung cấp tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời phải xây dựng và duy trì bằng chính hệ thống mở và chứng thức bằng các thành viên tham gia bao gồm cả chính quyền, doanh nghiệp và xã hội. Cùng với đó, vấn đề cơ chế ra quyết định cũng cần được chú ý; việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên cần có các nghiên cứu đủ tầm.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ