| 06-08-2019 | 07:50:17

Bỏ ma túy, quyết tâm trở thành người có ích

Trải qua bao sóng gió của cuộc đời và bị cụt mất một tay, nhưng vượt lên tất cả, ông luôn sống vui vẻ, chan hòa với mọi người và coi làm việc nghĩa là niềm vui hàng ngày của mình.

 “Bước ngoặt” khi trúng số độc đắc ở tuổi 15  

Ông tên đầy đủ là Đỗ Hoàng Toàn, nhà đối diện công viên Phú Cường, đường CMT8, TP.Thủ Dầu Một. Ở tuổi 64, ông Toàn lại sống theo kiểu rất “thanh xuân”. Sáng chủ nhật vừa rồi (ngày 4-8) tôi gọi điện cho ông định mời cà phê, ông bắt máy, nói cười ha hả: “Tôi đang chạy xe máy chở vợ con lên núi Bà Đen chơi”. Tôi giật mình nói: “Chú có một tay mà chạy xe máy gần cả trăm cây số đi Tây Ninh như vậy hả trời?”. Ông lại cười: “Tui còn khỏe. Chở vợ con đi cùng trời cuối đất cũng được”.


Ông Toàn luyện tập “trồng cây chuối”

Nhìn cách ông Toàn vui vẻ, hớn hở ít ai biết rằng ông đã trải qua những ngày tháng mà ông mô tả là: “Chỉ muốn nhảy lầu chết quách cho xong”. Ông Toàn kể, thời thiếu niên ông cứ tưởng cả đời này mình sẽ sống kiểu đại gia khi bất ngờ trúng độc đắc. Đó là năm 1970, lúc ông Toàn mới 15 tuổi. Thời đó vé số “Đài Sài Gòn” mỗi tuần chỉ xổ một lần. Ông Toàn được “lộc trời” khi lần lượt trúng 2 tờ độc đắc (giải đặc biệt) chỉ trong 1 năm. Do không đủ tuổi nhận tiền nên ông đưa vé số cho cha mình lên Sài Gòn nhận lần lượt 3 triệu rồi 4 triệu đồng. “Thời đó, 1 cây vàng chưa đến 10.000 đồng. 7 triệu đồng tôi trúng số mà mua nhà thì mua được cả chục căn”, ông Toàn kể.

Nhưng rốt cuộc ông Toàn không mua căn nhà nào. Tuổi trẻ bồng bột, tiền nhiều bất ngờ khiến ông lâm vào ăn chơi. Ông kể: “Tôi gia nhập băng nhóm của mấy đại ca, ra đường chỉ cần nhìn ai không ưa là đánh đập. Ngạo mạng lắm”. Con đường nghiện ngập cũng khởi nguồn từ đó. Ban đầu ông hút thuốc lá, sau đó mua thuốc viên có chất gây nghiện (kiểu như ma túy tổng hợp) để chơi. Rồi ông chuyển qua chích. Năm 18 tuổi, ông cưới vợ, sinh con. Vợ ông là một cô gái trong nghề y, rất xinh đẹp. Vợ con êm ấm nhưng ông vẫn không bỏ được “cái chết trắng”. Khi tuổi đời tròn 20, để có tiền chích hút, ông Toàn đi trộm xe và bị bắt nhốt. Cũng chính những biến cố này đã khiến ông mất một cánh tay. Đến nước này thì người vợ trẻ quyết định rời bỏ ông...

Tự cai ma túy, luyện “bí kíp hồi xuân”

Ở tuổi đôi mươi, bị mất tay rồi mất vợ, ông Toàn suy sụp, lún sâu hơn vào ma túy, tội lỗi. Ông hút chích suốt 10 năm sau đó. Ông kể lại những tháng ngày thảm nhất của mình: “Tôi bị cụt tay lại ốm yếu nên mặc đồ rách rưới ra chợ xin tiền. Người ta thấy thương nên cho gạo, cho mì. Tôi gom về bán lấy tiền chích hút”. Ông Toàn 2 lần bị gom vào trại cai nghiện. Tuy nhiên khi ra trại, gặp bạn cũ, ông lại không thoát được sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Cơn phê nối tiếp cơn phê khiến đời ông mịt mù.

Đến năm 30 tuổi, ông Toàn bỗng thấy xương cốt mình có dấu hiệu rệu rã, mặt mũi thì già như ông lão. Ông nhìn quanh thấy bạn bè chí cốt lần lượt chết sớm vì chơi ma túy. Ông nhớ lại: “Đứa bạn của tôi lên cơn nhưng không có thuốc để chơi. Nó phải chích nước tương đen vào gân máu. Chích vô để chết, để qua cơn co giật, đói thuốc. Thấy cảnh đó, tôi kinh hãi”, ông Toàn nhớ lại.

Dẫn tôi lên căn gác của nhà mình, ông Toàn chỉ vào cái giường rồi nói: “Chính nơi này hơn 30 năm trước một mình tôi nằm vật lộn tự cai nghiện. Cơn thèm thuốc tới bọt mép trào ra. Mình như người điên chỉ muốn nhảy lầu mà chết đi cho xong”. Dân nghiện có một đặc điểm là rất sợ nước lạnh. Vì vậy cứ lên cơn thèm ma túy là ông Toàn lao ra hiên nhà xối nước lạnh lên người như một chiêu “lấy độc trị độc”. Bằng phương pháp xối nước lạnh, gồng người chịu đựng, chưa đầy 10 ngày ông Toàn đã cắt cơn. Ông Toàn tránh né hết những mối quan hệ cũ, ông thường một mình ngồi thiền tĩnh tâm.

Để cải thiện sức vóc, cưới lại vợ mới, ông Toàn quyết tâm luyện “bí kíp hồi xuân”. Đó là chiêu “trồng cây chuối” hay gọi “chổng đầu”. Ông giải thích khi người ta chổng ngược đầu thì máu toàn thân sẽ dồn về phần đầu. Điều này khiến não mình linh hoạt hơn, da mặt căng lên, trông trẻ hơn tuổi rất nhiều. Cứ thế ông “trồng cây chuối” từ ngày này qua ngày khác. Ban đầu ông “trồng” chỉ được vài giây nhưng luyện thường ông có thể “trồng” liên tục nửa tiếng đồng hồ. Ông ra góc công viên Phú Cường luyện chiêu này kiên trì đến mức phần đỉnh đầu của ông có một vùng tóc không mọc nổi. Tiếp đó, ông luyện các động tác khác như hít đất một tay, hít đất 2 ngón, nhào lộn trên không... Từ một một con nghiện ốm yếu, ông trở thành một người khỏe mạnh, dẻo dai. Đặc biệt chiêu thức “trồng cây chuối” khiến ông trông trẻ trung hơn. Hàng xóm không còn khinh khi, chê bai ông nữa. Nhiều người dậy sớm tập tành theo các chiêu “võ công” mà ông sáng chế nhưng rồi ai cũng bỏ cuộc sau vài ngày, vài tuần. Chỉ có ông là kiên trì từ năm này qua năm khác.


Hàng ngày, ông Toàn khuân vác bàn ghế bỏ lên xe ba gác rồi chở giao cho khách có nhu cầu thuê

Cưới vợ trẻ và lên truyền hình!

Khi đã khỏe mạnh và tự tin, ông Toàn tìm vợ khác bằng cách đăng báo ở mục “Tìm bạn bốn phương”. Qua nhịp cầu này, ông nhận được thư từ làm quen từ hàng loạt cô gái trong đó có chị Lê Thanh Thủy sống tại TP.Hồ Chí Minh. Chị Thủy trẻ hơn ông Toàn khá nhiều. Khi cả hai gặp nhau, ông Toàn mến chị Thủy vì sự chân thật. Còn chị Thủy thích ông Toàn ở khí chất, bản lĩnh đàn ông. Chị Thủy kể: “Ảnh không còn cánh tay nhưng làm việc gì cũng được. Kể cả chạy xe máy hoặc khiêng vác cả chục cái ghế một lượt. Thấy ảnh biết lo cho cuộc sống nên tui lấy thôi”.

Vợ chồng ông đã có hai con và sống với nhau trong một căn nhà nhỏ tại Bình Dương. Họ mưu sinh bằng nghề chở bàn ghế, chén đĩa… cho người dân thuê tổ chức đám tiệc. Nhìn cảnh ông Toàn một tay lái xe ba gác chở theo một núi đồ đạc ngang dọc trên phố nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nể phục. “Con gái út của tôi mới 11 tuổi, trong khi tôi đã 64 tuổi. Vậy nên tôi phải tập luyện cho thật khỏe để có sức khuân vác bàn ghế giao cho khách, kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi muốn một mình kham hết việc nặng, không để vợ vất vả”, ông Toàn tâm sự.

Dù thu nhập của vợ chồng ông Toàn mỗi tháng chỉ dăm triệu đồng nhưng bất ngờ ở chỗ cả hai lại thích làm từ thiện. Ba năm trở lại đây cứ vào dịp rằm tháng giêng là ông lại tự tay mua hàng chục bó mía về xay thành hàng ngàn ly nước mía rồi bảo vợ mang biếu cho khách hành hương về chùa Bà. Ông Toàn nói: “Ba năm trước, vào rằm tháng giêng, tôi xay nước mía tặng cho khách hành hương là để thể hiện thiện tâm, cầu chúc mẹ mình trường thọ vì năm đó bà đã 96 tuổi rồi. Khi làm việc thiện tôi thấy lòng mình rất vui nên 2 năm nay dù mẹ tôi mất rồi nhưng tôi vẫn xay nước mía tặng thiên hạ”.

Hình ảnh ông Toàn trường kỳ tập luyện “công phu” ở công viên đã được nhiều bạn trẻ ghi hình và đăng lên mạng xã hội. Nhiều báo điện tử, Youtube đã tìm gặp ông ghi hình. Có clip về ông đạt đến 2 triệu view. Ông trở thành một hình mẫu về nghị lực phi thường. Mới đây, một đài truyền hình đã phát sóng nói về hành trình hoàn lương, làm việc thiện của ông.

 Lời nhắn nhủ đến “fan hâm mộ”

Hồi đầu năm nay, tại buổi lễ tuyên dương những cá nhân tổ chức chung tay làm việc thiện trong lễ hội rằm tháng giêng, bà Nguyễn Thu Cúc, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, đặc biệt nhấn mạnh: “Trong mùa lễ hội rằm tháng giêng vừa qua, xúc động nhất là hình ảnh một người chú dù mất một cánh tay nhưng vẫn nhiệt tình xay nước mía phục vụ miễn phí cho khách thập phương. Có thể nói sau những chai nước mát lạnh, những ổ bánh mì, hộp xôi… là ân tình sâu đậm của người dân Thủ Dầu Một, Bình Dương trao gửi đến bà con khắp nơi”.

Mới đây, gặp ông, tôi hỏi kiểu vừa thật vừa đùa: “Bây giờ ông đã là người nổi tiếng. Nếu có điều nhắn nhủ cho Fan hâm mộ của mình thì ông nhắn gì?”. Rất nhanh, ông đáp: “Tôi thấy còn rất nhiều người hút thuốc lá. Tôi cầu xin họ bỏ đi. Thuốc lá hủy hoại thân thể họ. Hút thuốc chỉ làm họ cô đơn, suy sụp hơn chứ không ích gì. Tôi khi xưa chuyển từ hút sang chích mà còn bỏ được lẽ nào các bạn không bỏ được!”.

 PHAN HỮU PHẦN

Chia sẻ