| 26-07-2019 | 08:07:23

Nén nhang trầm tri ân…

Để tri ân các anh hùng liệt sĩ, người dân ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng đã tổ chức đám giỗ chung. Trên tinh thần tự nguyện, ngày giỗ diễn ra trong không khí trang nghiêm để các thế hệ trong ấp ôn lại chuyện kháng chiến, chuyện của những công nhân nô lệ ở đồn điền trong rừng thiêng nước độc.

 Ký ức Đồng Trai anh hùng

Được sự giới thiệu của cán bộ xã Định Hiệp, chúng tôi về thăm làng 10, ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng. Đi trên tỉnh lộ 750 nối vào con đường làng 10, chúng tôi thấy một Đồng Trai hôm nay với nhiều đổi thay đáng kể. Những lô cao su bạt ngàn đang trong mùa khai thác lá vẫn còn xanh mướt, tràn đầy nhựa sống. Trên những con đường dẫn vào các ấp đâu đâu cũng nhộn nhịp tiếng xe tải, xe máy chạy vào tận lô của từng gia đình để thu mua mủ. Tiếng cười nói vui vẻ của các bà, các chị làm huyên náo cả một vùng quê, xua đi bao nhọc nhằn. Thấp thoáng phía xa xa, hình ảnh người công nhân cạo mủ với bước đi thoăn thoắt trút từng chén mủ để kịp giao cho bạn hàng.

Đưa mắt nhìn qua những rừng cao su ngút ngàn, ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Bíthư Chi bộ xã Định Hiệp (1984- 1986) chia sẻ: “Nhìn những xóm ấp thanh bình hiền hòa ngày nay mà tôi lại nhớ những gian nan mà Đồng Trai đã trải qua trong kháng chiến. Ấp Đồng Trai, mảnh đất đồn điền cao su Mítsơlanh năm xưa từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” của những người phu điền. Người công nhân sống trong đồn điền bị đối xử như nô lệ, bị đầu độc cả thể xác lẫn tinh thần nhưng với tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc, những công nhân cao su kiên cường vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”.


Nhà Bia tưởng niệm trên 100 liệt sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền được dọn dẹp chuẩn bị cho ngày giỗ 27-7

Chúng tôi đứng trên con kênh làng 10 nước trong vắt mà trước đây Mỹ ngụy đã từng chôn vùi thi thể hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền, cảm xúc về dòng lịch sử oai hùng nơi đây lại ùa về. Ông Nguyễn Văn Hạnh, bộ đội biệt động huyện Dầu Tiếng, nhân chứng lịch sử kể lại: “Trước năm 1975, nhà tôi ở làng 10 nay thuộc ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp. Vào thời điểm khi tôi khoảng 10 tuổi, đang câu cá tại đường mương trong làng thì nghe tiếng xe của địch chạy tới cách vị trícâu cá khoảng 500m. Rất nhiều thi thể của bộ đội bị địch chất trên xe rồi chôn vùi xuống đoạn kênh làng 10. Sau này khi lớn lên theo cách mạng, tôi mới biết đó là những cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 được điều động từ đồng bằng sông Cửu Long lên miền Đông Nam bộ”.

Luôn ghi nhớ đến các anh

Những ngày này đến làng 10, các thành viên trong Ban Điều hành ấp Đồng Trai đang tất bật chuẩn bị cho ngày đám giỗ 27-7 được diễn ra chu đáo. Trước đó các tổ chức, hội đoàn thể, đoàn viên thanh niên ấp dọn dẹp vệ sinh, thay cát lư hương, quyét dọn nhà bia. Trên tinh thần tự nguyện của ít lòng nhiều, hơn 318 hộ gia đình trong ấp ai có gì góp nấy mang đến văn phòng ấp làm giỗ chung. Đó có thể là vài đòn bánh tét, miếng thịt, chén canh khổ qua hay đơn giản chỉ bình bông, nén nhang để tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh. Ông Phạm Văn Điền, Bíthư Chi bộ ấp Đồng Trai cho biết: “Hàng năm, ấp Đồng Trai tổ chức 2 ngày giỗ là 27-7 và 21-11 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho mảnh đất này. Những ngày giỗ là dịp để tập hợp người dân trong ấp cùng hướng về truyền thống dân tộc và là dịp để các cựu chiến binh trong ấp cùng nhau ôn lại chuyện kháng chiến, chuyện của những công nhân nô lệ ở đồn điền trong rừng thiêng nước độc”.

 “Đây là hoạt động rất có ý nghĩa của ấp Đồng Trai được Ban điều hành và bà con trong ấp duy trì thực hiện trong nhiều năm nay. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền mà còn nhắc nhở lớp lớp các thế hệ luôn tri ân, khắc ghi công lao của các anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Ngày giỗ này đã trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc”.

(Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng)

Đứng giữa trời đất bao la, chúng tôi cảm nhận khuôn viên nhà bia tưởng niệm dường như linh thiêng hơn. Các thế hệ con cháu của ấp Đồng Trai nghiêng mình, kính cẩn, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh máu xương vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Hồi ức thời kỳ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của lớp lớp cha anh đi trước như biểu tượng sáng ngời của lòng trung kiên và tinh thần quả cảm cách mạng của dân tộc. Để rồi hôm nay, con cháu ấp Đồng Trai cùng ôn lại kỷ niệm hào hùng của những cán bộ, chiến sĩ bằng những lời thơ ai oán: “Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”.

Nghi thức ngày giỗ diễn ra trong không khí trang nghiêm, bà con trong ấp mặc chỉnh tề, ra thắp nén nhang đểgửi đến ngàn gió, ngàn mây tấm lòng tri ân, sâu sắc mong sẽ sưởi ấm anh linh, vỗvềgiấc ngủngàn thu của các anh hùng liệt sĩ. Gói lại những lo toan, bộn bềcủa cuộc sống, mọi người cùng mặc niệm trước vong linh những người anh hùng đãdũng cảm kiên cường “quyết tửcho Tổquốc quyết sinh”. Ông Nguyễn Bá Quế, Trưởng ban điều hành ấp Đồng Trai cho biết: “Cóthểnói đây làthời khắc đểmỗi chúng ta tôn vinh những anh hùng, liệt sĩ, mẹViệt Nam anh hùng đãđóng góp to lớn cho sựnghiệp xây dựng vàbảo vệđất nước, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tựhào dân tộc vànâng cao ý thức, trách nhiệm của thếhệhôm nay”.

Dâng tấm lòng thành

Lễ giỗ được tiến hành theo nghi thức dân gian truyền thống của dân tộc, trên bàn thờ là những mâm cơm đầy ắp nghĩa tình, những bông hoa tươi thắm, những món đặc sản của quê hương được bà con trong ấp mang đến dâng lên các anh với tấm lòng ghi ơn. Đa phần thân nhân liệt sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 từ các tỉnh miền ngoài nên được Ban điều hành ấp quan tâm, chăm lo chu toàn chỗ ăn, chỗ nghỉ.

“3 năm nay, tôi thường xuyên về thăm mộ vào dịp 27- 7. Mỗi lần về thăm, thấy bà con trong ấp tổ chức ngày giỗ chu đáo mà tôi xúc động đến nghẹn lòng”, bà Quách Thị Hù, quê Cà Mau có chồng là liệt sĩ Lê Thắng Lợi, hy sinh năm 1965 tại làng 10 cho biết. Lễ giỗ kết thúc đúng với phong tục của từng gia đình người Việt khi mỗi người được chia một phần lộc cúng mang về.

Trời sụp tối, gió lồng lộng, những tiết mục văn nghệ của các cựu chiến binh cất lên trong điệu nhạc hùng tráng. Những giọng hát tuổi 70 vẫn cao vút, dù đã thấm mệt nhưng các cựu chiến binh không ai muốn ra về. “Để xứng danh là vùng đất anh hùng, ngày nay chính quyền và nhân dân ấp Đồng Trai tiếp tục chung tay góp sức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Nguyễn Bá Quế, Trưởng ban điều hành ấp Đồng Trai nói.

Để ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, sau khi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sĩ (năm 2015), huyện Dầu Tiếng đã xây dựng nhà bia tưởng niệm tại làng 10. Trên bia tưởng niệm ghi: “Đêm 21 rạng sáng ngày 22- 11-1965 trong trận đánh tại làng 10, ấp Đồng Trai trước sự tấn công như vũ bão của lực lượng cách mạng. Địch đã sử dụng hỏa lực tối đa, điên cuồng chống trả. Trên 100 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 thuộc Bộ Tư lệnh Miền đã anh dũng hy sinh. Bọn giặc gom xác các cán bộ, chiến sĩ vùi lấp xuống đoạn kênh sâu 1,5m rộng 3m, dài 1.000m”.


Ông Nguyễn Văn Hạnh, bộ đội biệt động huyện Dầu Tiếng, anh Nguyễn Thanh Phú, cán bộ quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Dầu Tiếng cùng thắp hương tại mộ tập thể Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền

 KIM HÀ

Chia sẻ