Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chúng tôi biết đến mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Nhơn (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) qua lời kể của người em út của mẹ - bà Huỳnh Kim Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ kháng chiến tỉnh Bình Dương. Bởi với bà Huỳnh Kim Oanh, bà Huỳnh Thị Nhơn là một tấm gương điển hình cả cuộc đời tham gia kháng chiến, rồi những người con của bà lần lượt hy sinh nơi chiến trường khói lửa...
Mẹ Nhơn trong ngày nhận danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng do Chủ tịch nước trao tặng
“Người mẹ thứ hai”
Trong hồi ức của bà Huỳnh Kim Oanh thì hình ảnh của người chị bà, mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Nhơn còn lưu đậm trong tâm trí chính là những ngày bà được chị cho ngồi trong đôi quang gánh lưu lạc hết nơi này đến nơi khác trong thời buổi loạn lạc, như “người mẹ thứ 2”. Mấy chị em, mẹ con, dì cháu sống trôi dạt lang thang, quần áo rách rưới, cơm không đủ ăn. Có khi nhiều ngày liền, cả nhà phải ăn củ mì, ăn cháo hoặc đi nhổ nấm dẻ ăn thay cơm.
Giờ đây, mẹ Huỳnh Thị Nhơn không còn khỏe mạnh nữa. Mẹ đã phải ngồi xe lăn nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn lắm, gương mặt mẹ vẫn thể hiện rõ nét phúc hậu, nụ cười hiền. Kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, mẹ Huỳnh Thị Nhơn, nói: “Mẹ được thừa hưởng những tố chất tốt đẹp từ người mẹ của mình và truyền thống cách mạng gia đình. Từ nhỏ, mẹ Nhơn đã thấy cảnh nước mất nhà tan, sớm giác ngộ cách mạng và mong muốn đóng góp một phần công sức cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Làng quê Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), quê mẹ Huỳnh Thị Nhơn, từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp đã là trọng điểm tập trung những cuộc hành quân càn quét, khủng bố của giặc”.
Mẹ Huỳnh Thị Nhơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha mất sớm, một mình mẹ của bà Huỳnh Thị Nhơn phải tần tảo nuôi con khi mới 34 tuổi. Chuyện đời ngổn ngang, quanh năm chạy giặc nhưng mẹ của bà vẫn giáo dục con cái theo cách mạng, còn bản thân thì tham gia làm công tác phụ nữ cứu quốc ở địa phương. Vì vậy, dòng máu cách mạng ăn sâu trong con người mẹ Huỳnh Thị Nhơn. Mẹ kể: “Năm 1948, khi ấy mẹ mới 17 tuổi, không chịu nỗi đau nước mất nhà tan, mẹ đã tham gia công tác tại địa phương, góp phần vào cuộc kháng chiến”.
Mẹ Nhơn thời tuổi trẻ tham gia hoạt động kháng chiến
Năm 1950, Trung đoàn Đồng Nai thuộc Khu 7 được thành lập, mẹ Huỳnh Thị Nhơn chính thức thoát ly theo cách mạng. Học giỏi từ nhỏ nên mẹ Huỳnh Thị Nhơn được cho đi học, rồi vào làm y tá ở Trung đoàn Đồng Nai. Khoảng năm 1951, trên đường đi lấy thuốc về phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn thì mẹ Nhơn đã lọt vào tay địch. Bót Bưng Còng (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) thời điểm ấy nổi tiếng với tên đại úy Quới, chuyên bắt nữ Việt Cộng để hãm hiếp. Mẹ Nhơn cũng không ngoại lệ. Nhưng may mắn, mẹ Nhơn được anh Trần Văn Hai, lúc đó là người bị bắt đi lính ngụy, để ý, đứng ra bảo lãnh nên mẹ Nhơn thoát được tên quỷ râu xanh ấy.
Mấy tháng trời mẹ Nhơn bị nhốt ở bót Bưng Còng. Sau khi được giải thoát, mẹ Nhơn bí mật tìm về lại Củ Chi. Nhưng tung tích của mẹ Nhơn không thể thoát được sự để ý của anh Trần Văn Hai. Nhận thấy tấm chân tình của anh nên mẹ Nhơn chấp nhận lời cầu hôn. Gia đình cách mạng lại đi lấy chồng là lính ngụy, mẹ Nhơn trốn biệt tăm. Mẹ lấy chồng, sinh con mà không có sự chứng kiến của người thân. Cộng với chiến tranh ác liệt, gia đình cũng mất liên lạc với mẹ Huỳnh Thị Nhơn từ đó.
Ông Trần Văn Hai vốn sinh ra trong gia đình cách mạng ở Bến Tre, nhưng bị bắt lính. Vì vậy, khi về sống với mẹ Nhơn, được mẹ Nhơn cảm hóa, ông đã là cơ sở nội tuyến rồi tham gia chuyển vũ khí cho cách mạng. Khi đã cảm hóa được chồng, khoảng cuối tháng 7-1954, mẹ Huỳnh Thị Nhơn tìm về thăm mẹ và em gái, lúc ấy đang ở Dầu Tiếng.
Bà Huỳnh Kim Oanh nhớ lại: “Một buổi sáng, tôi còn nằm ở nhà chưa ra lô cao su phụ má thì chị Nhơn về. Lúc ấy, tôi đang nằm trên võng ca vọng cổ, có người phụ nữ đi vào nhà, tay ẵm con, gọi tên tôi. Tôi nhìn lên, đó là chị Nhơn. Mừng quá, tôi dẫn chị ra lô cao su 16 gặp má. Tôi trân trân nhìn cảnh má và chị Nhơn ôm nhau khóc nức nở. Mới 10 tuổi, tôi chưa thể thấu hiểu được những giọt nước mắt của má, của chị gặp lại nhau sau bao năm xa cách. Tôi chưa thể nhận ra bao nỗi buồn vui trộn vào nhau trong đôi mắt của má khi gặp lại chị tôi”. Còn mẹ Huỳnh Thị Nhơn, nói: “Vui lắm. Bao nhiêu năm mất liên lạc. Gặp mẹ không sao kể hết cảm xúc. Mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc!”.
Lần lượt 6 người con ra đời nhưng mẹ Nhơn vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Mẹ làm y tá cho Sở Cao su Dầu Tiếng với mục đích lấy thuốc men cung cấp cho cách mạng; đồng thời làm liên lạc từ Sài Gòn - Gia Định về Dầu Tiếng. Đến năm 1961, mẹ Nhơn bị địch bắt lần 2, bị giam tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn.
Gia đình cách mạng
Truyền thống nối tiếp truyền thống, khi con cái lớn, mẹ Huỳnh Thị Nhơn tiếp tục giáo dục con mình theo cách mạng. Chị Trần Ngọc Yến và anh Trần Hoàng Thành lần lượt nhập ngũ, tham gia kháng chiến. Và, “nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con. Lần lượt ra đi... đi mãi mãi...”. Hai người con lớn của mẹ lần lượt hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ.
Nhắc lại 2 người con liệt sĩ của mình, mẹ Nhơn rơm rớm nước mắt. Mẹ nói: “Con gái lớn của mẹ tên Trần Ngọc Yến, công tác tại nhà in Thủ Dầu Một, hy sinh năm 1970, khi ấy mới 18 tuổi. Tiếp sau đó, con trai mẹ là Trần Hoàng Thành, bộ đội trinh sát. Năm 1972, khi đang chiến đấu cùng đồng đội ở Củ Chi, Thành cũng đã hy sinh”. Hai đứa con hy sinh ở tuổi 18, 19, chưa ai kịp có gia đình làm mẹ đau thắt ruột gan nhưng mẹ đã kiên trung trụ vững với nhiệm vụ cách mạng của mình và cùng chồng nuôi dạy 3 người con trai còn lại.
Nhìn tấm ảnh liệt sĩ Trần Ngọc Yến được khắc họa lại trên bàn thờ, mẹ Nhơn nói: “Hồi đó, con bé dễ thương lắm! Cả mấy mẹ con đều hoạt động cách mạng và thường căn dặn cố gắng làm tốt công tác của mình. Yến đã có người yêu, chưa kịp ra mắt gia đình thì nó đã ra đi”. Tấm lòng người mẹ cao cả, mẹ lại làm cho người nghe chuyện xúc động hơn nữa khi kể: “Thành hy sinh khi đang chiến đấu cùng các đồng đội. Một người dân ở Củ Chi (gần nơi anh Thành bị bắn) đi trộm xác đưa về chôn cất trong vườn nhà; sau 1975 được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi với các phần mộ ghi số: 2074 - 2075 - 2076. Việc xác định con là mừng rồi nhưng tôi nói thôi, cứ để con nằm đó cùng đồng đội, đưa con về Bình Dương thì những người bạn chiến đấu của con từ miền Bắc vào nằm lại đó sẽ buồn lắm!”.
Nay mẹ Nhơn đã ở tuổi xế chiều, như chiếc là vàng trên cây. Vậy nhưng khi nói chuyện, chúng tôi cảm nhận đằng sau nỗi đau mất con, gương mặt mẹ vẫn toát lên niềm vui bởi đất nước đã hòa bình, độc lập thống nhất, đang vươn mình phát triển. Mẹ bảo, tuổi xế chiều, mẹ cũng vẫn còn có những đứa con hiếu thảo, nhất là được người con dâu tận tình chăm sóc, cũng là một điều may mắn bởi trên đất nước này, vẫn còn có rất nhiều bà mẹ trong chiến tranh lần lượt tiễn những đứa con ra đi mãi mãi không về...
THU THẢO