Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
LTS: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa kêu gọi người dân “Đã uống rượu bia - Không lái xe”. Bình Dương cũng đã có những cách làm, mô hình hay để hưởng ứng lời kêu gọi trên. Dịp này, phóng viên Báo Bình Dương thực hiện chuyên đề “Làm gì để hạn chế hệ lụy từ rượu, bia?”, để cung cấp thêm thông tin đến với bạn đọc. |
Kỳ I: Nhức nhối vấn nạn rượu bia
Có một thực tế là hầu hết các cuộc vui, buồn đều có dùng đến rượu, bia. Vui nhậu, buồn cũng nhậu, lo âu cũng nhậu, chán nản cũng nhậu. Nhiều lý do để nâng ly chúc tụng nhau ở mọi lúc, mọi nơi, thậm chí có những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Nhậu không phân biệt lứa tuổi, tầng lớp, khi có “độ” là nhậu. Người nhậu uống bia hơi, bia chai, rượu ngoại, rượu đế với đủ thứ mồi từ cao cấp đến bình dân…
Đủ kiểu… nhậu
Hơn 17 giờ chiều, chúng tôi dạo một vòng trên các tuyến đường ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An. Đường phố chưa kịp lên đèn nhưng những âm thanh cụng ly canh cách, những tiếng hô một, hai, ba… “zô” phát ra từ những hàng quán làm ồn ào cả khu phố. Dừng lại trước một quán nhậu bình dân ở ngã tư An Phú, một nhóm nam nữ công nhân mặc áo có in hình logo của công ty gần đó đang nâng ly bia chúc mừng sinh nhật. Những ly bia được rót đầy, tràn cả ra bàn. Với họ, gặp nhau tại bàn nhậu là cơ hội tìm hiểu cuộc sống, giúp họ trở nên bình đẳng, kết nối thâm tình giữa sếp và nhân viên. Anh Nguyễn Văn M., công nhân chà nhám, cho biết: “Hôm nay công ty tổ chức sinh nhật cho những người sinh trong tháng 7 nên anh em tổ chức gặp mặt. Uống vài ly, nói chuyện phiếm để quên đi những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống”.
Không quá khó để tìm thấy những quán nhậu như thế này trong khu dân cư. Ảnh minh họa
Có một thực tế không thể phủ nhận, nhậu giúp cho công việc trở nên trôi chảy hơn, có một số việc khi gặp tại bàn nhậu mới xử lý được. Anh T., một cán bộ công tác trong ngành văn hóa tại TX.Tân Uyên cho rằng đã có quy định cấm nhậu trong giờ hành chính nhưng thực tế chuyện này vẫn xảy ra dưới danh nghĩa “tiếp khách”. Nhậu trong giờ hành chính là vi phạm quy chế làm việc của cơ quan. Bên cạnh đó còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong công việc, vì trong thời gian làm việc cần phải có tinh thần minh mẫn, sáng suốt nhất để xử lý công việc dù là lãnh đạo hay nhân viên. Anh T. cho biết thêm: “Ép nhau uống rượu, bia là hành động thiếu văn minh, vì hành động ép người khác uống rượu bia có thể dẫn đến hậu quả khó lường như: Người bị ép uống say có thể gây ra tai nạn giao thông, bị ngộ độc rượu bia hay có thể dẫn đến hậu quả xấu khác... Ép nhau uống không thể hiện tình cảm dành cho nhau mà là hành động làm cho người khác khó xử, có thể xảy ra mâu thuẫn và mất mối quan hệ bạn bè, anh em, đồng nghiệp”.
Sau giờ hành chính, ở một số nơi các quán nhậu còn đông hơn phòng tập Gym, các sân bóng, hồ bơi. Có rượu bia góp vui thì không khí trở nên sôi nổi, chuyện trò rôm rả hơn. Đến một số vùng nông thôn chỉ cần ngồi nói chuyện xã giao với nhau, họ cũng mang rượu ra để uống. Rượu vẫn hiện hữu trong các gia đình như một thói quen khó bỏ.
Đáng buồn, hiện nay một bộ phận sinh viên cũng tham gia vào nhậu nhẹt. Các quán xá quanh khu vực trường Đại học Bình Dương, Đại học Thủ Dầu Một, khu dân cư K8 (phường Hiệp Thành) ngập tràn sinh viên trên bàn nhậu. Nhiều bạn trẻ tỏ ra rất sành điệu trong việc nhậu, uống cùng lúc cả rượu và bia hay trào lưu không say không về. Lý do họ đưa ra đơn giản chỉ là “thích thì nhích” để chứng tỏ bản thân.
Tràn lan quán nhậu
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26/CT-TTg (năm 2016) về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, trong đó có việc nghiêm cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa... Trong đó chú ý thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức. Không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng, thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp. Nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. |
Hiện nay, hàng quán phục vụ ăn nhậu mọc lên tràn lan, đi đến đâu cũng thấy quán nhậu, từ trung tâm cho tới con hẻm nhỏ trong vùng quê. Người ta có thể tới quán ăn để nhậu hoặc vào nhà hàng sang trọng hay đơn giản chỉ là chiếc bàn ghế dã chiến bằng nhựa đặt chông chênh bên vỉa hè.
Theo chân một vài người bạn, chúng tôi đến các quán nhậu trên đường Hoàng Văn Thụ (Khu dân cư Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một). Nơi đây được xem là địa điểm dành cho những người thích ăn nhậu. Ngoài tuyến đường này, các tuyến đường ngang, lối dọc đều có quán nhậu, hoặc quán nhậu kết hợp phục vụ ăn uống. Thậm chí quán cơm, phở, phục vụ những món ăn nhẹ cũng bán rượu bia nếu thực khách muốn có vài xị lai rai. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, hàng quán ở khu vực tái định cư Chánh Nghĩa hoạt động náo nhiệt. Thực khách vào quán nhậu chỉ đơn giản là vài con khô, mấy trái cóc, ổi.
Dọc đoạn đường ĐT743B, phường Bình Hòa, TX.Thuận An cũng có rất nhiều hàng quán chuyên phục vụ các món ăn hải sản. Đây cũng là một điểm nóng về ăn nhậu, bởi chỉ một đoạn đường ngắn chừng 700m nhưng có tới gần 10 quán nhậu phục vụ các món chuyên về tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến. Khoảng thời gian từ 19 giờ đến 23 giờ, khách ra vào ở những quán này đông nghẹt, xe cộ tấp nập vào ra và hầu như không có bàn trống. Mùi hải sản chế biến bốc lên, xen lẫn là những tiếng hô đồng thanh “zô… zô…”. Khách đến đây với đủ tầng lớp từ bình dân đến sang trọng và đồ uống trên mỗi bàn là những ly bia được rót đầy tràn.
Nổi tiếng không kém là tuyến đường Huỳnh Văn Lũy với rất nhiều quán nhậu. Chúng tôi có mặt tại quán bê thui NM, khách ở đây đa phần là nam giới. Bàn nào cũng uống bia, rượu và được các nữ nhân viên phục vụ bia tận tình, sẵn sàng uống cạn ly bia khi khách mời. Theo quan sát của chúng tôi, quán này ngày nào cũng đông nghẹt khách. Ngày cuối tuần thì hầu như không còn chỗ ngồi, 20 giờ khách ghé vào quán phải đi trở ra vì không còn bàn.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết: “Theo thống kê, hiện nay ở nước ta việc sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác đang ở mức cao và nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao trên thế giới (xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á). Tình trạng sử dụng rượu bia diễn ra rộng rãi trong giới trẻ, đang ở mức đáng báo động. Đáng chú ý là tỷ lệ sử dụng rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép rất cao, cả hai giới. 67% thanh niên từ 18 - 21 tuổi đã sử dụng rượu, bia. Trong số học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 có uống rượu, bia thì 43,8% uống rượu bia lần đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống rượu bia đến mức say ít nhất một lần”.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nghị trường lại “nóng” khi đại biểu sôi nổi thảo luận về việc bỏ hay không bỏ các quy định như cấm quảng cáo rượu, bia; cấm bán rượu, bia trên internet hay quy định giờ cấm bán khỏi dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) có ý kiến cho rằng đang có sự “giằng xé” giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng liên quan đến dự thảo luật. Từ dự luật khá chặt chẽ, được xây dựng trên các căn cứ khoa học nhưng qua nhiều lần trình, các chế định “xương sống” của dự luật đã bị dần đẩy ra ngoài. Mặt khác, theo ông Nhân, dự thảo luật quy định không quảng cáo bia từ 5,5 độ cồn trong các chương trình hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh. Như vậy, bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được phép? Trong khi bia dưới 5,5 độ cồn hiện gần như bao phủ toàn bộ thị trường. Bởi vậy, ông Nhân đề xuất điều chỉnh độ cồn ở ngưỡng 4 - 5 độ trong tất cả các quy định thay vì từ 5,5 độ như trong dự thảo luật. |
QUỲNH NHƯ - KIM HÀ
Kỳ 2: Hậu quả khôn lường