| 05-07-2019 | 06:07:18

Mái ấm của những người lầm lỡ

Tuổi trẻ bốc đồng, nhiều bạn trẻ tự đẩy mình ra khỏi vòng tay yêu thương, chăm sóc của gia đình khi đến với ma túy. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương, nơi được xem như là “mái ấm” thứ hai để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện.

 “Em đã sai”

Chúng tôi đến thăm Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo vào một ngày cuối tháng 6. Nằm cách xa trung tâm thị trấn Phước Vĩnh chừng 20km, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh hiện đang điều trị cai nghiện cho 761 học viên, trong đó có khoảng 200 học viên là người đang cư ngụ trên địa bàn tỉnh. Đa số các học viên là đối tượng bị xử lý hành chính buộc đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trò chuyện với chúng tôi, các bạn tuổi đời đôi mươi cho biết nguyên nhân khiến họ trở thành người nghiện ma túy đôi khi rất đơn giản. L.K.N. (20 tuổi) nhà ở Tân Uyên chia sẻ câu chuyện em tìm đến với ma túy và nghiện. Đôi mắt ngấn lệ, N. chậm rãi kể 15 năm trước, gia đình em từ Kiên Giang đến TX.Tân Uyên lập nghiệp. Cuộc sống của gia đình cũng khá sung túc. Gia đình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ. Dù không giàu có nhưng cuộc sống khá ổn định. Tuy vậy, tuổi mới lớn, bồng bột N. lại muốn tự lập và đi theo bạn bè để tự lo cuộc sống cho bản thân. N. nhanh chóng hòa nhập với bạn bè, các “đồng nghiệp” làm chung tại một quán karaoke ở TX.Dĩ An.


Trong tháng cao điểm phòng chống ma túy, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã đến thăm và động viên các học viên tại cơ sở cai nghiện phấn đấu học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Trong ảnh: Các học viên nhận và vận chuyển quà của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh

Một vài lần khách đến quán, để có tiền “típ” N. phải chiều khách, nghe lời rủ rê của khách sử dụng ma túy để cuộc vui thêm hưng phấn. Ngày qua ngày làm việc tại quán, N. cũng không biết mình đã nghiện ma túy từ lúc nào. Một đêm cuối tháng 11- 2018, trong lúc đang sử dụng ma túy cùng nhóm khách tại phòng, N. và một số tiếp viên cùng nhóm khách bị bắt quả tang khi đang sử dụng trái phép chất ma túy. N. cùng bạn và nhóm khách bị xử lý hành chính và bị đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Em nghĩ rằng mình đã may mắn khi bị cơ quan chức năng phát hiện và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu không cho đến giờ này em cũng không biết số phận của mình ra sao nữa. Bây giờ em chỉ mong cai nghiện, dứt bỏ ma túy để sớm trở về gia đình, làm lại cuộc đời mới”, N. trải lòng.

Khi chúng tôi đang trò chuyện thì cơn mưa tháng 6 bất chợt ập đến. Âm thanh những giọt mưa tí tách rơi trên mái tôn như dội vào trong lòng người, đánh thức lý trí của những người lầm lỡ, để họ có thêm nghị lực để vượt lên chính mình, thoát ra những cạm bẫy ma túy, thứ đã đẩy đưa họ vào những tháng ngày lầm lỗi. Sau cơn mưa trời lại sáng, và mong ước của hầu hết học viên lầm lỡ đang ở tại “mái ấm” là có thêm nghị lực để hoàn thành việc cắt cơn, đoạn tuyệt ma túy, giúp họ lần nữa có cơ hội xây dựng lại cuộc đời mới cho chính mình.

“Con đường em đã sai rồi. Giờ đây em rất hối hận. Chỉ mong được sớm về với gia đình, người thân của mình. Khi về em sẽ tìm một công việc làm tử tế để phụ giúp gia đình. Thời gian ở cơ sở, được giáo dục và biết được những tác hại của ma túy như thế nào. Khi trở về nếu biết bạn bè sử dụng ma túy, em sẽ khuyên họ từ bỏ và đi cai nghiện trước khi quá muộn”, N. tự tin nói.

Tại cơ sở cai nghiện ma túy, còn có những hoàn cảnh sa ngã nghe rất đơn giản. Trường hợp của học viên N.H.L. (37 tuổi) nhà ở TX.Thuận An là một “bi kịch” của chính bản thân mình. L. vốn là tài xế lái xe đông lạnh. Công việc đòi hỏi phải chạy thâu đêm, để tỉnh táo chạy xe, L. nghe theo các đồng nghiệp sử dụng ma túy.

Đối với giáo viên tại cơ sở thì N.H.L. không xa lạ với mọi người vì đây là lần thứ hai L. tái nghiện và bị đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trần tình lý do tái nghiện, L. nói vốn dĩ có cuộc sống gia đình ấm êm, vợ con đầy đủ nhưng khi nghiện ma túy nó đã “cướp” đi tất cả. N. kể, sau lần đi cai nghiện năm 2015- 2017, cuộc sống hôn nhân đổ vỡ. Khi trở về tâm lý vừa mặc cảm bản thân, lại bị ngay người thân quen, gần gũi chưa tin tưởng và trao cho mình cơ hội để “làm lại cuộc đời”, thế là trong khoảng trống ấy khiến L. nhanh chóng bị bạn bè rủ rê sử dụng lại ma túy .

Giúp người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Ông Đoàn Phước Hậu, Phó phòng Giáo dục - Tư vấn - Dạy nghề thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương, cho biết từ cuối tháng 12-2018 đến nay số lượng học viên ra là 431 người, thì con số học viên mới vào là 400 người. Theo ông Hậu, ngoài số học viên thuộc diện đưa đi cai nghiện bắt buộc, còn có học viên trong diện được gia đình ở các địa phương lân cận gửi đi cai nghiện tự nguyện.

“Hiện nay việc chăm sóc y tế, nhất là điều trị cắt cơn cho các học viên mới trong giai đoạn đầu ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm này số lượng vượt hơn 750 học viên. Trong khi đó, hiện cơ sở không có bác sĩ mà chỉ có 3 y sĩ phục vụ cho việc điều trị, cắt cơn nghiện cho hơn 750 học viên. Đây là một áp lực không nhỏ trong việc điều trị cai nghiện để có kết quả tốt nhất”, ông Hậu chia sẻ .

Theo các nhân viên ở cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, những năm gần đây trước tình hình nhiều loại ma túy mới xuất hiện khiến công tác điều trị gặp không ít khó khăn. Tình trạng cơ sở phải tiếp nhận học viên 24/24 từ các địa phương giao về, trong đó nhiều trường hợp học viên còn biểu hiện “phê ma túy” nên có tâm lý, hành vi gây không ít khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho đội ngũ làm công tác tiếp nhận, điều trị. “Việc thiếu bác sĩ đa khoa tại cơ sở làm ảnh hưởng không ít đến quá trình điều trị cắt cơn cho các học viên trong giai đoạn đầu cơ sở tiếp nhận học viên”, ông Đoàn Phước Hậu chia sẻ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay tỷ lệ người nghiện ma túy tái nghiện sau khi từ cơ sở cai nghiện trở về là rất cao. Hầu hết, nguyên nhân người nghiện ma túy tiếp tục tái nghiện do không ít gia đình, cộng đồng xã hội còn có thái độ phân biệt kỳ thị, cũng như chưa nhận được sự cảm thông, để từ đó tạo điều kiện cho họ có một công việc ổn định, giúp họ tránh các nguy cơ tái nghiện.

Theo ông Đoàn Phước Hậu, Phó phòng Giáo dục - Tư vấn - Dạy nghề Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Dương, trong số hơn 750 học viên tại cơ sở có khoảng 200 học viên là người dân cư ngụ trên địa bàn tỉnh. Hiện cơ sở không chỉ quan tâm đến công tác điều trị, cai nghiện cho học viên mà còn chú trọng đến công tác đào tạo, dạy nghề cho học viên. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, cơ sở đã đào tạo, dạy nghề: sửa chữa xe máy, lái xe nâng, nghề hớt tóc cho hơn 100 học viên nam, nữ.

Cũng theo ông Hậu yếu tố để các bạn trẻ sau cai nghiện có thể tái hòa nhập với cộng đồng tốt và tránh nguy cơ tái nghiện là các địa phương nơi học viên cư ngụ cần có chính sách tạo điều kiện để giải quyết công ăn việc làm để họ tránh các nguy cơ tái nghiện. Địa phương cần chủ động để giúp đỡ họ. Đối với học viên đã qua các khóa đào tạo nghề thì trung tâm giới thiệu việc làm hay địa phương có thể giúp đỡ, giới thiệu họ có việc làm phù hợp hoặc giúp họ có cơ hội tiếp tục học tập nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của đơn vị tuyển dụng.

Chúng tôi chia tay cơ sở khi cơn mưa nặng hạt vừa chấm dứt, cuối chân trời những tia nắng ấm áp lại bừng lên. Đâu đó trên đường đời của hàng trăm người lầm lỡ lại thắp lên niềm hy vọng về một ngày trở về với một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

 “Tôi có xin gia đình hỗ trợ ít vốn để mở tiệm rửa xe, nhưng gia đình tôi vẫn hoài nghi và không tạo điều kiện. Chán nản, tôi buông xuôi và tìm đến ma túy lần này không phải để chạy xe mà là để quên đi những nỗi buồn bị nhiều người hắt hủi. Sau lần cai nghiện này, tôi sẽ quyết tâm từ bỏ ma túy. Sự quyết tâm của tôi rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía gia đình cũng như địa phương để tạo điều kiện cho tôi có cơ hội tìm kiếm một việc làm để sống một cuộc sống lương thiện, có ích cho đời”, học viên N.N.L. tâm tư.

MINH DUY

Chia sẻ