Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tuổi mười tám xuân thì, người thanh niên tiên tiến Nguyễn Thu Hải đã xung phong lên đường nhập ngũ (ngày 29-11-1976) trong đợt tuyển quân đầu tiên ở Bình Dương sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Theo tiếng gọi quê hương, cô lên đường nhập ngũ, mang trong mình hào khí của lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Trước khi lên đường, bạn bè, thầy cô chuyền tay nhau cuốn lưu bút. Sau hơn 43 năm với biết bao biến cố, đổi thay của cuộc sống, cuốn lưu bút ấy vẫn còn nguyên giá trị về một thời hoa niên tươi đẹp.
“Cô ca sĩ Tân Bình”
Một buổi chiều tháng 7, nắng rót vàng như mật hắt lên tòa nhà của Trung tâm Hành chính TX.Dĩ An, chúng tôi gặp cô Nguyễn Thu Hải, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX.Dĩ An. Theo các bạn trẻ nhận xét, cô là người của quá khứ bởi đang lưu giữ rất nhiều kỷ vật, hình ảnh thời xưa, còn theo những cựu chiến binh đã từng sống, chiến đấu ở Dĩ An thì gọi cô bằng cái tên thân thương: “Cô ca sĩ Tân Bình”. Trò chuyện cùng cô, chúng tôi nhắc đến biệt danh này, cô khẽ cười rồi phân trần “một thời hoa niên tươi đẹp”. Thời ấy, cô Hải chỉ là cô bé 17 tuổi. “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phong trào văn hóa văn nghệ chống văn hóa đồi trụy ở Dĩ An phát triển mạnh mẽ, trong đó có Tân Bình. Chỉ đạo của Huyện ủy Dĩ An lúc này phải thu hút giới trẻ vào lao động, đến các sân chơi của Đoàn để định hướng lối sống, lý tưởng cho thanh niên. Khắp các làng, xã dấy lên phong trào văn hóa văn nghệ với những ca khúc chính trị thúc giục thanh niên, học sinh tới vùng biên giới, hải đảo xa xôi đi giữ đất, trồng rừng, xây dựng những công trình mới”, cô Hải cho biết.
Cô Nguyễn Thu Hải lần giở những trang lưu bút về một thời tuổi trẻ
Với giọng hát trong, ngân vang cùng dáng người nhỏ xinh, cô Hải được tuyển vào Đội văn nghệ tuyên truyền kháng chiến xã Tân Bình và nhanh chóng trở thành hạt nhân trong các phong trào văn nghệ huyện. Các bài hát tiêu biểu được cô hát thời bấy giờ như: “Tình ca tuổi trẻ” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, “Tạm biệt chim én” (Trần Tiến), “Ngày mai anh lên đường” (Thanh Trúc), “Bài ca thanh niên xung phong” (Hoàng Hiệp), “Những bông hoa trên tuyến lửa”… Từ những thanh âm trầm bổng qua giọng ca ngọt ngào của cô đã giúp các bà, các mẹ giữ vững ý chí đấu tranh, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và khiến các phần tử chống phá cách mạng phải cảm động. Hồi ấy, ngoài việc học, tham gia đội văn nghệ tuyên truyền kháng chiến, cô Hải còn tranh thủ thời gian phụ giúp cán bộ cách mạng kê khai hộ tịch, hộ khẩu. Cũng vì lẽ đó, tình cảm của cô đối với các hoạt động kháng chiến, kiến quốc ngày càng sâu đậm. Cô Hải cho biết: “Tuổi trẻ chúng tôi được tôi luyện trong khí thế lên đường của cả nước. Mặc cho cái khổ, cái nghèo đeo bám, chúng tôi vẫn lớn lên như cây măng trong rừng Hố Lang. Cả đội văn nghệ, “đứa chị đi thì con dì lại lớn”, dùng chung áo quần, sách vở và kinh nghiệm sống của nhau, để lần lượt vượt qua cái thời kỳ gian khó ấy”.
Cuốn lưu bút bạc màu
Chúng tôi theo cô về nhà riêng tại khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, TX.Dĩ An. Với giọng kể truyền cảm của cô, chúng tôi bị thu hút vào câu chuyện cô và đồng đội thoát hiểm, bị địch phục kích, rồi cả những khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Như đã hứa, về đến nhà cô cho chúng tôi xem một kỷ vật đặc biệt mà cô đã gìn giữ hơn 43 năm qua. Lau khô những giọt nước còn dính trên tay, cô Hải lấy từ trong chiếc tủ gỗ có khóa đưa cho tôi một cuốn sổ cũ kỹ, bạc màu. Đó là cuốn lưu bút được cô cất cẩn thận cùng với một vài đồ đạc giá trị về tinh thần. Cuốn lưu bút ấy với những trang giấy đen, ngã màu theo năm tháng nhưng cô vẫn giữ bên cạnh mình như là kỷ niệm đẹp của một thời hoa niên. Mỗi trang lưu bút là những dòng cảm xúc, tâm tình của thế hệ thanh niên nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng. Cũng giống như bao cuốn sổ lưu bút khác, cô Hải dành nguyên một trang đầu tiên cho mình cùng đôi lời tự bạch về lý tưởng cách mạng: “Rồi phong trào nghĩa vụ dấy động lên/ Theo tiếng gọi quê hương em cất bước/ Nguyện hiến trọn đời mình cho đất nước yêu thương”. Trong cuốn lưu bút ấy, hiện có những người đã từng là lãnh đạo Huyện ủy, UBND thị xã, phường, lại có những người đã hy sinh, mãi mãi nằm lại giữa lòng đất mẹ. Sau hơn 43 năm với biết bao biến cố, đổi thay của cuộc sống, giở cuốn sổ cũ kỹ ra cô Hải như sống lại thời tuổi trẻ lên đường.
“Nếu chẳng thể khiến thời gian quay lại, thì cuốn lưu bút trở thành thước phim ghi lại kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ lên đường”. (Cô Nguyễn Thu Hải)
Năm 1976, phong trào kiến thiết, xây dựng quê hương rộ lên khắp nơi, thanh niên nam, nữ hăng hái thi đua học tập và thực hiện ước mơ của mình. Nhớ lại ngày lên đường nhập ngũ, cô Hải chậm rãi kể về cảm giác trằn trọc pha lẫn nôn nao, không tài nào chợp mắt được. Bằng tình cảm bịn rịn không muốn rời xa, thầy cô, bạn bè chuyền tay nhau cuốn lưu bút, viết tặng vài lời thân thương, đậm nghĩa tình. Mỗi nét chữ, mỗi trang văn là những lời chân thành mà mọi người đã dành cho “cô ca sĩ Tân Bình” trẻ trung, sôi động và tràn đầy lý tưởng cách mạng.
Lật, giở từng trang, chúng tôi dừng lại trước trang lưu bút ký tên Đặng Thị Ánh, ngày 25-11- 1976. Với giọng văn mạch lạc, nắn nón từng nét chữ, cô Ánh viết: “Thật là cao cả, chị là một người con gái đầu tiên ở Tân Bình xung phong đi nghĩa vụ quân sự. Không ngại khó khăn gian khổ, chị đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Với lý tưởng cao quý này, Ánh và các bạn mong rằng chị luôn hoàn thành nghĩa vụ của Đảng, của tổ chức giao. Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”. Hay trong một trang viết nguệch ngoạc, nét mực xanh đã bay màu: “Rồi đây trên thao trường, trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng ta đi để thỏa chí ngang dọc, đi là chiến thắng hỡi “cô ca sĩ Tân Bình”. Chính tinh thần ấy cùng với tình cảm yêu thương, động viên của các bạn, các em thiếu nhi là hành trang để cô Hải tiếp bước, cống hiến sức mình cho quê hương.
Sau 3 tháng huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung (TP.Hồ Chí Minh), cô Hải bắt đầu công tác tại Tiểu đoàn 3, Phòng Tham mưu Tỉnh đội Sông Bé. Đến cuối năm 1979, cô được điều chuyển về Sở Lương thực tỉnh Sông Bé làm công tác quản lý tài vụ, tham gia đoàn sang Campuchia phát lương thực cho bộ đội. “Chúng tôi, mỗi người được cấp một bộ quần áo, chiếc võng, tấm nylon che mưa và bắt đầu học cách sử dụng vũ khí, cách đào công sự, bò, lăn và cách phục kích chỉ trong vài ngày. Mặc dù cuộc sống gian khổ nhưng anh em trong đơn vị vẫn dành thời gian cho hoạt động văn nghệ, kể chuyện tiếu lâm và diễn kịch. Đoàn đi đến đâu cũng được bà con và các đơn vị bộ đội yêu mến”, cô Hải cho biết. Thành quả của những năm tháng cống hiến cho quân ngũ, cô đã được vinh dự kết nạp vào tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - một ước nguyện mà cô ấp ủ trong hơn 4 năm 5 tháng.
Với ý nghĩa đặc biệt đó, cho đến bây giờ, sau 43 năm với biết bao biến cố, đổi thay của cuộc sống nhưng cuốn lưu bút vẫn theo cô đến tận ngày hôm nay, được cô trân trọng và cất giữ cẩn thận. Hiện tại cô đã bước sang tuổi 63 nhưng những kỷ niệm về ngày đầu tiên lên đường nhập ngũ, về cuốn lưu bút thân thương vẫn luôn là hành trang để cô tiến bước. Và hơn hết, những thành tích mà cô đã đạt được sẽ trở thành bài học quý về tinh thần lên đường vì lý tưởng cách mạng cho lớp trẻ hôm nay và mai sau.
Hiện nay với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX.Dĩ An, cô Nguyễn Thu Hải đã phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp tham gia giáo dục thế hệ trẻ hiểu, trân trọng truyền thống của quê hương, đất nước. Hàng năm, cô tham gia hàng chục chương trình giao lưu với học sinh, Đoàn Thanh niên các cấp. Thông qua hoạt động truyền lửa, giúp tuổi trẻ tiếp thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, có ý chí, khát vọng vươn lên trên con đường lập thân, lập nghiệp. |
KIM HÀ