| 19-07-2019 | 08:49:11

Những “Vành trăng khuyết” làm đẹp cuộc đời

“Trăng khuyết” là trăng không hoàn thiện nhưng vẫn sáng, vẫn đẹp, vẫn hữu ích. Đó là thông điệp của anh Phạm Hữu Sơn, trưởng nhóm hoạt động vì cộng đồng mang tên “Trăng khuyết”. Sự ra đời của nhóm “Trăng khuyết” không chỉ hướng đến những hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng mà đóng góp tiếng nói mạnh mẽ, những hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng dễ tổn thương đã hoặc có nguy cơ mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”.


“Khách hàng” được động viên xét nghiệm HIV bên lề một buổi tọa đàm về “Lợi ích của việc xét nghiệm HIV

Xin đừng kỳ thị người “có H”

Một buổi sáng, tại văn phòng nhỏ trong con hẻm thuộc khu phố Bình Đức 2, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An có một nhóm người trẻ ngồi tư vấn, lấy mẫu máu cho hai người khác. Trên bàn có khá nhiều dụng cụ y tế, kim tiêm và… bao cao su. Họ là thành viên tích cực của nhóm hoạt động vì cộng đồng mang tên “Trăng khuyết”.

Họ không phải là cán bộ y tế hay bác sĩ, họ chỉ là “những người từng khiếm khuyết” nay hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích khi biết giúp đỡ cho những người “đang khiếm khuyết” khác. Họ có thể từng là một người bán dâm hoặc một con nghiện ma túy, nay đã hoàn lương, kiếm được việc làm ổn định, tham gia nhóm “Trăng khuyết” để giúp đỡ những người từng như mình. Họ gọi những người tìm đến và cần họ là “khách hàng”.

Và, “khách hàng” đến đây nhiều nhất vẫn là những người đang nghi ngờ mình bị nhiễm HIV/AIDS hoặc những “ca bệnh” lâu năm “thấy buồn nên đến tâm sự chơi”. Trong số những người đến đây, chúng tôi được biết phần lớn là người thuộc “giới tính thứ ba” hoặc đối tượng đặc biệt khác. Họ thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới… (gọi là LGBT), những người tiêm chích ma túy (IDU) và những người hành nghề mại dâm (FSW).

Khi nghi ngờ bị “có H”, “khách hàng” được các tiếp cận viên đồng đẳng hướng dẫn đến đây để được làm xét nghiệm HIV và tư vấn hướng điều trị, nếu kết quả dương tính. Qua xét nghiệm nhanh bằng mẫu máu từ đầu ngón tay, nếu kết quả dương tính, “khách hàng” sẽ được dẫn đến các đơn vị y tế để kiểm tra lại và điều trị theo phác đồ. Các thành viên thuộc nhóm “Trăng khuyết” cũng sẽ phát bao cao su, kim tiêm, nước cất, chất bôi trơn... tư vấn cho “khách hàng” cách quan hệ tình dục an toàn, phòng nguy cơ lây lan các căn bệnh xã hội.

Khác với không khí ở bệnh viện, ở những không gian như thế này mọi trình tự và thủ tục diễn ra hết sức nhẹ nhàng, ôn hòa. “khách hàng” là bệnh nhân nhưng thay vì vội vã, gấp gáp thì lại như muốn níu kéo thời gian để được trò chuyện nhiều hơn với các bạn giáo dục viên đồng đẳng.

Những buổi tư vấn, xét nghiệm máu không nhất thiết diễn ra ở văn phòng của nhóm “Trăng khuyết” hay các sự kiện mà nhóm tổ chức định kỳ. Đôi khi, các thành viên trong nhóm còn có mặt ở quán cà phê nào đó để giúp “khách hàng” lấy lại tinh thần khi bị sang chấn tâm lý. Anh Phạm Hữu Sơn, trưởng nhóm “Trăng khuyết”, chia sẻ: “Khi “khách hàng” ngại đến nơi đông người, có tâm sự buồn muốn chia sẻ thì một không gian riêng tư là cần thiết. Vì tâm lý chán nản, nhiều “ca bệnh” đã bỏ điều trị với thuốc ARV dẫn đến bệnh chuyển nặng. Số khác “mất dấu” vì không rõ nguyên nhân. Trước tình trạng trên, các thành viên trong nhóm phải tìm kiếm để thuyết phục các “ca mất dấu” quay về điều trị.”

Tạo việc làm và hơn thế nữa

Do nhu cầu cần được giao tiếp, được sẻ chia nên khi gặp người từng có cuộc đời khiếm khuyết như mình, họ dễ dàng bộc bạch nỗi lòng của mình. Anh N.M.C. (SN 1983, quê Bến Cát), một người từng nghiện ma túy và là thành viên tự nguyện của nhóm “Trăng khuyết” là một trường hợp như thế. Anh sử dụng ma túy từ năm 15 tuổi do bạn bè rủ rê “chơi thử” và thành con nghiện. Từ khi tham gia hoạt động cộng đồng, anh đã trở thành người có ích cho xã hội. Ngày ngày, ngoài thời gian buôn bán ngoài chợ, anh dành thời gian còn lại cho hoạt động vì cộng đồng mà mình say mê. Chia sẻ về công việc hiện tại, anh C. bộc bạch: “Tôi từng “chơi” ma túy từ năm 15 tuổi và tưởng không bao giờ bỏ được. Sau khi đi cai nghiện về, tôi sử dụng lại và tái nghiện. Năm 2010, nhờ được thuyết phục và tham gia nhóm “Trăng khuyết”, tôi đã sử dụng methadone thay cho ma túy cho đến nay. Tham gia hoạt động cộng đồng thấy có ích, tôi lại tiếp tục đi thuyết phục những người nghiện giống mình trước đây ngừng sử dụng ma túy, dẫn họ đi xét nghiệm HIV, kết nối với các đơn vị điều trị bệnh. Bạn nào có nguy cơ mắc HIV thì 3 tháng tôi dẫn đi xét nghiệm 1 lần. Mỗi năm tôi giúp được hơn 60 bạn như vậy. Tôi thấy tham gia nhóm có ích cho mình và cho mọi người lắm.”

Chị T.N.V.H. (SN 1977, quê Thừa Thiên - Huế là một “vành trăng khuyết” mang gam màu khác. Chị vốn có hoàn cảnh khó khăn, ly dị chồng và nhiều năm hành nghề bán dâm. Năm 2015, tham gia “Trăng khuyết” chị nhận ra cuộc đời mình “cũng tròn” chứ không hề “khiếm khuyết” đầy nghiệt ngã như trước đó. Chị đã có việc làm ổn định, có bạn bè, cộng đồng và có lý tưởng sống. Bây giờ, ngoài việc bán hàng ăn, chị dành thời gian đi tiếp cận các trường hợp như mình trước đây. Chị đã có nhiều kiến thức về phòng chống HIV/AIDS như anh C. và các thành viên khác trong nhóm. Vì vậy, khi phát hiện “ca” nào mới, chị đều quyết tâm thuyết phục “khách hàng” tham gia chương trình xét nghiệm. Sau khi “có H” thì đưa vào chương trình điều trị. Cứ như vậy, có tháng chị giúp đỡ được 30 ca, mỗi năm trung bình hỗ trợ được 60 người.

“Tiếp cận và hỗ trợ các “khách hàng” trang bị kiến thức phòng, chống HIV giúp cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn. Tôi có thêm nhiều bạn bè. Ngoài tư vấn, hướng dẫn “khách hàng” đi điều trị thuốc ARV, tôi còn giúp họ kiếm việc làm nếu họ muốn. Tính đến nay tôi cũng giúp được 10 bạn hành nghề mại dâm bỏ nghề để đi xin việc làm. Công việc tôi giới thiệu cho các bạn đó chủ yếu là bán hàng ăn, cắt tóc, làm thuê…”

Để “Trăng khuyết” lại đầy

Với việc tiếp cận, thuyết phục người nghiện ngừng sử dụng ma túy để chuyển sang sử dụng methadone thay thế không phải dễ dàng với lực lượng công an và cơ quan chức năng nói chung. Tuy nhiên, nhờ sự uy tín và đồng cảm, các thành viên “Trăng khuyết” lại dễ dàng thuyết phục. Tương tự như vậy, với trường hợp bán dâm, cán bộ phụ nữ địa phương cũng không phải dễ dàng tiếp cận được các chị em. Song, một khi thông qua và phối hợp với các giáo dục viên đồng đẳng thì mọi việc lại thuận tiện hơn. Chính vì vậy, vai trò phối hợp của nhóm “Trăng khuyết” và các ban, ngành, đoàn thể trong những năm gần đây lại được chú trọng hơn. Những buổi tọa đàm “Lợi ích của việc xét nghiệm HIV” do “Trăng khuyết” phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương tổ chức vì vậy mà ngày càng thu hút đông đảo nhiều đối tượng đến xét nghiệm máu, giao lưu văn nghệ và nghe các bác sĩ chia sẻ biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS.

Trao đổi về điều này, anh Phạm Hữu Sơn, trưởng nhóm “Trăng khuyết”, cho biết: “Nhóm thành lập năm 2011 với 6 thành viên, nay đã có 16 thành viên hoạt động chính, tiếp cận và thu hút sự tham gia của hơn 2.000 khách hàng trên cả nước. Ngoài tổ chức xét nghiệm, tư vấn về phòng bệnh HIV, phát bao cao su và kim tiêm.. miễn phí, chúng tôi còn tổ chức nhiều sân chơi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho các thành viên trên cả nước. Chúng tôi luôn hỗ trợ các bạn xin việc làm, tạo thu nhập ổn định, tránh xa tệ nạn xã hội. Chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với lực lượng công an, cơ quan chức năng khi họ cần. Với các thành viên trong nhóm “Trăng khuyết”, từ khi tham gia hoạt động cộng đồng, được làm những việc có ích cho xã hội, các bạn cảm thấy mình lạc quan, vui vẻ và yêu cuộc sống hơn. Là người thành lập nhóm, tôi luôn nỗ lực để nhóm hoạt động có chiều sâu và mang đến nhiều giá trị thiết thực cho các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội”.

Nhóm “Trăng khuyết” do anh Phạm Hữu Sơn (SN 1983) thành lập từ năm 2011. Đến nay, thành viên nhóm tiếp cận và chăm sóc đã vượt qua con số 2.000 người trên khắp cả nước. Nhóm được thành lập dưới sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ mang tên Quỹ Toàn cầu GlobalFund (Dự án mang tên QTC), sự điều phối Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống - Life tại TP.Hồ Chí Minh và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương. Với thông điệp giàu tính nhân văn của mình, nhóm “Trăng khuyết” đang từng ngày góp phần thay đổi tư duy của nhiều người về bị “nhiễm H”, giảm kỳ thị và phân biệt, đối xử với người mắc bệnh. Nhóm hoạt động được 8 năm tại hai địa bàn chính là TX.Thuận An và TX.Dĩ An, can thiệp chính cho 3 nhóm đối tượng: Nhóm nam quan hệ tình dục với nam (MSM), người tiêm chích ma túy (IDU), nữ hành nghề mại dâm (FSW). Nhóm từng tổ chức nhiều chương trình “Lợi ích của xét nghiệm HIV, điều trị Prep” với mong muốn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng nhóm nguy cơ cao và hướng đến mục tiêu 90-90-90 của Chính phủ đề ra.

TÂM TRANG

Chia sẻ