| 10-02-2014 | 00:00:00

Bộ máy quản lý nhà nước sẽ bớt cồng kềnh?

Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCC,VC) Nhà nước hưởng lương ngân sách quá lớn và cồng kềnh đang là lực cản cho việc cải cách chế độ tiền lương, tăng mức lương tối thiểu. Xin lấy một thực tế cụ thể ở tỉnh Quảng Ninh. Qua rà soát tổ chức bộ máy biên chế, hiện bình quân mỗi xã, phường ở tỉnh này có khoảng 200 cán bộ hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Thậm chí một phường của TP.Hạ Long với hơn 400 người và một thị trấn của huyện Đông Triều với hơn 600 người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Vì vậy việc Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định tinh giản biên chế khoảng 100.000 người theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo dự thảo nghị định, CB CC dôi dư do sắp sếp lại, chưa đạt trình độ hoặc có chuyên môn không phù hợp, CB kiêm nhiệm, nghỉ ốm nhiều... sẽ là đối tượng nhắm đến trong đợt tinh giản biên chế tới đây của Chính phủ. Tuy nhiên, đối tượng tinh giản biên chế sẽ kèm theo điều kiện tuổi từ 55 đến 58 đối với nam, 50 đến 53 đối với nữ và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên. Trong khoảng 100.000 người có 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số CBCC, VC nói trên trong 6 năm khoảng 8.000 tỷ đồng.

Đánh giá về dự thảo nghị định tinh giản biên chế, các chuyên gia cho rằng những tiêu chí trong dự thảo nghị định còn sơ sài, Nhà nước cần rút bớt ra khỏi những lĩnh vực dịch vụ tư nhân có thể cung cấp được. Một trong các đối tượng đưa vào tinh giản biên chế trong dự thảo là “người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực”. Khái niệm này rất trừu tượng, khó xác định vì chưa có tiêu chí để xác định thế nào là hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực. Chưa kể trong các cơ quan hiện nay vẫn còn kiểu xuê xoa. Trong đánh giá CB hay gặp chữ “tuy nhiên”. Nghĩa là đem các mặt tốt ra nhận xét, bên cạnh rất nhiều mặt tốt thì “tuy nhiên vẫn còn một số ít khuyết điểm”. Và đó thường là những khuyết điểm kiểu ai cũng có thể mắc phải. Cuối cùng thì ai cũng “hoàn thành nhiệm vụ”, huề cả làng!

Thêm nữa, nếu tính bình quân lấy 100.000 người chia cho hơn 60 tỉnh, thành và mấy chục bộ, ngành Trung ương, tính xuống cả những đơn vị nhỏ lẻ ở từng địa phương thì sơ bộ mỗi nơi cũng chỉ giảm được số lượng người rất ít. Có khi tỷ lệ người nghỉ hưu trí trong thời gian 6 năm tới còn vượt cả con số này. Đó là chưa nói lộ trình tinh giản này kéo dài đến 6 năm thì hiệu quả và chuyển biến vẫn còn chậm.

Tinh giản biên chế phải góp phần sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, VC trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước... Nên về lâu dài, “chìa khóa” của tinh giản biên chế là thiết lập một bộ máy quản lý nhà nước gọn nhẹ, bớt cồng kềnh như hiện nay với đội ngũ CBCC, VC có chất lượng.

NHẬT HUY

Chia sẻ