| 11-06-2015 | 09:27:55

Bỗng dưng nhớ một… tiếng rao

Hồi tôi còn bé, gần nhà có một bà bán gạo. Để kiếm được đồng lời nuôi con, bà phải vất vả ngược xuôi vượt qua bao nhiêu trạm kiểm soát. Có khi bị bắt mất hết cả vốn lẫn lời nên trông nét mặt bà rất khắc khổ, mệt mỏi.

Nhưng điều khiến tôi nhớ mãi về bà là thái độ bán hàng vui vẻ, dí dỏm, lúc nào bà cũng làm cho khách hàng bật cười. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ nụ cười nhăn nheo, hóm hỉnh khi giới thiệu về sản phẩm gạo của bà: “Gạo mới miền Tây ngon lắm bà con ơi, gạo thơm như bông lài, trắng như bông bưởi, nở như cái bánh bò!”.

Tuổi thơ của mỗi người, ắt hẳn không ai không nhớ những thanh âm thắm tình, da diết của tiếng rao. Có khi lời rao làm dịu mát buổi trưa hè với “Ai chè đậu xanh, nước dừa, đường cát hôn!”, có khi làm nhộn nhịp cả một con hẻm với lũ trẻ sau cơn mưa: “Ai ve chai, lông gà, lông vịt, thau mủ bể bán hôn!”.

Mấy năm gần đây, khi mà công nghệ được ứng dụng rộng rãi, người tiêu dùng không còn được mua vui từ những tiếng rao hài hước, dí dỏm, thay vào đó là những âm thanh rao giùm của máy móc nghe rất khó chịu. Lời rao hàng kinh hoàng nhất cho thời đại công nghệ này là “Xin trân trọng giới thiệu, công ty hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm, đó là keo dính chuột”.

Thế nhưng người Việt mình cũng dễ tính, dần dần rồi mọi người cũng quen với sự ồn ào của những tiếng rao hỗ trợ từ các thiết bị điện tử, bởi tất cả là để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc. Tiếng rao ồn ỉ từ chiếc loa có khi làm mất giấc ngủ trưa của ai đó, nhưng trách nhau mà làm gì bởi đó là một công việc kiếm sống, những giọt mồ hôi và những bước chân không mỏi của họ đáng được trân trọng hơn.

Mấy ngày nay, ở khu phố tôi xuất hiện một lời rao lạ: “Bắp lấu mười ngàn 3 trái, bắp lấu 3 trái mười ngàn”. Tôi không biết người rao vô tình hay cố ý, nhưng thú thiệt nếu rao cho đúng chính tả “bắp nấu mười ngàn 3 trái…” chắc là tôi không thắc mắc, không buồn cười và không bỗng nhiên thấy nhớ một tiếng rao tôi cho rằng quá… dí dỏm, thông minh.

 MINH HOÀNG

Chia sẻ