| 18-09-2013 | 00:00:00

“Bức tâm thư” của một nông dân

 Một nông dân tên Nguyễn Ngọc Hải (57 tuổi), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ vừa gởi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “bức tâm thư” được dư luận báo chí đặc biệt quan tâm. Sở dĩ có chuyện như vậy là do nội dung bức thư không hề có dòng nào “kêu nghèo, kể khổ” của gia đình, bản thân người gửi thư, mà tập trung vào những vấn đề bức xúc của nông dân hiện nay, như: Liên kết để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; những hệ lụy của vấn đề tích tụ ruộng đất; hình thành mô hình sản xuất bền vững thông qua việc xây dựng ngày càng nhiều những HTX kiểu mới…

 Chuyện nông dân gửi thư cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xưa nay không hiếm, nhưng vẫn rất hiếm những bức thư tâm huyết nói hộ nỗi lòng của hàng chục triệu nông dân theo kiểu của ông Hải: “Tôi viết bức tâm thư này không phải là để nói chuyện của cá nhân tôi mà nói thay cho hàng chục triệu nông dân hiện nay. Dù thu nhập của tôi hiện cũng khá, nhưng cá nhân tôi không thể giúp hàng triệu nông dân khác mà nghĩ rằng nếu đóng góp được giải pháp là hay nhất”. Là chủ nhiệm một HTX kiểu mới đang ăn nên làm ra, nhưng khi diện kiến, trả lời báo giới nguyên nhân khiến ông viết “bức tâm thư” thì ông Hải đang đi làm thuê cho chủ một vuông tôm ở Bến Tre. Và, cái sự đi làm thuê của ông Hải cũng khác người “là để trải nghiệm ở lĩnh vực nuôi tôm”, đồng thời để tìm hiểu xem vì sao người nuôi tôm cũng lao đao, lận đận như người nuôi cá tra ở quê ông.

Chính nhờ có sự dấn thân, chịu khó tìm tòi “cái khổ” của nông dân ở nhiều vùng, miền khác nhau như vậy nên những nội dung trong “bức tâm thư” mà nông dân này đề cập đều trúng phóc những bức xúc của các nông dân hiện nay. Đó là sản phẩm hàng hóa nông dân làm ra bị đem bán rẻ; nguy cơ nông dân phải đi làm thuê ngay trên mảnh ruộng của chính mình vì chính sách tăng hạn điền và tích tụ ruộng đất; doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nông dân… Để giải quyết căn cơ những vấn đề này, giúp nông dân yên tâm sản xuất, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững nông dân này cho rằng cần nhanh chóng xây dựng ngày càng nhiều những HTX kiểu mới theo chủ trương mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Bối cảnh đề cập của “bức tâm thư” nói trên tuy diễn ra ở miền Tây Nam bộ, nhưng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh chung của nông dân cả nước và nông dân khu vực miền Đông Nam bộ nói riêng. Sản phẩm cao su, tiêu, điều, trái cây… của nông dân miền Đông Nam bộ làm ra cũng đang bị tư thương ép giá và thường xuyên tái diễn cảnh thiếu đầu ra; nông dân phải đi làm thuê ngay trên phần đất của mình trước đây vì người giàu bỏ tiền mua gom đất đai. Nông dân mất đất, đồng nghĩa với việc mất việc làm và đói nghèo. Vì vậy, những vấn đề được đề cập trong “bức tâm thư” nói trên cũng đang là những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi. Giải quyết được những vấn đề mà người “đại diện cho hàng chục triệu nông dân” này nêu ra cũng là giải quyết những vấn đề đang tồn tại ở những làng quê Việt Nam để thực hiện thành công Nghị Quyết 26 ngày 5-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

LÊ QUANG

Chia sẻ