| 12-09-2013 | 00:00:00

“Chuyện nhỏ”… đồng phục!

 Câu chuyện khá ồn ào xung quanh bộ đồng phục học sinh (HS) trong những ngày qua đã có hướng tích cực khi Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có văn bản chỉ đạo các sở giáo dục - đào tạo địa phương rà soát, chấn chỉnh việc may, mặc đồng phục đối với HS. Theo đó, ở những nơi có điều kiện và ban đại diện cha mẹ HS đề nghị thì chỉ cần quy định HS mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp; các trường tuyệt đối không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh; không bắt buộc HS may đồng phục mới vào đầu năm học; mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may và phải phù hợp với quy định…

 Bộ đồng phục đến trường của HS tưởng chừng là chuyện nhỏ bỗng trở thành mối bận tâm lớn của phụ huynh và báo chí cũng tốn nhiều giấy mực bàn luận khi xuất hiện khá nhiều hiện tượng bất cập, gây bức xúc. Đó là việc thay đổi màu áo, kiểu dáng đồng phục một cách xoành xoạch tại nhiều ngôi trường trong cả nước làm cho không ít phụ huynh phải ngỡ ngàng, lúng túng vì việc này vừa gây tốn kém, vừa lãng phí các đồng phục cũ còn sử dụng được. Cá biệt, trường Tiểu học Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) còn đưa ra yêu cầu đổi đồng phục mới cho HS theo kiểu… comple Hàn Quốc; cả bộ trang phục gồm áo sơ mi dài tay, nơ đeo cổ, quần âu dài, áo veston màu sáng, tổng cộng giá tiền mỗi bộ lên đến gần 700.000 đồng, tương đương với giá của 1 tạ thóc! Tất nhiên yêu cầu khá “kỳ quặc” này đã phải hủy bỏ vì ngay lập tức gặp phải sự phản ứng quyết liệt của phụ huynh, nhưng nó cho thấy có cái gì đó không ổn về mặt tư duy giáo dục của ngôi trường trên. Câu chuyện về trường THPT Hà Huy Giáp ở huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) buộc HS phải ra khỏi lớp, về nhà thay trang phục vì mặc quần ống hẹp, hay chuyện giáo viên thể dục trường THPT Vị Thủy (Hậu Giang) cất giấu và cắt luôn dép HS, trong đó có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, vì các em không mang giày bata trắng đúng theo quy định của trường, đã làm dư luận không khỏi bức xúc, bận tâm về những chuyện vốn dĩ rất bình thường trong học đường như chiếc áo, đôi dép học trò…

Những bộ đồng phục HS tinh tươm không chỉ gắn liền với nét ngây thơ, hồn nhiên của tuổi học trò mà còn có ý nghĩa chống phân biệt giàu - nghèo, giúp các em HS dù hoàn cảnh gia đình thế nào cũng tự tin với việc học hành. Theo thời gian, khi mức sống tăng lên, việc chăm chút hơn cho bộ đồng phục HS cũng là điều dễ hiểu, tuy nhiên chăm chút không có nghĩa là “chơi trội”, “chơi sang” nhằm tạo sự khác biệt về “đẳng cấp” bắt nguồn từ suy nghĩ của “người lớn”. Đó là còn chưa kể đến hệ lụy gây tốn kém, lãng phí tiền của và thêm gánh nặng cho các gia đình còn khó khăn…

Chỉ mỗi chuyện nhỏ là đồng phục HS cũng đã gây ồn ào làm cho Bộ Giáo dục - Đào tạo phải ra văn bản nói rõ quan điểm và thống nhất thực hiện chung trên toàn quốc về vấn đề này. Hy vọng rằng, câu chuyện nhỏ ấy sẽ được các trường và những người trong cuộc nhận thức một cách sâu sắc dưới góc độ tư duy, quan điểm giáo dục để nó sớm khép lại một cách nhẹ nhàng, không trở thành một câu chuyện lớn hoặc lan sang các lĩnh vực khác trong học đường.

Q.MINH

Chia sẻ