| 10-09-2013 | 00:00:00

Thiên tai và “nhân tai”

Bình Dương có 2 con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Những dòng sông vốn hiền hòa nhưng cũng có thể nổi cơn cuồng nộ nếu mưa lớn kéo dài. Trong năm 2012, bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh phát sinh 65 điểm sạt lở mới, với chiều dài khoảng 1km. Huyện Tân Uyên có 25 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Hiện UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí giúp các hộ di dời đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã cảnh báo đến người dân sống ven sông, đồng thời tăng cường công tác ứng phó với nguy cơ sạt lở đất mỗi khi mùa mưa đến.

Trên địa bàn tỉnh còn có công trình hồ Dầu Tiếng có dung tích chứa 1,58 tỷ m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, TP.HCM… Để bảo vệ an toàn hồ nước Dầu Tiếng, công tác sửa chữa các hạng mục công trình được quan tâm thực hiện thường xuyên. Mùa mưa năm nay đến sớm, lưu lượng nước về hồ Dầu Tiếng lớn hơn mức trung bình nhiều năm. Vào giữa tháng 8 vừa qua, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão công trình hồ nước Dầu Tiếng - Phước Hòa đã có cuộc họp triển khai phương án phòng, chống lụt bão năm 2013 nhằm chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp.

Trở lại vấn đề ứng phó với thiên tai nói chung, hàng năm tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các địa phương có kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống lụt bão. Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn để nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, khi có bão, lũ xảy ra, tổ chức ứng phó, hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng, tránh thiên tai trên các hệ thống thông tin đại chúng; phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống dự báo, cảnh báo nhằm bảo đảm kịp thời thông tin thông suốt đến tận người dân để chủ động phòng tránh lụt bão. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy lợi như: hồ, đập, cản dâng nước, đê bao… để phát hiện và sửa chữa kịp thời các công trình hư hỏng, bảo đảm an toàn cho công trình và dân cư ở vùng hạ du…

Ai cũng biết, những hậu quả của thiên tai sẽ rất khó lường. Ở Bình Dương, những hiểm họa như mưa bão, gió lốc, lũ lụt… là hiện hữu. Vì thế, để hạn chế những hậu quả trên rất cần sự chủ động của con người. Đặc biệt, chủ động trong việc xây dựng năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động ứng phó, cứu nạn và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Cuối cùng, bên cạnh việc phòng, chống thiên tai, cũng cần quan tâm đến “nhân tai”. Bởi tuy không trực tiếp gây ra thiên tai, nhưng những tác động của con người đến môi trường tự nhiên cũng khiến thiên tai gây hậu quả nặng nề hơn.

 DÂN THƯỜNG

Chia sẻ