| 09-09-2013 | 00:00:00

An toàn trong lao động

Ngày 4-9, một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm đã xảy ra tại Nhà máy tinh luyện mỡ cá IDI ở tỉnh Đồng Tháp làm 6 người thiệt mạng và 1 bị thương. Đây là một sự cố đáng tiếc, bởi vì chút tâm lý khinh suất, chủ quan mà các nạn nhân này đã phải gánh hậu quả đau lòng! Theo thông lệ, hàng tuần cán bộ kỹ thuật của nhà máy được phân công trực tiếp lấy mẫu mỡ cá ở dưới các hồ có chiều cao 9m đem lên để phân tích; bình thường chỉ cần đứng trên bồn là có thể thu lấy được mẫu, song vào thời điểm ấy mực nước thấp, thay vì chỉ dùng dụng cụ lấy tí mỡ cá kéo lên là được thì anh P. lại leo thang xuống dưới bồn để thu mẫu!

Vì vậy, khi anh xuống đến gần nửa thân bồn thì bị ngộp và ngất xỉu. Nghe tiếng kêu cứu, thay vì bình tĩnh xử lý tình huống thì Ban giám đốc nhà máy và một vài cán bộ kỹ thuật lại nôn nóng leo thang đi xuống cứu và tất cả họ đều gặp nạn; nhiều khả năng là do dưới bồn sâu không có oxy để thở. Từ sự cố này đã có thêm lời cảnh báo rằng: không thể chủ quan, sơ suất từ việc nhỏ để dẫn đến TNLĐ.

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn cả nước đã xảy ra 305 vụ TNLĐ chết người; trong đó có đến 50,8% là do lỗi từ phía người sử dụng lao động; 45,9% do người lao động (NLĐ) vi phạm quy trình an toàn và 3,3% là do các nguyên nhân khách quan, khó tránh. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn để xảy ra nhiều TNLĐ chết người, chủ yếu vẫn là: khai thác khoáng sản, xây dựng, điện, cơ khí chế tạo máy… Nhằm khắc phục tình trạng NLĐ vi phạm quy định về an toàn trong khi làm việc; kể từ ngày 10-10 tới đây, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành; trong đó phần nội dung về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động nêu rõ: NLĐ không mang các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp phát như: kính mắt, mặt nạ, khẩu trang… trong khi làm việc, có thể bị xử phạt đến 1 triệu đồng. Xem ra, NLĐ nào chểnh mảng, không tuân thủ quy định sẽ rất dễ… bị phạt; có khi chỉ vì “quên” mang khẩu trang lúc làm việc là có thể bị xử phạt bằng tiền. So với trước đây, quy định lần này hoàn toàn mới; bởi theo các quy định cũ cũng chỉ tập trung xử phạt chủ sử dụng lao động, khi họ không bảo đảm điều kiện an toàn cho NLĐ.

“An toàn lao động - Lao động phải an toàn” không phải là khẩu hiệu suông, sáo rỗng mà là những cảnh báo, nhắc nhở vô cùng cần thiết cho cả đôi bên; chủ sử dụng lao động và NLĐ cần nhận rõ: đây là ý thức trách nhiệm, qua đó mà tuân thủ nghiêm túc kỷ luật, quy trình an toàn lao động chính là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa TNLĐ. Không để xảy ra tai nạn trong khi lao động cũng là cách thiết thực để bảo vệ tính mạng, duy trì khả năng lao động của từng thành viên trong xã hội; tránh những thiệt hại và sự cố đã từng gây ra bao cảnh ngộ đau lòng.

THANH NHÀN

Chia sẻ