| 10-10-2023 | 08:42:42

Các địa phương phía bắc tỉnh “hút” mạnh nhà đầu tư

Với vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, thông thoáng, hạ tầng giao thông kết nối và các khu công nghiệp (KCN) đồng bộ, hiện đại đang tạo sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các địa phương phía Bắc của tỉnh.

 Để tạo đà bứt phá cho các địa phương phía bắc, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp để đáp ứng nhu cầu. Trong ảnh: Hạ tầng KCN Bàu Bàng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối. Ảnh: Q.CHIẾN

 Hiệu quả tích cực

Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc với các khu công nghiệp (KCN) làm đòn bẩy của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, nổi bật nhất là TX.Bến Cát. Với vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, thông thoáng, cùng những cơ chế chính sách ưu đãi, các KCN của TX.Bến Cát đã và đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Tính đến nay, TX.Bến Cát đã thu hút 6.520 dự án, trong đó đầu tư trong nước trên 5.450 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 64.300 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài trên 800 dự án với tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ đô la Mỹ.

Theo ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, sau khi thực hiện chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía Bắc của tỉnh, kinh tế Bến Cát đã thực sự khởi sắc. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 8 KCN, đã giúp Bến Cát thu hút gần 10 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Chính các KCN đã giúp địa phương chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh. Theo kế hoạch, TX.Bến Cát sẽ thành lập mới một số cụm công nghiệp, mở rộng KCN Thới Hòa, KCN Mỹ Phước 1, KCN Mỹ Phước 2, một phần KCN Tân Bình rộng khoảng 135 ha và một số KCN khác.

Với huyện Bàu Bàng, nhờ chủ trương này, những năm gần đây huyện đã được đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị mạnh mẽ với nhiều dự án đường vành đai, trục xuyên tâm đã hoàn thành, đưa Bàu Bàng trở thành một trung tâm công nghiệp phía Bắc của tỉnh. Sự phát triển của các KCN đã giúp huyện Bàu Bàng thay đổi cơ cấu kinh tế với công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Trong 9 tháng năm 2023, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 66 dự án đăng ký mới. Trong đó, đầu tư trong nước 58 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 400 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài 8 dự án đăng ký mới, với tổng số vốn đăng ký là 19,82 triệu đô la Mỹ, 8 dự án tăng thêm vốn là 12,525 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 1.443 dự án. Trong đó, đầu tư trong nước 1.214 dự án với tổng vốn đăng ký gần 32.536 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 229 dự án với tổng vốn đăng ký gần 4,5 tỷ đô la Mỹ.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết trong 9 tháng năm 2023, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành các ngành, địa phương thực hiện đạt một số kết quả tích cực. Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng theo kế hoạch đề ra. Công tác bồi thường giải tỏa được quan tâm thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, đặc biệt là dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đang đẩy nhanh tiến độ, đường ĐH 618 đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao để thi công.

Tăng sức hút mới

Bình Dương đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía Bắc đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh.

Theo các chuyên gia, trong vài năm tới đây, cả Bàu Bàng, Phú Giáo hay Dầu Tiếng đều sẽ mọc lên những KCN ứng dụng công nghệ 4.0, thông minh, hiện đại, chuyên sâu. Đây được cho là nhân tố tạo bộ mặt đô thị khác biệt cho Bình Dương nói chung và phía Bắc tỉnh nói riêng.

Ông Mai Bá Trước, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, chia sẻ Dầu Tiếng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Trước mắt, huyện tập trung giải phóng mặt bằng để sớm đưa vào thi công các tuyến đường kết nối với Bến Cát, Bàu Bàng, TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Những tuyến đường này sau khi hoàn thiện sẽ là cầu nối quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với huyện Dầu Tiếng.

Trong khi đó, huyện Phú Giáo cũng được phê duyệt quy hoạch 5 cụm công nghiệp (CCN): Tam Lập 1, 2, 3, 4 và Phước Hòa với tổng diện tích hơn 307 ha. Đến nay, CCN Tam Lập 1 với diện tích hơn 68 ha được triển khai xây dựng và đã có nhà đầu tư thực hiện dự án. Đặc biệt, tại CCN Tam Lập 2, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) có kế hoạch đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên của Việt Nam trên diện tích 180 ha.

Mới đây, tỉnh đã thông qua đồ án quy hoạch KCN Cây Trường 700 ha tại Bàu Bàng. Hiện KCN này đang tiến hành các thủ tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn mới. Như vậy, đến nay tổng diện tích đất công nghiệp tại địa phương này phát triển thêm là 1.687 ha. Hệ thống giao thông của huyện được đầu tư, nâng cấp, mở rộng từng bước hoàn thiện theo hướng Đông Tây, Bắc Nam mang tính kết nối giữa các vùng, khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ, thông suốt tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển.

 Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện chủ trương đưa công nghiệp về phía Bắc tỉnh sẽ tạo động lực phát triển ở các địa phương phía Bắc, đồng thời chuyển đổi xu hướng phát triển ở các đô thị động lực phía Nam. Hạ tầng các khu công nghiệp và hạ tầng giao thông ở các huyện phía Bắc đang được hoàn thiện sẵn sàng đón các doanh nghiệp và nhà đầu tư, do đó, cần khẩn trương điều nghiên, thiết lập các chính sách, phương án nhằm khuyến khích doanh nghiệp tái định cư ở các địa bàn mới.

 NGỌC THANH

Chia sẻ