| 21-10-2022 | 07:32:52

Các dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt

Hiện nay, các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết (SXH), Covid-19 đang có xu hướng giảm sâu. Tuy nhiên, thời tiết đang chuyển mùa, bệnh viêm đường hô hấp đang gia tăng ca mắc ở trẻ em và người già. Để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần nắm vững “5 nguyên tắc vàng”.

 Bệnh giao mùa đang có xu hướng gia tăng. Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ tại TP.Dĩ An

 Ca mắc SXH, Covid-19 giảm sâu

Theo số liệu thống kê của ngành y tế tỉnh trong hơn một tháng qua, tình hình dịch bệnh SXH, Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm. Vào thời điểm đầu tháng, số ca mắc Covid-19 mới trong ngày khoảng 20 ca thì đến nay ghi nhận trung bình khoảng 10 ca/ngày. Số ca mắc mới giảm, số ca khỏi bệnh, xuất viện không ngừng tăng lên, kể cả các trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính. Theo báo cáo từ các địa phương, hiện ca bệnh được phát hiện chủ yếu khi người dân tự xét nghiệm nhanh, phát hiện dương tính khai báo với trạm y tế, số khác tự điều trị theo dõi, cách ly.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trong những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh giảm sâu. Có những ngày số ca mắc mới giảm mạnh. Đây chính là kết quả từ sự tích hợp tổng thể các giải pháp khi Bình Dương quyết liệt triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh Covid-19”. Ngoài ra, người dân cũng nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm là việc triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân, đặc biệt là những trường hợp người lớn tuổi, bệnh nền có nguy cơ chuyển nặng và trẻ em từ 5 đến 17 tuổi”.

Cùng với dịch bệnh Covid-19 giảm, dịch bệnh SXH cũng có xu hướng giảm đáng kể. Số liệu ghi nhận trên hệ thống giám sát cho thấy tính trong tuần 36, toàn tỉnh chỉ ghi nhận hơn 100 ca mắc SXH mới. So với thời gian đỉnh dịch, mỗi tuần trên địa bàn tỉnh ghi nhận từ 500-700 ca mắc SXH. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung so với cùng kỳ năm năm 2021, số ca mắc SXH vẫn ở mức cao, tăng 97,7%. Tích lũy số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh đến nay là 12.291 ca, có 19 ca tử vong.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến số ca SXH trên địa bàn tỉnh giảm liên tục trong những tuần qua là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các địa phương cùng chung tay thực hiện tháng cao điểm phòng, chống dịch bệnh SXH và các dịch bệnh theo mùa. Tại các địa phương, trên từng tuyến đường, khu nhà trọ, khu dân cư, người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ổ lăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn đến khu phố, ấp, tổ dân phố… luôn bảo đảm các hộ gia đình tại vùng có dịch phải được kiểm tra và tiến hành giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải nơi sinh sản của muỗi để triển khai ngay các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bệnh giao mùa có xu hướng tăng

Hiện nay là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Do đó, nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn đông bệnh nhân. Các bệnh nhân vào viện chủ yếu trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, ghi nhận một số trường hợp viêm phổi, có trường hợp suy hô hấp nhưng không nhiều.

Bác sĩ Đỗ Quốc Thiên Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết thời tiết đang chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi, mưa nắng thất thường kèm theo độ ẩm trong không khí giảm thấp là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây bệnh hô hấp phát triển. Ai cũng có thể mắc bệnh do cơ thể chưa kịp thích ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Tuy nhiên, người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị viêm nhiễm bởi sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Các bệnh viêm hô hấp như hen phế quản, viêm thanh quản, viêm họng, viêm mũi xoang cấp, viêm phổi... nếu không được phát hiện kịp thời, các bệnh này dễ tiến triển thành một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như suy hô hấp cấp, viêm tai, viêm màng não, áp xe phổi, tràn khí màng phổi. Phòng bệnh đường hô hấp khi thời tiết thay đổi rất quan trọng nhằm ngăn ngừa tối đa bệnh chuyển biến và biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải.

Đề cập đến phòng bệnh giao mùa cho người cao tuổi, bác sĩ Lại Văn Thăng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết một trong những biện pháp phòng bệnh khi thời tiết giao mùa là tăng cường chế độ dinh dưỡng, trong đó ăn uống cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; ăn nhiều rau, hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Cùng với đó, người cao tuổi cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc “2K” (khẩu trang, khử khuẩn), không chỉ giúp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà còn phòng nhiều bệnh khác.

 5 nguyên tắc vàng” phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa đó là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch; bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ; giữ vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao; khi có những dấu hiệu bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý mua thuốc, điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng”.

(Bác sĩ Đỗ Quốc Thiên Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

 HOÀNG LINH

Chia sẻ