| 22-04-2019 | 08:19:56

Căn cứ Bàu Gốc: “Địa chỉ đỏ” gắn với lịch sử phát triển của Công an Bình Dương

Theo thông lệ, ngày 26-4 hàng năm Công an Bình Dương tổ chức gặp mặt truyền thống tại khu căn cứ Bàu Gốc (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên). Đây là địa danh thân thiết, thiêng liêng, gắn với lịch sử cách mạng của Chiến khu Đ nói chung và của lực lượng Công an Bình Dương nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lịch sử oai hùng

Ngày 16-10-1967, toàn bộ Ban An ninh tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) rời vùng đất Bắc Bến Cát chuyển sang Ban An ninh tỉnh Phước Thành hợp nhất các đơn vị thành Ban An ninh Phân khu 5 (gồm 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Phước Thành và một phần của Biên Hòa, Chợ Lớn) và chọn rừng Bàu Gốc làm căn cứ để phát triển lực lượng và tham gia chiến dịch. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, địch phản công quyết liệt, căn cứ Bàu Gốc bị đánh phá liên tục, cơ quan phải nhiều lần di chuyển từ Bàu Gốc lên bờ nam, bờ bắc sông Bé, lên tận vùng rừng Mã Đà, Bàu Cháp của Chiến khu Đ.

Tháng 11-1972, khi có quyết định giải thể phân khu, thành lập lại tỉnh, Ban An ninh Phân khu 5 trở thành Ban An ninh tỉnh Thủ Dầu Một. Tháng 12- 1974, Ban An ninh tỉnh chuyển về vùng rừng Bàu Gốc của xã Bình Mỹ xây dựng lại căn cứ kháng chiến. Tại căn cứ này, Ban An ninh tỉnh tập trung xây dựng và phát triển lực lượng, mở nhiều cuộc họp tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hàng năm, các thế hệ Công an tỉnh đều về khu căn cứ Bàu Gốc để thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ đồng đội, quê hương, đất nước (ảnh chụp ngày 26-4-2015)

Ngày 13-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thành lập Ban chỉ đạo tiền phương và phân công Ban An ninh tỉnh chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng tại thị xã, như: Tòa hành chính, Tòa án, Khám đường, Nhà việc Phú Cường và Ty Cảnh sát Bình Dương. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ ngày 20-4 đến 26-4-1975 tại căn cứ Bàu Gốc, Ban An ninh tỉnh mở nhiều cuộc họp nhằm chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia chiến dịch. Ban An ninh đã tiến hành lập tiểu ban tiếp quản và xây dựng kế hoạch tấn công chiếm tỉnh lỵ bằng 3 mũi giáp công. Rạng sáng 27-4-1975, 3 mũi tiến công của ta đồng loạt tiến thẳng vào các mục tiêu đã định. ..

Nơi để thế hệ trẻ ghi nhớ

 Đối với những chiến sĩ trẻ hôm nay, khu căn cứ Bàu Gốc là nơi góp phần giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Chính căn cứ Bàu Gốc là nơi hun đúc lòng yêu nước của bao thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nơi đây sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh của quân và dân ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh.

Từ đó, khu căn cứ Bàu Gốc là “địa chỉ đỏ” gắn với lịch sử phát triển của Công an Bình Dương. Để khu căn cứ trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và cán bộ, chiến sĩ công an, Công an tỉnh đã vận động xây dựng nơi đây một khu tưởng niệm. Ngày 28-8-2014, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh tổ chức khánh thành khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc, ở xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Đây là công trình tiến tới chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, chào mừng 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2015).

Nay, trở về với căn cứ Bàu Gốc, hình ảnh đầu tiên mà nhiều người cảm nhận được là sự thay đổi của một vùng đất. Trong những lần trò chuyện với các bạn thanh niên, đoàn viên khi về thăm lại khu căn cứ Bàu Gốc, đồng chí Trần Thị Hường, một cán bộ cách mạng lão thành, cho rằng đối với thế hệ trẻ hôm nay, bên cạnh nhiệm vụ chính trị được giao, công tác tổng kết lịch sử, bảo tàng, ghi lại các chiến tích là đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm cao cả của thế hệ hôm nay và mai sau đối với người đi trước. Chính vì thế, việc ra đời của khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc đã trở thành một địa chỉ đỏ có một ý nghĩa giáo dục đầy thiết thực và bổ ích đối với thế hệ trẻ tỉnh Bình Dương nói chung và với tuổi trẻ Công an tỉnh nói riêng.

Mỗi khi nhắc về một thời gian khổ nhưng đầy tự hào, cô Hường nghẹn lời khi nhớ về đồng đội, những người một thời vào sinh ra tử ở căn cứ Bàu Gốc ngày trước.

Đối với những chiến sĩ trẻ hôm nay, căn cứ Bàu Gốc là nơi góp phần giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Chính căn cứ Bàu Gốc là nơi hun đúc lòng yêu nước của bao thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nơi đây sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh của quân và dân ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh.

Khu căn cứ Bàu Gốc được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định công nhận khu căn cứ Bàu Gốc là Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đối với cán bộ, nhân dân địa phương cũng như các thế hệ của Công an Bình Dương.

 

L.V.CHÂU

Chia sẻ