| 21-06-2024 | 10:05:41

Cảnh giác với yêu cầu hỗ trợ tích hợp thông tin cá nhân từ điện thoại

Trước tình hình tội phạm lừa đảo lợi dụng sự cả tin để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên cảnh giác với những cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan công an và yêu cầu hỗ trợ tích hợp thông tin cá nhân như giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội… vào tài khoản định danh điện tử.

Công an không yêu cầu người dân cung cấp thông tin qua điện thoại

Đó là khẳng định của Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, khi cảnh báo thủ đoạn tội phạm hiện nay là gọi điện cho người dân tự xưng là cán bộ công an yêu cầu tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công với mục đích chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của họ.

Theo Thượng tá Huỳnh Văn Thành, nếu cơ quan công an làm việc với người dân thì sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại trụ sở, không làm việc bằng hình thức trực tuyến hoặc qua điện thoại.

Theo cơ quan chức năng, mặc dù thủ đoạn giả mạo cơ quan quản lý nhà nước với mục đích lừa đảo trên không gian mạng không mới nhưng vẫn có một số người dân “sập bẫy”. Cụ thể như trường hợp chị L.T.T. (SN 1984, ngụ phường Thới Hòa, TP.Bến Cát) bị kẻ gian chiếm đoạt gần 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng khi truy cập vào ứng dụng giả mạo.

Ngày 3-6, chị T. nhận được cuộc gọi số lạ xưng là “cán bộ công an” và đề nghị chị phối hợp để tích hợp giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và bảo hiểm xã hội vào tài khoản định danh điện tử mức 2. Sau đó, đối tượng kết bạn với chị T. qua Zalo và gửi link có tên dichvucong.bcogov.cc và yêu cầu chị tải cài đặt vào máy để tích hợp thông tin cá nhân.


Chị L.T.T. cho biết bị lừa chiếm đoạt gần 300 triệu đồng

Do cả tin, chị T. đã thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo dẫn đến bị chiếm quyền hoạt động điện thoại nhưng chị không hề hay biết. Nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, chị T. hỏi người thân làm trong cơ quan công an thì tá hỏa biết mình bị lừa đảo. “Lúc này, tôi đăng nhập tài khoản ngân hàng thì màn hình hiển thị thông báo ứng dụng đang bị đăng nhập bởi một thiết bị khác. Tôi giật mình điện ngay cho ngân hàng kiểm tra và khóa tài khoản nhưng không kịp vì kẻ gian đã chuyển 294 triệu đồng qua tài khoản khác. Đây là số tiền bao năm dành dụm, tôi quá sốc”, chị T. kể lại.

Với thủ đoạn này, kẻ gian đã chiếm đoạt 159 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị C.T.B.H. (SN 1989, ngụ TP.Thuận An). Trước đó, chị H. nhận được điện thoại của người tự xưng là “công an phường” hướng dẫn nâng cấp căn cước công dân và yêu cầu kết bạn Zalo để thuận tiện hướng dẫn. Từ sự hướng dẫn của người tên Nam qua Zalo, chị H. truy cập vào đường link Dichvucong. oggov.com và tải một ứng dụng với tên gọi “Cổng dịch vụ công Bộ Công an” có giao diện giống với dịch vụ công của Bộ Công an. Trong lúc chị H. đang thao tác trên ứng dụng giả mạo thì đối tượng đã chiếm quyền điều khiển điện thoại di động và chuyển 159 triệu đồng trong tài khoản của chị H. qua tài khoản khác. Không dừng lại, đối tượng còn tiếp tục dẫn dụ chồng chị H. là anh T. vào “bẫy” nhưng rất may anh T. phát hiện nên dừng lại kịp thời.


Giao diện trang điện tử khiến chị T. bị lừa tiền

Người dân cần cảnh giác

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BCĐ 138 tỉnh), tội phạm lừa đảo trên không gian mạng không chỉ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, tinh thần cho bị hại mà ngày càng biến tướng và trở thành mối nguy hiểm cho xã hội. Qua công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, cơ quan công an đã chỉ ra 11 phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó có phương thức lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân thuê bao di động, VNeID, tài khoản ngân hàng…

Theo BCĐ 138 tỉnh, đây là hình thức lừa đảo giả danh cán bộ cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu người dân truy cập đường link chứa mã độc hoặc tải về ứng dụng giả mạo chứa mã độc. Sau khi người dân bấm vào đường dẫn hoặc tải về ứng dụng cho phép truy cập thiết bị, các đối tượng sẽ thu thập dữ liệu về thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng... nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Dấu hiệu nhận biết phương thức trên là cuộc gọi đến từ số điện thoại cá nhân hoặc số điện thoại giả mạo thương hiệu (Brandname) như VNeID, 113, Vinaphone, Viettel... Các đối tượng giả danh cơ quan quản lý nhà nước như cảnh sát khu vực, cán bộ quản lý hộ tịch, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc nhân viên ngân hàng thông báo đề nghị người dân bổ sung hoặc sửa dữ liệu thông tin cá nhân để chuẩn hóa theo quy định. Đối tượng gây áp lực bằng cách đe dọa nếu không làm theo hướng dẫn thì sẽ bị khóa thuê bao di động, tài khoản ngân hàng hoặc cơ quan công an sẽ đến nhà làm việc. Một số trường hợp, đối tượng còn gọi video call cho người dân với trang phục Công an nhân dân hoặc giả mạo văn phòng làm việc của cơ quan Nhà nước.

Do đó, BCĐ 138 tỉnh đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người thân, gia đình tham gia phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao bằng cách: Bảo vệ mật khẩu, thông tin cá nhân, thiết bị công nghệ và tài khoản ngân hàng của mình. Kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác có liên quan sử dụng công nghệ cao với cơ quan chức năng.

Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi, nhắn tin từ người lạ xưng là cán bộ cơ quan chức năng hướng dẫn các thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo các hướng dẫn cài đặt các phần mềm thông qua điện thoại. Người dân chỉ cài đặt phần mềm được cung cấp bởi cơ quan chức năng hoặc tải về trực tiếp trên trang điện tử chính thống của cơ quan chức năng.

Một lưu ý nữa là người dân tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn SMS, mạng xã hội, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk được gửi qua nền tảng mạng xã hội. Khi cần thiết phải cài đặt bất kỳ phần mềm nào, người dân nên đọc kỹ thông tin, cảnh báo trước khi xác nhận đồng ý tất cả các tài khoản và chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thông qua Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ