| 05-03-2024 | 09:20:45

Chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực của địa phương

 Người lao động (NLĐ) là tài sản quý của doanh nghiệp (DN), chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho NLĐ cũng là chăm lo cho nguồn lực quan trọng của địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này vẫn chưa được các DN quan tâm đúng mức và gặp nhiều rào cản từ chính NLĐ và người sử dụng lao động.

 Khám sức khỏe cho NLĐ tại Bệnh viện TP.Thủ Dầu Một

Quan tâm sức khỏe sinh sản NLĐ

Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam (phường Thái Hòa, TP.Tân Uyên) là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan), chuyên sản xuất và gia công các loại sản phẩm đế giày, miếng trang trí giày bằng nhựa và các khuôn mẫu bằng kim loại có nhiều bộ phận có môi trường độc hại. NLĐ công ty tiếp xúc nhiều với hóa chất, chính vì vậy, vấn đề CSSK cho NLĐ luôn được công ty chú trọng. Hàng năm, công ty khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, nếu phát hiện NLĐ có bệnh thì chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị, công nhân nào sức khỏe không bảo đảm sẽ được điều chuyển sang bộ phận khác làm việc phù hợp với sức khỏe.

Đặc biệt vừa qua, lao động nữ trong công ty được Trung tâm CSSK sinh sản tỉnh tổ chức tư vấn, tuyên truyền CSSK sinh sản. Tại buổi tư vấn, các chị em công nhân đã được hướng dẫn những kiến thức cơ bản trong việc CSSK sinh sản trước, trong và sau khi mang thai. Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân bộ phận chuyền gò, cho biết: “Do phải làm việc tăng ca để có thêm thu nhập, công nhân chúng em không có thời gian chuẩn bị bữa ăn đủ dinh dưỡng cho bản thân, trong khi tài chính lại hạn hẹp. Trước đây, khi mang thai bé đầu, em không tiêm phòng kiểm tra sức khỏe trước khi sinh nên bây giờ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé. Qua buổi tư vấn, em đã có thêm nhiều kiến thức để bảo đảm sức khỏe khi mang thai”.

Thống kê của Trung tâm CSSK sinh sản tỉnh cho thấy, qua khảo sát gần đây, vẫn còn một bộ phận lao động nữ chưa có gia đình thiếu kiến thức về sức khỏe, CSSK, sức khỏe môi trường tại nơi làm việc, dẫn đến không ít trường hợp bị bệnh nghề nghiệp (BNN). Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả truyền thông cho các đối tượng, trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các ngành, tổ chức chuyên đề về sức khỏe sinh sản, truyền thông, tư vấn và thăm khám cho nữ công nhân lao động tại các công ty, khu công nghiệp.

Vẫn còn nhiều rào cản

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp với 28 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp. Là tỉnh có số lượng DN nhiều thứ 3 cả nước. Hệ thống các dịch vụ y tế CSSK NLĐ của tỉnh phát triển rộng khắp nhưng việc chấp hành các quy định pháp luật của người sử dụng lao động và NLĐ về công tác quản lý vệ sinh lao động, CSSK NLĐ chưa được đầy đủ, chủ yếu tập trung ở các cơ sở lao động có quy mô nhỏ, vừa, lao động không có hợp đồng lao động. Một số DN vẫn chậm triển khai các văn bản hướng dẫn về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống BNN.

Ngành y tế tỉnh thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ, BNN hàng năm cho NLĐ. Ngành cũng tiến hành xây dựng dữ liệu quan trắc môi trường lao động, BNN, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý CSSK NLĐ, phòng chống BNN; đồng bộ, kết nối hệ thống thông tin từ cơ sở lao động đến các cơ quan quản lý. Đặc biệt, ngành cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động, CSSK NLĐ, phòng chống BNN của các đơn vị, DN. Qua đó, ngành kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị, DN khắc phục các tồn tại, thiếu sót, ngăn ngừa tai nạn lao động, BNN”.

(Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)  

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự suy thoái kinh tế trên toàn cầu đã và đang gây nhiều tác động xấu đến sự phát triển của DN. Công tác tham mưu của bộ phận y tế DN về an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế, một số DN chưa thật sự chăm lo đến việc cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Đội ngũ y tế DN có trình độ chuyên môn không đồng đều, chưa được đào tạo chuyên sâu. Công tác khám BNN chưa được người sử dụng lao động và NLĐ quan tâm thực hiện theo đúng quy định.

Trong khi đó, môi trường lao động chưa được đánh giá toàn diện. Công tác khám phát hiện, giám định BNN còn nhiều khó khăn, bị động. Nguồn nhân lực phục vụ kiểm tra, giám sát các cơ sở lao động còn hạn chế, việc thanh, kiểm tra đôn đốc chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhận thức của DN, NLĐ về bảo hộ lao động và các yếu tố có hại trong môi trường làm việc còn thấp. Các biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm về công tác y tế lao động chưa rõ ràng, nhiều nội dung vi phạm vệ sinh lao động, CSSK, phòng chống BNN, quan trắc môi trường lao động chưa được quy định, dẫn đến vi phạm kéo dài.

 KIM HÀ

Chia sẻ