| 17-11-2012 | 00:00:00

Chàng kỹ sư xây dựng “rong chơi” cùng âm nhạc...

Phan Hùng thuộc tuýp người đa tài và cả… đa mang. Bởi ngoài việc giúp đỡ nhiều anh em thợ hồ ổn định cuộc sống nhờ bằng công việc tại Công ty Xây dựng Hoàng Gia, anh lại là một nhạc sĩ viết nhiều bản nhạc để đời, là một giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học, một soạn giả với nhiều sách báo...

Kỹ sư xây dựng yêu âm nhạc

Phan Hùng sinh ra trong một gia đình công giáo và gặp cơ duyên trời cho khi được học lớp ca trưởng hòa âm của các cha, thầy tại chủng viện Xuân Lộc, Đồng Nai. Với niềm đam mê âm nhạc, anh tiếp tục học tại trường âm nhạc Suối Nhạc (TP.HCM). Học xong âm nhạc, anh lại bất ngờ đi thi vào đại học, rồi tốt nghiệp kỹ sư xây dựng năm 1999. Anh không dừng lại mà chuyên sâu học cao học ngành công nghệ và quản lý xây dựng tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Sau đó anh tiếp tục đi học lấy thêm tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế MBA của Hoa Kỳ đạt loại giỏi. Ban đầu, Phan Hùng cũng đi làm chỉ huy trưởng, giám sát một số công trình lớn nhỏ. Năm 2004, anh quyết định “ra riêng” mở Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng và Thương mại Hoàng Gia.  

Kỹ sư Phan Hùng (người ôm đàn) và phút ngẫu hứng tại công trường xây dựng

Tám năm để gầy dựng công ty riêng trở thành một tổng công ty xây dựng có tiếng tăm trong giới xây dựng, kỹ sư Phan Hùng không chỉ được biết đến nhờ khả năng kinh doanh giỏi mà còn sáng tác rất nhiều bài hát “để đời” trong giới văn nghệ. Phan Hùng thực sự trở thành một nhà soạn nhạc với hơn 100 ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau, được thể hiện qua 7 album nhạc tính từ năm 2004 đến nay. Giới văn nghệ, nhiều người không lạ gì Phan Hùng với nhiều bài hát nổi tiếng và kiểu sống rất đàn anh với nhiều ca sĩ trẻ. Đó là những bài hát gắn liền với tên tuổi nhiều ca sĩ như: “Sẽ mãi có nhau” (Phan Đình Tùng), “Quán cóc về khuya” (Lâm Vũ), “Thuyền rời bến nước” (Quang Dũng), “Hẹn hò đợi chờ” (Như Ý)…. 7 album của anh cho đến thời điểm này đều mang lại những dấu ấn nhất định trong giới nhạc Việt: “Thuyền đời bến nước” (2004), “Thợ hồ” (2006), “Những tình khúc nhạc sĩ Phan Hùng” (2008), “Chúa giàu lòng xót thương” (10-2011), “Mẹ Tà- Pao” (12-2011), “Cung đàn của chúa” (5-2012), “Rộn ràng mùa Noel” (11-2012).

Với 7 album, đó là một con số đáng ước mơ đối với nhiều người, ngay cả trong giới văn nghệ sĩ cũng khát khao mơ ước đó. Tuy nhiên, đối với Phan Hùng, âm nhạc chỉ là một cuộc “dạo chơi” sau những giờ làm việc căng thẳng và thư giãn trong cuộc sống, là lúc trải hồn mình ra với sự đam mê và thỏa thích. Anh cho biết: “Từ lúc bắt đầu viết nhạc đến giờ, tôi tốn hơn 1 tỷ đồng vào việc làm 7 album. Tuy nhiên, đã là đam mê thì không thể so sánh bằng tiền bạc. Tôi mong muốn làm một việc gì đó có ích, để lại cho đời bằng những ca khúc và suy tư của mình”.

Mong Giáng sinh an lành

Cũng chính từ mong muốn góp vui cho đời bằng những nốt nhạc tươi vui, năm nay Phan Hùng quyết định bỏ ra hơn 200 triệu đồng để phát hành album “Rộn ràng mùa Noel”. Đây là một quyết định có phần hơi lạ của anh. Bởi năm nay là năm cực kỳ khó khăn của ngành xây dựng và công ty xây dựng của anh cũng không nằm ngoài quy luật nghiệt ngã chung đó. Tuy nhiên, chính cái hoàn cảnh khó khăn ấy lại là động lực khiến cho Phan Hùng dấn thân vào việc ra album. “Tôi muốn âm nhạc của mình trở thành bạn đồng hành cho nhiều người trong lúc khó khăn nhất, lúc họ gặp nhiều điều không vui trong cuôc sống thì tôi vẫn cố gắng viết nhạc, ra album để giúp họ vui lên, yêu đời và lạc quan hơn”, nhạc sĩ Phan Hùng chia sẻ.

Được biết, để chuẩn bị ra album này, anh phải thai nghén, viết nhạc từ năm 2011. Đó là thời điểm vợ anh về nhà mẹ ở Đồng Nai để sinh con trai thứ hai. Trong lúc nhớ vợ, thương con gái và con trai mới sinh. Phan Hùng la cà các quán cà phê và… buộc phải nghe rất nhiều nhạc Giáng sinh. Từ ấy, anh có suy nghĩ sẽ ra một album nhạc này vào mùa Giáng sinh 2012. Nói là làm, miệt mài sáng tác gần một năm trời, anh viết được 20 bài rồi chọn lọc mãi mới quyết định lấy 11 bài trong số ấy ra album riêng.

Điều đặc biệt, 11 bài trong album “Rộn ràng mùa Noel” của Phan Hùng thì bài nào cũng vui tươi, hồn nhiên trong không khí an lành. Nghe những ca khúc như: “Bài tango Giáng sinh” (Xuân Phú), “Ánh sao rạng ngời” (Diệu Hiền), “Ông già Noel vui” (Thanh Ngọc và bé Phan Gia Hân), “Tình Chúa Giáng sinh” (Hiền Thục)… quả thực không tìm đâu ra một chất liệu buồn. Thay vào đó là những giai điệu rộn rã của một mùa Noel vui tươi, một mùa Noel an lành. Từ “Ông già Noel vui! Ông già Noel hát! Ông già Noel mang quà phát cho trẻ thơ….” (Ông già Noel vui) đến “Ngày Chúa đến đem ơn lành, từ trời ban xuống thế gian…” rồi đến: “Lạy Ngài Hài Đồng ơi, trần đời còn lầm than, nguyện Ngài hãy thương ban cho thế gian an lành…” là một chuỗi của sự thăng hoa, bay bổng trong tư tưởng nghệ thuật của Phan Hùng. Không chỉ là chuyện ông già Noel ban phát quà cho trẻ thơ nữa, mà mùa Giáng sinh này anh mong muốn cả thế gian tươi vui, ấm no, hạnh phúc, hòa bình và thịnh vượng.

“Gã thợ hồ” trên dòng suối nhạc

Một ngày nắng như đổ lửa vào đầu, được sự giới thiệu của một người bạn nghệ sĩ thân quen, tôi dò theo từng km đường từ TP.Thủ Dầu Một xuống TX.Dĩ An để “văn kỳ thanh, hữu kiến kỳ hình” một “tay kỹ sư mê viết nhạc” theo lời bạn kể. Lò dò mãi mới đến công trình của anh tại đường Đông Tác nhưng í ới mãi vẫn không thấy bóng dáng nhạc sĩ đâu. Trèo lên tận dàn giáo tầng 2 của công trình mới thấy anh nhễ nhại mồ hôi, đầu đội nón công nhân, tay cầm... bay thợ hồ đang hòa mình vào làm chung với anh em.

Nắng xối vào đầu, việc nhiều đến hoa mắt thế nhưng Phan Hùng bỗng phá cười niềm nở khi biết chúng tôi là “khách cầm ca”. Cả công trình không một bóng mát khiến mấy anh em chỉ biết… chịu trời ngồi trò chuyện ngay tại công trình. Phan Hùng một tay cầm bay, một tay cầm đĩa nhạc tranh thủ… quảng bá, miệng hát rộn ràng vài giai điệu tươi vui. Chưa bao giờ chúng tôi được diện kiến một tay nhạc sĩ - thợ hồ kỳ thú đến thế.

Phan Hùng toát lên một vẻ bình dị của một lão nông dân hơn là một tổng giám đốc đi xe Camry, ở nhà lầu với vợ đẹp, con khôn. Cái chân chất, giản dị ở anh khiến chúng tôi thêm hiểu vì sao những bài hát của anh đều mộc mạc, gắn liền với tình yêu thương, sự cứu rỗi và giản dị của người lao động. Đó là những bài hát thắm đượm chất bụi bặm, mồ hôi lao động: “Thợ hồ tay cầm cái bay mặt quay vô trong tường…”.

Phan Hùng, đối với tôi không phải là nhạc sĩ, không phải là tổng giám đốc công ty xây dựng. Con người này là một “gã thợ hồ” trên dòng suối nhạc. Xây dựng và âm nhạc, như là một định mệnh của anh vậy!

 

MINH KHÁNH

Chia sẻ