Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Một tô phở ngon không thể thiếu vị ngò gai, ngò gai còn luôn đi chung với ngò om trong món canh chua của người Nam bộ. Còn theo y học, ngò gai là một phương thuốc cổ truyền tuyệt diệu mà người dân Anh sử dụng hàng ngàn năm qua để chữa ho, cảm lạnh và sau này còn phát hiện giúp ổn định đường huyết.
Ngò gai có nguồn gốc từ châu Mỹ (dân bản xứ gọi là culantro), tên khoa học là Eryngium foetidum, thuộc họ hoa tán, rất dễ trồng. Hầu như các nước đều sử dụng rau ngò gai trong ẩm thực. Người dân ở vùng biển Caribbean dùng ngò gai để làm gia vị cho các món ăn, người Thái thì nêm lá ngò gai vào món mì, súp và càri.
Theo y học cổ truyền, ngò gai có vị cay hơi đắng, mùi thơm, tính ấm, được dùng để khai vị, giúp ăn ngon dễ tiêu, trị rối loạn tiêu hoá, sơ phong trừ thấp, giải độc thức ăn tanh lợm. Dân gian dùng ngò gai chữa sốt, sổ mũi, ho khan, ho dai dẳng, đau tức ngực, viêm ruột, tiêu chảy, nôn mửa. Người Malaysia dùng nước nấu từ lá ngò gai chữa viêm phổi, cảm cúm, sốt rét, đau dạ dày, táo bón, động kinh. Ngò gai giã đắp chữa được chấn thương, bị côn trùng đốt hoặc bò cạp cắn. Có nơi phụ nữ đem nấu ngò gai chung với bồ kết để gội đầu cho thơm tóc.
Ngò gai được đánh giá là chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy trong cây và lá có hàm lượng tinh dầu rất cao làm thành mùi đặc trưng của ngò gai, trong hạt thì chứa nhiều monoterpenoids và sesquiterpenoids, giàu canxi, sắt, phốpho, carotene và riboflavin, vitamin A, B1, B2 và C. Nó cũng đầy đủ chất dinh dưỡng gồm protein, chất béo, tinh bột.
Cách dùng đơn giản nhất là chỉ cần lấy ba lá tươi cắt nhỏ và khoảng 200ml đun sôi trong vài phút rồi uống, có thể cắt các cơn ho dai dẳng. Phối hợp với lức cây, gừng, ngải cứu để làm thuốc chữa tiêu hoá kém.
Tuy nhiên phụ nữ đang mang thai tránh ăn ngò gai. Người có bệnh bao tử thì nên xay hoặc nấu nước uống tốt hơn là ăn lá tươi, nhất là lá già.
Theo SGTT