| 05-04-2016 | 08:31:04

Chị Nguyễn Ngọc Diệp: Nhạy bén để vươn lên

Tháo vát, nhạy bén với những xu thế tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hiện nay… là những gì mà nhiều người nhận thấy ở chị Nguyễn Ngọc Diệp, ngụ khu phố 5, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo. Nhiều năm liền, chị Diệp là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ở huyện Phú Giáo.

Về thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, hỏi thăm chị Nguyễn Ngọc Diệp, nhiều người ở đây đều biết chị là một trong những điển hình tiêu biểu của người phụ nữ làm kinh tế giỏi. Đến thăm trang trại của chị, chúng tôi cảm phục ý chí vươn lên, tài tháo vát và tư duy làm kinh tế của chị. Chị Diệp là chủ trang trại với khoảng 20 ha cao su cùng trại gà, heo rừng lai và một số vật nuôi đặc sản khác. Những năm trước, khi cao su đang có giá, mỗi năm gia đình chị có doanh thu hàng tỷ đồng; chị còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng/tháng. Mấy năm nay, tình hình giá mủ cao su xuống thấp, cùng với đó là quy định của địa phương không được chăn nuôi trong nội ô thị trấn Phước Vĩnh, thay vì ngồi chờ những chính sách hỗ trợ, năm 2014 chị đã nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh tế mới với việc thử nghiệm mô hình trồng hoa lan.

Chị Nguyễn Ngọc Diệp (trái) đang chăm sóc vườn lan của gia đình. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Chị Diệp chia sẻ, qua thời gian thử nghiệm mô hình trồng lan, chị nhận thấy đây là mô hình kinh tế khả quan. Mô hình này chiếm ít diện tích trồng trọt, người có vốn ít, đất ít có thể thực hiện được. Hiện nay, chị đang trồng hơn 3.000m2 lan với khoảng 20.000 giò lan các loại. Với giá thành dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/ cành hoa, hiện nay mỗi tháng vườn lan cho gia đình chị thu nhập từ 100 - 140 triệu đồng. Từ hiệu quả bước đầu, chị Diệp cho biết đang dự định mở rộng vườn lan lên khoảng 7.000m2 để tận dụng diện tích các trại chăn nuôi trước đây hiện đang bỏ hoang. Bên cạnh đó, chị sẽ triển khai mở rộng mô hình trồng lan đến các chị em phụ nữ ở địa phương và những nơi khác nếu có nhu cầu nhằm chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, giống, thậm chí là cả vốn đầu tư. Chị Diệp cũng dự định thành lập câu lạc bộ hoa lan, lấy điểm sinh hoạt ngay tại vườn lan của gia đình chị và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên trong câu lạc bộ.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, chị Diệp chia sẻ, trong những năm qua, chị luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền, các ngành, đoàn thể ở địa phương như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện cho chị tiếp cận kiến thức về khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và nguồn vốn vay ưu đãi. Thêm vào đó là sự nỗ lực của bản thân không ngừng tìm tòi, học hỏi, thích ứng với những mô hình kinh tế mới, cùng với đó là sự chia sẻ của chị em phụ nữ, các thành viên trong câu lạc bộ hoa lan đã tiếp thêm động lực, kiến thức để chị vươn lên. “Từ những kiến thức tôi học hỏi được cũng chính là nền tảng cơ bản giúp tôi tự tin để có thể thực hiện những dự định trong thời gian tới, để giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên thoát nghèo”, chị Diệp nói

Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình trồng hoa lan của gia đình chị Diệp là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị hiện nay trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Phú Giáo nói riêng.

 

HOÀI PHƯƠNG

 

Chia sẻ