| 05-04-2016 | 08:30:52

Công nghiệp Bình Dương phát triển ổn định

Quý I-2016, hoạt động sản suất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao. Kết quả này tạo động lực để kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Số lượng đơn hàng nhiều

Quý I-2016, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2015; riêng trong tháng 3 chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 41,09% so với tháng trước và tăng 10,84% so với cùng kỳ. Sở dĩ chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng cao là do các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất sau thời gian nghỉ tết kéo dài.

Theo Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, trong quý I-2016, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ổn định. Đặc biệt, các ngành thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng đầu tư cao trong khu công nghiệp như điện tử, may mặc, linh kiện cơ khí chính xác, giày da... có nhiều đơn hàng hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước.

 Sản xuất công nghiệp trong quý I-2016 của tỉnh tiếp tục ổn định. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng (TX.Dĩ An) Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Ghi nhận cho thấy, đến thời điểm này đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã nhận được đơn hàng sản xuất đến tháng 4-2016; một số doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất đến hết quý II, thậm chí hết quý III- 2016. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Giám đốc Công ty May Quốc tế (xã An Điền, TX.Bến Cát) cho biết, trong quý I, hoạt động sản xuất của công ty ổn định. Đến thời điểm này, công ty đã ký hợp đồng sản xuất, cung ứng hàng cho đối tác đến hết tháng 6-2016. “Nói chung, đơn hàng tương đối ổn định và khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2015. Bình quân mỗi tháng, công ty xuất khẩu trên 300.000 sản phẩm sang thị trường Mỹ”, bà Trang nói. Dự báo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong hiệp hội trong những tháng tiếp theo, bà Trang cho biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đơn hàng cho doanh nghiệp, nhất là những đối tác khách hàng mới.

Còn theo bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát (TX. Dĩ An), trong quý I, công ty đã nhận được đơn hàng sản xuất đến tháng 9-2016. Thị trường chính của công ty vẫn là Liên minh châu Âu (EU). So với cùng kỳ năm 2015, lượng đơn hàng trong 3 tháng đầu năm nay của công ty tăng khoảng 10%; bình quân mỗi tháng công ty sản xuất và cung cấp cho đối tác 450.000 sản phẩm. Bà Liên chia sẻ, với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)..., năm 2016 ngành da giày của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhờ lượng đơn hàng từ các nước chưa được hưởng những lợi thế như Việt Nam dịch chuyển về. Dó đó, trong những tháng tiếp theo của năm 2016, doanh nghiệp ngành da giày có nhiều kỳ vọng và lạc quan hơn so với năm 2015.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn đối với doanh nghiệp trong thời gian tới là không ít. Theo bà Trang, những tháng đầu năm 2016, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mặc dù gặp nhiều thuận lợi nhờ vẫn giữ được giá gia công như năm 2015, cùng với đó giá xăng dầu giảm kéo theo giá vận chuyển giảm nhưng những thay đổi về mức lương tối thiểu và chi phí về bảo hiểm xã hội tăng nên lợi nhuận của doanh nghiệp có nguy cơ giảm so với năm trước. Bà Liên cho biết, khó khăn lớn nhất của những doanh nghiệp da giày là vấn đề thiếu hụt lao động. Còn theo Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, hiện nay, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng gặp khó khăn về nhân lực do biến động sau tết.

Nhằm giải quyết vấn đề lao động, những năm qua, ngành lao động - thương binh và xã hội của tỉnh đã liên kết với ngành lao động - thương binh và xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung tuyển dụng nguồn lao động đáp ứng cho doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Thời gian gần đây, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tại tỉnh hiện có 8 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp chuyên nghiệp. Mỗi năm, các trường này đào tạo khoảng 30.000 lao động, trong đó có khoảng 12.000 lao động trình độ tay nghề trung cấp, cao đẳng.

Hy vọng, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong những năm qua và những năm tiếp theo sẽ góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp về vấn đề nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể chủ động mở rộng sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

PHƯƠNG LÊ

 

 

Chia sẻ