Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong điều kiện diễn biến thời tiết bất thường, khó lường, cực đoan như hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng, thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Huyện Phú Giáo tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai tại xã Phước Sang
Chủ động thích ứng
Những năm qua, vào mùa mưa trên địa bàn huyện Phú Giáo thường xuất hiện dông, lốc. Đây là loại hình thời tiết nguy hiểm, diễn biến không theo quy luật, không lường trước được. Lốc xoáy cũng làm gãy đổ các loại cây xanh; khi mưa lớn gây ngập úng một số khu vực của xã An Bình, Tân Long, An Linh, An Thái, Tam Lập, Vĩnh Hòa, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, đời sống người dân trên địa bàn.
Ông Đoàn Văn Đồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện, cụ thể: Kiểm tra, gia cố nhà cửa, công trình phụ; hạn chế đi ra ngoài khi có mưa dông; không trú mưa dưới gốc cây to, vật kiến trúc không vững chắc. Ngành chức năng huyện tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên, trường học… để đốn hạ những cây có khả năng gãy đổ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân; tổ chức tập huấn, diễn tập mô phỏng tình huống nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ để ứng phó hiệu quả với thiên tai.
Tại huyện Bàu Bàng, thời gian qua các ngành chức năng, địa phương tích cực phối hợp thực hiện nạo vét cống rãnh, khai thông dòng chảy, cải tạo lưới điện đến hộ gia đình; vận động nhân dân gia cố nhà cửa... Ông Võ Thành Giàu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa mưa bão năm 2024 diễn biến phức tạp, địa phương đã phối hợp với Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn quản lý vận hành, khai thác tổ chức kiểm tra hồ chứa nước Từ Vân I và Từ Vân II nhằm phát hiện hư hỏng, đề xuất giải pháp xử lý kịp thời, bảo đảm hiệu quả công trình. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị liên quan tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy các suối, rạch và công trình thoát nước trên địa bàn nhằm phòng chống ngập úng hiệu quả.
Đầu tư các công trình thoát nước, khơi thông dòng chảy là một giải pháp hữu hiệu để ứng phó hiệu quả với ngập lụt. Trong ảnh: Huyện Bàu Bàng đầu tư nạo vét khơi thông dòng chảy suối Sa Văn
Xây dựng phương án phù hợp
Hiện nay, huyện Phú Giáo đã xây dựng chi tiết các tình huống xảy ra theo cấp độ bão và các biện pháp xử lý, triển khai thực hiện trước, trong và sau thời gian bão. Ông Đoàn Văn Đồng cho hay trong thời gian xảy ra bão, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chế độ trực ban; thông tin kịp thời diễn biến, ảnh hưởng, thiệt hại do bão gây ra để cấp trên chỉ đạo và có phương án xử lý phù hợp; thực hiện cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất do Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện trực tiếp chỉ huy, điều hành, phân công các lực lượng có mặt trên địa bàn trong quá trình ứng phó với mưa bão. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chủ động sơ tán, di dời dân khi cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo ông Cao Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng, việc đầu tư xây dựng, nạo vét dòng chảy suối, rạch góp phần không nhỏ trong việc giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa lũ. Năm 2023, huyện Bàu Bàng đã đầu tư nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Sa Văn qua địa bàn xã Tân Hưng. Suối Sa Văn là đường thoát nước mặt cho cả thị trấn Lai Uyên và xã Tân Hưng. Khu vực tuyến suối này có hơn 300 hộ dân sinh sống, nên việc chủ động khơi thông dòng chảy là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm thoát nước mặt, hạn chế ngập úng.
Từ thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành, địa phương, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, người dân; cùng với đó tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, trang thiết bị cứu nạn cứu hộ; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời sự cố tại các công trình thủy lợi...
TIẾN HẠNH