Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
TX.Bến Cát là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thay đổi thói quen, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội văn minh.
Đông đảo hội viên, đoàn viên cùng nhân dân tham gia tổng vệ sinh môi trường tại xã Phú An, TX.Bến Cát
Theo thống kê, hiện nay tổng số chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TX.Bến Cát khoảng hơn 230 tấn/ngày. Toàn bộ khối lượng chất thải này được thu gom, vận chuyển về Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để phân loại, xử lý, một phần được sử dụng làm phân compost, một phần được chôn lấp an toàn. Đây là giải pháp tạm thời, nhằm giảm áp lực lên môi trường, chưa phải là giải pháp tối ưu để mang lại hiệu quả quản lý cao nhất.
Tại địa phương, triển khai thí điểm phân loại chất thải sinh hoạt tại 3 ấp Phú Thuận, An Thuận, Bến Giảng thuộc xã Phú An nhằm từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen, hành vi ứng xử với môi trường, thu hồi các thành phần có khả năng tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu khối lượng phát sinh, tiết kiệm chi phí xử lý, tiết kiệm diện tích bãi chôn lấp, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết tại 3 ấp thí điểm, người dân được hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn theo hai loại rác hữu cơ và vô cơ. Rác hữu cơ là loại dễ phân hủy gồm chất thải thực phẩm, xác động thực vật; rác vô cơ thì khó phân hủy hoặc phân hủy với thời gian lâu dài như chai, lọ thủy tinh, pin, bóng đèn... Hai loại rác này phải được bỏ vào 2 thùng rác có màu sắc khác nhau để phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ. Bên cạnh đó, thời gian qua, xã đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân thêm thông tin, kiến thức bổ ích về hiện trạng môi trường tại địa phương; đồng thời nâng cao nhận thức của các hộ gia đình về tầm quan trọng của việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình để thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn một cách hiệu quả, từ đó nhân rộng chương trình lên toàn địa bàn thị xã.
Có thể nói, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để chế biến rác hữu cơ thành phân bón, tái sử dụng các vật liệu khác để sản xuất và xử lý triệt để các chất thải rắn độc hại là giải pháp thông minh nhất hiện nay, có ý nghĩa kinh tế - xã hội và môi trường ở đô thị. Theo kết quả khảo sát cho thấy, trong chất thải rắn sinh hoạt, thành phần hữu cơ dễ phân hủy, có khả năng chế biến thành phân compost chiếm đến 70% và có đến 10% các thành phần có khả năng tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác, những thành phần phải xử lý chiếm khoảng 20%. Chính vì vậy, nếu kiểm soát tốt các thành phần này ngay tại nguồn, sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí để thực hiện cho việc vận chuyển, xử lý; tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là giảm ngay nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra.
Để chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thị xã đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân trên địa bàn thị xã, thực hiện một cách đầy nhiệt huyết, quyết tâm thì chương trình mới đạt kết quả cao. Cùng với đó, sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện phân loại thu gom, vận chuyển rác, xử lý rác, nhất là việc vận chuyển, thu gom rác gắn với phong trào thi đua bảo vệ môi trường tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư...
THOẠI PHƯƠNG