Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tại trường Đại học Bình Dương vừa diễn ra chương trình Vầng trăng cổ nhạc số 170, do Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh thực hiện. Chương trình đã làm nức lòng khán giả với nhiều cảm xúc qua những bài vọng cổ, ca cảnh cải lương, trích đoạn cải lương ca ngợi về mái trường, thầy cô, bạn bè của tuổi học trò.
Ca cảnh cải lương “Một thời dấu yêu” do NSƯT Tấn Giao và Hồ Ngọc Trinh biểu diễn trong chương trình Chuông vàng vọng cổ số 170 tổ chức tại Bình Dương
Đó là những cảm xúc về thời còn cắp sách đến trường. Với mỗi người, tuổi học trò là tuổi đẹp, thơ mộng nhất. Nhớ mãi không quên màu trắng tinh khôi của những chiếc áo sơ mi tung tăng nô đùa cùng những tà áo dài thướt tha dưới những hàng cây xanh mát. Những hình ảnh tuyệt đẹp ấy được tái hiện trong tiết mục mở màn với bài vọng cổ “Áo trắng đến trường” do Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm và Như Quỳnh biểu diễn.
Được đến lớp, đến giảng đường đại học luôn là mơ ước của những em học trò. Cảm nhận sức trẻ đang căng tràn trong những bạn sinh viên, tác giả Lâm Hữu Tặng đã sáng tác ca cảnh cải lương “Đại học Bình Dương”. Tiết mục như nói hộ tâm tư của thầy và trò dưới ngôi trường đại học thân yêu mang tên Bình Dương, cùng những quyết tâm góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, phồn vinh hơn.
Để cho những ước mơ, hoài bão của những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được chắp cánh bay cao, bay xa, thì cần lắm những tấm lòng. Bằng nhiều cách khác nhau, hỗ trợ nơi ăn, chốn ở, chi phí học tập… nhiều người đã âm thầm vun đắp cho những mảnh đời bất hạnh ấy trở thành mầm xanh có ích cho đời. Tất cả những nỗi niềm ấy được thể hiện trong trích đoạn cải lương “Có những tấm lòng” do NSƯT Thoại Mỹ, Bảo Trí và các diễn viên nhí biểu diễn. Và 2 ca cảnh cải lương “Tình bạn mùa hè” với “Một thời dấu yêu” như là những món quà đầy kỷ niệm dành tặng cho những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.
Sắc trắng như càng làm vương vấn lòng ai. Những kỷ niệm của một thời cắp sách đến trường ngập tràn các tiết mục. Có khi nô đùa, có khi hờn dỗi vu vơ. Nhưng rất đẹp và thật tinh tươi những kỷ niệm một thời không thể quên của mỗi người. Chương trình kết thúc với hình ảnh những sĩ tử thời xưa trong trích đoạn “Bên cầu dệt lụa” và sắc xanh tràn đầy hy vọng của tuổi trẻ trong “Sức sống tuổi trẻ” và “Dấu chân tình nguyện”.
THỤC VĂN