| 05-06-2015 | 10:34:08

Soạn giả Phong Vũ Hoài Phương: Quê hương - nguồn cảm hứng sáng tác vô tận

Phong Vũ Hoài Phương là một soạn giả - tác giả rất quen thuộc với khán giả trên sóng phát thanh truyền hình Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM. Anh là tác giả của nhiều tác phẩm ca cổ ngọt ngào và những câu chuyện truyền thanh vừa mang tính thời sự, vừa đậm chất nhân văn. Với anh, tình yêu quê hương là nguồn cảm hứng sáng tác dạt dào vô tận...

 Phong Vũ Hoài Phương (thứ 3 từ trái sang) nhận giải C cuộc thi sáng tác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Hội VHNT tỉnh tổ chức
năm 2014

Phong Vũ Hoài Phương tên thật là Văn Chót, từng là học sinh trường Trịnh Hoài Đức. Ngày ấy, cậu học trò Văn Chót được thầy cô khen là rất có khiếu thơ văn. Hàng năm, các sáng tác thơ, văn của Hoài Phương đều có mặt thường xuyên trong các tập san của trường. Dần dần, anh sáng tác nhiều hơn và bắt đầu tập tành những sáng tác truyện ngắn đầu tay. Khi mới học lớp 10, 11, Hoài Phương đã “nổi tiếng” qua những tác phẩm thơ văn về đề tài tình yêu quê hương đất nước, được đăng trên các báo có tiếng tại Sài Gòn như: Đông Phương, Bút Thép, Điện Tín…

Trong những năm chiến tranh ác liệt, Hoài Phương tiếp tục lấn sân sang học sáng tác cổ nhạc. Hòa bình lập lại, anh cùng các đồng nghiệp tích cực sáng tác, phục vụ cho phong trào văn nghệ quần chúng, vốn rộ lên khắp nơi, để cổ vũ tinh thần hăng say lao động của nhân dân thời bấy giờ.

Trong năm đầu sau giải phóng, những cái tên như Viễn Châu, Trần Nam Dân, Ngô Hồng Khanh, Minh Thùy… là những soạn giả có tiếng và anh cũng mong muốn những sáng tác của mình được như họ. Để khẳng định bản lĩnh, cũng như thử sức mình, Phong Vũ Hoài Phương đã gửi tác phẩm “An Thạnh vang mãi quê hương” về Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Sáng tác ca ngợi quê hương Sông Bé với ca từ sâu lắng, ngọt ngào này đã đưa Hoài Phương đến với giới mộ điệu cổ nhạc lúc bấy giờ. Cũng bắt đầu từ giai đoạn này, những vở tuồng mang bút danh Phong Vũ Hoài Phương đã đến với sân khấu cải lương nhiều hơn. Rất nhiều vở tuồng của anh tiếp tục được sử dụng đến nay như “Khi bình minh trở lại”, “Đường về quê hương”, “Biển ân tình”, “Ánh lửa rừng khuya”…

Với soạn giả Hoài Phương, được phục vụ khán giả là điều vô cùng hạnh phúc. Anh quan niệm rằng dù là sáng tác hay bất cứ công việc gì liên quan đến nghệ thuật, ngoài cảm xúc, họ cần phải biết tích lũy vốn sống bằng việc đi nhiều, nghe nhiều, trải nghiệm nhiều, đọc và tìm hiểu thật nhiều… Nếu không, sáng tác sẽ trở nên sáo rỗng. Chị Bích Phượng, biên tập viên chương trình âm nhạc dân tộc Đài PT-TH Bình Dương, nhận xét: “Phong Vũ Hoài Phương là người dễ mến, tuy có tuổi nhưng hiện tại các sáng tác của anh vẫn thể hiện được sự lạc quan, yêu đời, đặc biệt là những sáng tác về tình yêu đôi lứa rất đẹp và ngọt ngào…”.

Không chỉ cộng tác với Đài PT-TH Bình Dương bằng những sáng tác ca cổ, khoảng 10 năm nay, Phong Vũ Hoài Phương còn là tác giả của những câu chuyện trong chuyên mục “Đằng sau tay lái” được phát sóng mỗi sáng trên sóng FM. Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ, người đã thể hiện những tiểu phẩm của anh ngần ấy năm, nhận xét: “Ngoài việc biết anh Phương qua những sáng tác về cổ nhạc, anh còn là cây bút chính trực cho chuyên mục Đằng sau tay lái. Những câu chuyện của anh vừa đủ hài hước để không khiến thính giả nhàm chán, vừa hàm chứa những bài học rất thực tế về an toàn giao thông, giúp khán giả dễ nhớ hơn”.

Theo Phong Vũ Hoài Phương, tham gia viết kịch bản cho câu chuyện truyền thanh cũng là cách để anh gửi gắm tình cảm của mình đến thính giả. Để làm được điều đó, chính anh phải nghiên cứu rất nhiều về Luật Giao thông đường bộ, nhưng cái vui ở đây chính là sự đóng góp công sức của mình vì nghệ thuật tỉnh nhà.

Nhìn lại 40 năm sự nghiệp đã qua, Hoài Phương vẫn chưa thấy hài lòng về chính mình. Anh vẫn mong sẽ sáng tác được những tác phẩm hay hơn, sâu sắc hơn, để lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến với mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

 SONG ANH

Chia sẻ