Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Sáng 27-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ 2 để đánh giá kết quả thực hiện trong quý I-2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Tại điểm cầu Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Theo ước tính, doanh thu kinh tế số quý I-2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó, kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.
Tại phiên họp, nhiều địa phương đã báo cáo kết quả chuyển đổi số trong 4 tháng đầu năm 2022.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề, cần phải tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; gắn với quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội hiện nay cũng như các mục tiêu phát triển tới năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
“Chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế số; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số; huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua việc thúc đẩy hợp tác công tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiểm tra, giám sát thường xuyên để thúc đẩy công việc và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí…
Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải thay đổi nhận thức, tầm quan trọng của chuyển đổi số gắn với mục tiêu phát triển của đất nước, phù hợp với thực tiễn đặt ra. Chuyển đổi số phải gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ; đồng thời việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, cần lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai…
Tin, ảnh: Minh Duy