Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam nói chung, có thành phần chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ, xuất phát điểm thấp về trình độ công nghệ nên để chuyển đổi số thành công không phải là điều dễ dàng.
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi sẽ mang lại hiệu quả cao, giá trị bền vững. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gà ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng
Kết nối người bán và người mua
Sau thời gian tập trung mọi nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên toàn tỉnh, tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát và hiện nay tỉnh đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất. Trong quá trình thực hiện các quy định phòng, chống Covid-19, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Đối với phân khúc tiêu thụ có hợp đồng ổn định (siêu thị, bếp ăn, trường học, doanh nghiệp...) bị giảm đơn hàng hoặc hủy đơn hàng do sức tiêu thụ của các kênh này giảm, các nhà máy, trường học tạm ngưng hoạt động. Đối với phân khúc tiêu thụ truyền thống bị đứt gãy kênh phân phối do đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống (phân khúc tiêu thụ này chiếm trên 60% lượng sản phẩm nông sản Bình Dương).
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cùng địa phương đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Với việc giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp tiêu thụ được một lượng không nhỏ nông sản, giảm bớt khó khăn cho nông dân. Tại các tỉnh phía Nam, do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Tổ công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch bệnh Covid-19) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đẩy mạnh việc ứng dụng trang web, Zalo vào kết nối cung cầu.
Tại Bình Dương, Tổ công tác 970 phối hợp ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản của tỉnh với việc triển khai bán hàng tại 20 điểm. Lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau, củ, quả, 300 - 350kg thịt, 27.000 trứng/điểm; đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, Tổ công tác 970 và ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại triển khai kênh bán lẻ online trên Facebook/Zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối; hỗ trợ tiêu thụ nông sản tồn cục bộ với 150 tấn chuối, 250 tấn dưa lưới, 250 tấn bưởi, 50 tấn rau, 90 tấn nấm bào ngư.
Hướng đi tất yếu
Sở NN&PTNT vừa tổ chức hội thảo “Một số giải pháp chuyển đổi số trong tổ chức quản lý và sản xuất nông nghiệp” nhằm thực hiện Kế hoạch số 3248/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Dương về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, hội thảo nhằm cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện một số giải pháp chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức sản xuất, bán sản phẩm nông sản thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, các kênh bán hàng trực tuyến… nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết chuyển đổi số trong nông nghiệp là một định hướng tất yếu, đặc biệt là các giải pháp số hóa dữ liệu trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tổ chức các hoạt động thương mại điện. Cụ thể như các giải pháp về quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và bán hàng thông qua các ứng dụng trực tuyến. Đây là bước đầu để các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất nắm được ý nghĩa, phương pháp của việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu trong quản lý sản xuất và bán sản phẩm nông sản. “Mặc dù bước đầu có thể còn bỡ ngỡ nhưng đây là xu hướng tất yếu chúng ta nắm bắt, ứng dụng càng sớm càng có lợi thế trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Qua đây để các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sớm ứng dụng vào sản xuất, khai thác hết tiềm năng của nông nghiệp Bình Dương”, ông Phạm Văn Bông nói.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện tại vẫn là một vấn đề mới, việc ứng dụng vẫn còn đối mặt với một số thách thức như cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và ý kiến phản hồi từ các đơn vị trực tiếp sản xuất để nghiên cứu, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh cũng như triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp Bình Dương nắm bắt được thời cơ của cách mạng 4.0, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của ngành.
THOẠI PHƯƠNG