Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“Em ơi! Anh đi Đồng Nai để đối thoại với Tổng cục Hải quan về những vấn đế liên quan đến vướng mắc áp dụng mã HS đối với nhóm các mặt hàng gỗ ghép thanh xuất khẩu (XK), em có đi không?”. Tôi nhận lời qua điện thoại của anh Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để rồi cảm nhận thêm chuyện của những người vác tù và thời hiện đại…
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện trong một buổi làm việc với Sở Công thương
Vì mọi người
Nghề báo cho tôi cơ duyên đến với anh chị em trong các hiệp hội ngành hàng, để rồi thấu hiểu và trân quý nhiều hơn những người làm công tác tự nguyện. Như anh Huỳnh Quang Thanh, tôi biết anh từ lâu, khi ấy anh còn là Chủ tịch BIFA nhiệt tình, điềm đạm, lèo lái một hiệp hội vững vàng từ những ngày đầu. Ngày ấy, mỗi lần gọi, điện thoại anh luôn trong tình trạng bận, nhất là dịp hội chợ triển lãm, mùa cao điểm cuối năm khi công việc của hội và của công ty anh luôn tất bật.
Chứng kiến những cố gắng của anh và các thành viên để gầy dựng nên một BIFA lớn mạnh, đoàn kết, tôi hiểu chẳng vinh quang nào được trải bằng hoa hồng. Một BIFA mà nhắc đến không chỉ có tiếng vang trong nước, cộng đồng quốc tế mà ở đó có một bộ máy trách nhiệm, đồng lòng vì sự phát triển chung của ngành gỗ Việt Nam. Phải đi, phải thấy cụ thể từng công việc phụ trách của mỗi anh chị trong BIFA mới thấu hiểu tâm huyết của từng doanh nhân trong hiệp hội. Họ là những doanh nhân điều hành các nhà máy có doanh thu từ vài trăm, vài ngàn tỷ đồng song không nề hà những chuyện lớn bé của cộng đồng. Nhìn dáng vẻ tất bật của các anh chị trong các cuộc hội họp mà tôi có dịp tham dự mới hiểu vì sao BIFA ngày một lớn mạnh.
Trong mùa dịch bệnh Covid-19, BIFA liên tục đề xuất các giải pháp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu trên tinh thần nỗ lực để không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau. Giải pháp cho xuất hàng online, giải pháp phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ công nhân khó khăn… luôn được các thành viên gửi đến liên tục. Điều đó cũng lý giải một phần tại sao sau bao khó khăn của mùa dịch bệnh, ngành gỗ Bình Dương vẫn giữ mức tăng trưởng dương. Dẫu con số không lớn song cũng là minh chứng cho tinh thần cùng nhau vượt gian khó và những nỗ lực không ngừng của từng thành viên trong hiệp hội.
Không chỉ mỗi BIFA, các doanh nhân trong các hiệp hội khác đều cho rằng một điểm chung nhất của những lãnh đạo hiệp hội đều là những doanh nhân đầy tâm huyết vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Họ làm việc trên tinh thần ba không và nhiều có: Không tiền lương, không lợi nhuận, không vụ lợi và có tâm, có tầm và có thừa sự nhiệt tình với công việc của cộng đồng. Cái việc nói ra thì dễ mà nếu ai cũng băn khoăn, cân đo đong đếm thì sẽ không thể nào gánh vác nổi.
Với Hiệp hội Dệt may, dịch bệnh Covid-19 như cơn “sóng thần” ập đến, gây ra khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tôi gặp các anh chị trong Hiệp hội Dệt may nhiều lần trong các cuộc họp với các ngành, song lần nào cũng vội vì các anh, chị trở về với trọng trách, với việc chèo lái con thuyền của riêng mình. Và rồi tôi cũng hẹn được chị Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương. Nhìn chị Trang tất bật với công việc khi hàng trăm công nhân, hàng trăm gia đình trong mùa Covid-19 đợi chị, đợi những đơn hàng với vẻ mặt không giấu được sự mệt mỏi trước những lo toan. “Chúng ta cũng cần phải nói tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến với các cấp chính quyền để tháo gỡ khó khăn trong mùa dịch bệnh. Bao lần phản ánh, bao lần mong mỏi… song tôi vẫn tin rằng nhất định rồi sẽ vượt qua”. “Còn rất nhiều cơ chế mà không phải cứ muốn là thay đổi song chúng tôi vẫn đặt niềm tin lớn vào con đường phía trước. Cứ đi, nhất định là sẽ tới”, chị luôn miệng động viên tinh thần như thế dù phía trước đối với ngành dệt may là đầy rẫy những chông gai.
Lan tỏa tinh thần cao đẹp
Đi từ những hành động nhỏ nhất, xuất phát từ ý thức và khả năng của bản thân, mỗi người thay đổi thì thế giới sẽ thay đổi là thông điệp mà chúng tôi nghe nhiều nhất ở anh Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương. Dịp gần đây, trong cuộc họp với các cấp ngành, tôi nghe anh nói nhiều về khó khăn của doanh nghiệp, tôi buột miệng hỏi anh rằng: “Sáng Ban Mai (công ty của anh Trần Thành Trọng) vẫn tăng trưởng tốt, xuất khẩu nhiều mà sao anh “kêu” nhiều vậy?!”, anh cười hiền khẳng định Sáng Ban Mai vẫn sống được trong dịch bệnh Covid-19 với phương châm nâng tầm chất lượng, giữ vững thị trường. Song điều anh nói là đại diện của cả cộng đồng doanh nghiệp, tiếng nói của cả Hiệp hội Cơ điện trong khó khăn. “Bằng những trải nghiệm thực tiễn trong kinh doanh của mình và của cộng đồng doanh nghiệp, tôi sẽ góp thêm tiếng nói từ thực tiễn sinh động để xây dựng chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp”, anh quả quyết. Chúng tôi luôn tìm thấy trong anh lý tưởng cao đẹp khi nghe anh khẳng định: “Bấy lâu nay, tôi dành trái tim và tình yêu cho Đảng, cho đất nước. Tôi sẽ làm tròn trách nhiệm của một đảng viên mẫu mực, tiếp tục lãnh đạo doanh nghiệp phát triển hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển xã hội, để chứng minh doanh nhân - đảng viên nói được và làm được”. Doanh nhân này không giải thích việc mình đã làm, cũng không cho đó là việc to tát, cao siêu, anh nói đơn giản đó là việc phải làm của một đảng viên, doanh nhân.
Ông Huỳnh Quang Thanh (giữa) tiếp đoàn doanh nghiệp tỉnh Nghệ An học hỏi kinh nghiệm tại Công ty Mafico (TP.Thuận An)
Khi tôi trao đổi với anh Trần Anh Vũ, Tổng Thư ký BIFA về ý kiến rằng mọi người bảo các doanh nhân làm công tác hiệp hội được ví với “người ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, anh chỉ cười và nói: “Một chừng mực nào đó, điều đó cũng đúng, nhưng không hoàn toàn như thế. Bởi với chúng tôi, còn nhiệm vụ chính phải lo cho doanh nghiệp mình, người lao động của mình. Việc tranh thủ thời gian để lo cho hiệp hội là một việc làm đầy ý nghĩa, đem lại sự hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, sự lớn mạnh cho chính nghề nghiệp của mình. Cộng đồng mạnh thì mỗi thành viên mạnh, nên dù “vác tù và” nhưng cũng phải chọn mặt gửi vàng”.
Tôi nhớ, trong bức thư cuối cùng để lại cho đời trước lúc ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là bức thư gửi giới doanh nhân, Đại tướng khẳng định doanh nhân là “nhạc trưởng tiên phong” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Và điều ấy lại càng đúng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay khi với vai trò cầu nối, vai trò của hiệp hội, cộng đồng doanh nhân “vác tù và” thổi lên tinh thần vượt khó khăn, hướng về phía trước...
TIỂU MY