| 24-11-2012 | 00:00:00

Cô giáo già giải cơn “khát chữ”!

Ở trại phong Bến Sắn (xã Tân Hiệp, Tân Uyên) có một cô giáo hơn 15 năm nay làm sự nghiệp “trồng người” âm thầm. Cô chỉ có một giấc mơ dai dẳng, giấc mơ khiến cô nhiều lần rơi lệ đó là học trò của cô… đừng phải tìm đến đây, các em phải đến được với những lớp học khang trang hơn…

 Cô Lê Thị Hoàng có một ước mơ thôi! Là các em đừng phải tìm đến cô nữa và được học hành đầy đủ ở các ngôi trường khang trang Lớp học dưới mái hiên trại phong

Được sự giới thiệu của Ban lãnh đạo trại phong Bến Sắn, chúng tôi đi vòng quanh con đường đất đỏ đầy cỏ dại của trại một hồi thì đến được lớp học của cô giáo Lê Thị Hoàng. Trời đang mùa nắng, lớp học chỉ được che chắn tạm bợ từ vài miếng tôn theo mái hiên của khu nhà tập thể trại phong, vài mành sáo chung quanh. Vậy mà cô giáo già cùng hơn 40 học sinh (HS) vẫn miệt mài ngồi rèn con chữ. Cô hỏi đến đâu, trò trả lời đến đó, em nhỏ ngồi trước, em lớn ngồi sau. Lớp không phải là lớp đúng nghĩa, vì các em rải đều từ lớp 1 đến lớp 5 nên chả biết gọi là lớp gì. 40 em đến từ cả trong và ngoài trại đều là những em “khát chữ” nhưng vì nhiều điều kiện khác nhau nên được cha mẹ gửi đến cô Hoàng học chữ, học làm người.

Cô Lê Thị Hoàng không phải là người của trại phong Bến Sắn nhưng sau một cơn đau cột sống dẫn đến liệt toàn thân hơn một năm, cô được về ở hẳn trong trại với người em là bác sĩ ở đây.

Được một thời gian, thấy có vài con em bệnh nhân trong trại rất muốn được đi học nhưng bị bạn bè xa lánh phải bỏ học nên cô mở lớp dạy các em. Từ đó, bên mái hiên nhà tập thể trại phong vang tiếng cô, trò ê a rèn chữ. Tính từ lớp đầu tiên, học trò của cô nay đã có 3 em đều vào học đại học năm thứ 3. Họ đều là con của bệnh nhân trong trại và nếu không có cô, hẳn sẽ khó lòng đi nổi trên con đường đến với giảng đường đại học.

Có những em khi vào trại phong một chữ bẻ đôi không có. Như trường hợp em Lê Thị Hoàng Mai làm nghề bán vé số dạo không biết chữ vào trại nuôi cha bị nhiễm bệnh phong. Vào đây 6 tháng, em được cô Hoàng dạy cho biết đọc, biết viết. Hay em Thí Thiểng là người dân tộc Stiêng, 15 tuổi là bệnh nhân của trại, vào đây em được cô Hoàng dạy cho từng nét chữ, dạy học làm người có ích cho xã hội. Tất cả đều không phải đóng học phí và đều nhớ về cô Hoàng như một người mẹ thứ hai. Đến nay, theo nhẩm tính của cô Hoàng đã dạy được hơn 300 em HS lớn nhỏ.

Cô giáo nghèo, HS cũng nghèo nên lớp học thật nghèo đúng nghĩa. Để có bàn, cô đi mót từng miếng ván, từng cây gỗ rồi được bao nhiêu cô gom lại mượn thợ đóng bàn, đóng ghế. Lớp cũng chỉ có dăm bóng điện, vài cái quạt máy tuềnh toàng. Ấy vậy mà theo thời gian, lớp của cô cứ phình ra và ngày càng dang tay đón thêm nhiều HS mới. Vì không có tiền nên cứ gom góp được bao nhiêu thì cô lại nhờ người đắp thêm nền rồi cơi nới mái hiên ra, ban đầu mái hiên cũng chỉ là mái lá tạm bợ, giờ đã có thêm mái tôn, có bỏ vài miếng xốp cách nhiệt cho đỡ nóng…

Mong những lớp học khang trang

Ban đầu, mong ước của cô Hoàng chỉ là làm sao giúp đỡ các em nhỏ là bệnh nhân của trại hoặc con em của bệnh nhân được học cái chữ, được hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây thì nhiều HS là con em các hộ nghèo, con em của nhiều công nhân ở bên ngoài cũng tìm đến lớp học dưới mái hiên trại phong. Cô Hoàng cho biết: “HS đến với lớp thường có 2 dạng, một là cha mẹ các em quá nghèo không thể có tiền cho các em theo học các lớp phổ thông, hai là các em quá tuổi và không có hộ khẩu tại địa phương nên không được nhận vào các trường. Dạy mấy đứa nhỏ sao mà thương quá!”.

Cô lần giở cho chúng tôi xem những quyển vở học trò thơm mùi mực, con chữ trẻ thơ tập viết ngay ngắn, sạch sẽ như để minh chứng sức học của các em chẳng thua kém bè bạn cùng trang lứa. Cái kém của các em có chăng chỉ là kém điều kiện theo đuổi sự học, cái được coi là quá xa xỉ đối với những bậc phụ huynh nghèo. Cứ mỗi lần mở ra từng quyển tập của từng em, cô lại nghẹn ngào không thốt thành lời. Đây là vở của em Trần Thị H.T, bệnh nhân! Đây là vở của em Trần Thị M.L, con của bệnh nhân… Mỗi lần mở ra một quyển vở là cô lại như thắt từng khúc ruột. Đành rằng dạy chữ cho các em, nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến là cô lại thấy xót xa. “Có nhiều trường hợp thấy đau lòng lắm. Như em Lê Ngọc Hân, 8 tuổi có cha mẹ làm công nhân nhưng xin mãi cũng không thể cho con vào lớp 1. Năm trước trường bảo là thiếu hộ khẩu, chạy vạy thủ tục đến năm nay trường lại nói là đông HS quá nên không nhận nữa. Thôi coi như là hết đường cho cô bé này đến trường vì năm sau cháu 9 tuổi rồi” - cô Hoàng bật khóc.

Cũng theo cô Hoàng, trong vài năm trở lại đây, số HS là con của công nhân nghèo bên ngoài trại đến với cô tăng vọt. Cá biệt năm nay 40 HS thì lại có đến 35 em như thế. Tôi hỏi một câu có lẽ hơi vô duyên là cô có thu học phí không. Cô nói là có, để chi phí tiền mua dụng cụ học tập, tiền điện và việc mua sách vở cho các em không có điều kiện. Nhưng mỗi lần cầm tiền cô thấy lòng mình trĩu nặng. Vì cha mẹ các em đều nghèo khó và có hoàn cảnh đặc biệt. Bản thân các em cũng đâu có được học hành đầy đủ như bè bạn.

Chúng tôi rời trại phong, bỏ lại đằng sau lớp học nghèo, cô giáo nghèo và cơn khát chữ của 40 em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bỏ lại đằng sau giấc mơ có phần nghe hơi nghịch lý của cô Lê Thị Hoàng: “Các anh lựa lời làm sao cho xã hội quan tâm thêm đến các con em công nhân. Chứ tôi thấy càng ngày càng nhiều em đến gửi cho lớp tôi thấy xót quá! Có nhiều em học giỏi, có khả năng làm người có tài, có ích cho xã hội sao lại không được đi học hành tử tế. Mong sao sau này, HS của tôi được đi học trường lớp đàng hoàng, chứ hổng lẽ chúng cứ chịu thiệt thòi ở mái hiên trại phong này đến lớn sao đành?”.

Thứ quý giá nhất trong lớp học của cô giáo Hoàng có lẽ là tủ sách. Vì không có tiền mua sách nên nhiều em nhỏ không có điều kiện học tập. Vậy là cô vận động các em lớp trước cho sách lớp sau. Đến nay, cô đã có tủ sách giáo khoa vài trăm cuốn được xếp ngăn nắp, gọn gàng và giữ gìn cẩn thận. Em nào đến học không có sách thì được mượn rồi giữ gìn cẩn thận để cho các lớp kế sau. Có thể nói, đó là “kho báu” quý giá nhất của lớp học nghèo dưới mái hiên trại phong Bến Sắn này.

LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ