Còn đâu một chút hương bay...
Tóc em dài tuổi mười lăm/ Giấu
riêng trong cặp chiếc khăn học trò/ Hương ngọc lan trắng thơm tho/ Đừng ai theo
bước hỏi dò: hoa đâu? (Còn một chút hương bay, Đoàn Vị Thượng)“Còn một chút hương bay” là
bài thơ của một người trưởng thành nhớ lại thuở mộng mơ cặp xách. Ở đó, tuổi học
trò ai không trải qua những rung động đầu đời với tình cảm thật trong sáng. Dù đã
qua lâu lắm rồi cái tuổi học trò ấy, nhưng trong tim ai đó dường chừng luôn
dành một khoảng riêng cho “người ta” mà khó ai có thể động chạm vào được.Ở đó còn là nơi mái trường gắn
bó với chuỗi ngày hoa mộng cùng với những con đường quen thuộc, những trò chơi
trẻ con, những đứa bạn với biết bao cảm xúc. Tuổi 15, tuổi bước vào cấp 3 với
rung động, cảm xúc mới mẻ và tinh khiết để ai đó tin rằng dẫu có đi hết cuộc đời
này, người ta vẫn khó tìm lại hạnh phúc ngất ngây thời mới lớn.Thương hoài ghế gỗ bàn nâu/ Ấm
hơi bè bạn chụm đầu sớm trưa/ Che chung một tấm áo mưa/ Đạp xe thơ thẩn lúc mùa
thu sang...Những câu thơ ẩn dụ như muốn gợi
lại hình ảnh ai đã từng đi học đều đã trải qua hoặc là biết đến với tên gọi:
tình yêu học trò! Chốn học đường khi ấy phải đâu ai cũng dám tỏ bày, chủ yếu vẫn
là những ý tứ ví von, liên tưởng để mong rằng “áo trắng kẹp tóc” hiểu được “áo
trắng húi cua” đang thầm để ý đến cô bạn chung lớp, chung cả biết bao kỷ niệm
thời hoa bướm. Như thước phim hồi tưởng, Thương hoài ghế gỗ bàn nâu/ Ấm hơi bè
bạn chụm đầu sớm trưa, phải chăng là hình ảnh của chàng trai hồi hộp lén ép
cánh thư vào vở cô bạn gái, lúc cả lớp tập thể dục giữa giờ và thực hiện động
tác quay theo hướng không nhìn thấy lớp học. Tim đập thình thịch, mồ hôi thấm
áo... Chàng trai đã bỏ được cánh thư vào vở của cô bạn để rồi sau đấy là lo lắng:
không hiểu cập rập như thế có bỏ nhầm thư vào... vở cô bạn ngồi cạnh “đối tượng”
hay không? Cô bạn đã không trả lời thư và ngày hè của năm học cuối cùng cũng đã
đến. Trong buổi họp mặt chia tay mái trường, cô bạn gái ấy đã hát thật da diết:
“Mỗi năm đến hè lòng man mát buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...”.
Chân đi từng bước khẽ khàng/ Nắng
sao rộn rã ngập vàng lối em/ Guốc đừng khua rộn cả lên/ Sợ ai ngồi sẵn bên thềm
đợi nghe...Vậy đó, chút ngày xưa hoa mộng
là những rón rén khi trái tim rung nhịp yêu thương đầu đời với người bạn học, để
giờ nhớ lại mới “dũng cảm” gọi người bạn cũ bằng những trĩu ngọt của từ “em”.
Và lúc này, khi mùa hè rộn rã tiếng ve, dội vang trong ký ức những màu sắc vui,
buồn lẫn lộn chợt nhận ra rằng không gian ấy của tuổi học trò, bây giờ cũng dừng
lại: Tuổi mười lăm có gì khoe?/ Buông dài mái tóc em che má hồng/ Trời xanh cho
mắt em trong/ Mây se lụa trắng hơn không, áo này?Giấc mơ tuổi học trò du dương
như một bản nhạc, nhẹ nhàng mà da diết khôn nguôi. Bản nhạc đó mỗi lần kết thúc
lại dấy lên trong lòng người học trò cũ biết bao bâng khuâng, tiếc nuối. Và người
ta vẫn thích nghe, thích cảm nhận niềm hạnh phúc hân hoan khi được trở về năm
tháng tuổi thơ, bên mái trường, bên thầy cô, bạn bè và những gì thân thương nhất.
Bởi kỷ niệm có lẽ là cái vô giá, không bao giờ bị mất đi. Nó chỉ nằm ở đó, nơi đáy
sâu tâm hồn. Để đôi khi, chỉ một cái chạm khẽ bỗng làm nó sống dậy như một điều
kỳ diệu, một nỗi nhớ mênh mang, những mưa nắng, những con đường, những gương mặt
quen thuộc; một nỗi nhớ diễm lệ như những câu thơ hoài niệm của Đoàn Vị Thượng:
Đóa hoa trong chiếc khăn tay/ Giữ riêng một chút hương bay thì thầm/ Còn thơm
hoài đến xa xăm/ Em từng có tuổi mười lăm của mình.HỒNG PHÚC