| 04-03-2020 | 08:27:18

Công đoàn Bình Dương:Gỡ khó cho doanh nghiệp, người lao động mùa dịch bệnh Covid-19

 Để nắm tình hình doanh nghiệp (DN), đời sống của người lao động (NLĐ) bị tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động đề xuất các phương án chăm lo sức khỏe, việc làm, tiền lương và thu nhập... Từ đó tham mưu, đề xuất các cấp, các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ, góp phần ổn định tình hình NLĐ cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

 Doanh nghiệp đo nhiệt độ cơ thể NLĐ trước khi vào công ty làm việc

 Gỡ khó cho người lao động

Những ngày vừa qua, dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã có rất nhiều luồng thông tin từ truyền thông và mạng xã hội. Trong số đó, rất nhiều thông tin không chính xác về dịch bệnh gây hoang mang dư luận. Công nhân lao động ở các khu công nghiệp với đặc thù là làm ca tại các xưởng sản xuất, họ rất cần được tiếp cận những thông tin chính thống, chính xác để phòng, chống dịch bệnh. Trước những khó khăn của NLĐ, nhiều DN có giải pháp kịp thời giúp họ an tâm làm việc, chọn ra những cách tuyên truyền riêng để cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh đến NLĐ. Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yazaki Việt Nam, cho biết trong đợt dịch này, 24/24 giờ công ty tiến hành đo thân nhiệt, đeo khẩu trang đối với tất cả NLĐ, nhà cung cấp cũng như khách hàng vào công ty khi đến giao dịch, làm việc. Đối với những trường hợp bị ốm sẽ được kiểm tra, theo dõi và thông báo tới các cơ quan chức năng. Ở các cửa ra vào đều được công ty bố trí nước rửa tay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân sát khuẩn tay để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn công ty, anh Hoàng Minh Giang, Công ty TNHH King Jim Việt Nam thường xuyên chia sẻ các thông tin cần thông báo tới NLĐ lên trang mạng xã hội như Facebook, Zalo cá nhân của mình, qua đó giúp NLĐ cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra, anh còn chia sẻ về các đối tượng đưa thông tin không chính xác về dịch bệnh bị phạt như thế nào… để NLĐ cẩn trọng khi tiếp cận thông tin trên mạng. Từ những bài đăng tải đó trên trang Facebook, buổi tối sau khi kết thúc mọi công việc, hay những lúc nghỉ giải lao sau giờ làm, mọi công nhân đều có thời gian để tiếp cận thông tin một cách kỹ lưỡng, giúp họ kịp thời nắm bắt diễn biến dịch bệnh và biết cách phòng tránh. Nhờ vậy, tình hình tư tưởng của NLĐ trong công ty ổn định, giúp họ yên tâm sản xuất.

Thấu hiểu khó khăn trong việc thu xếp người trông con của NLĐ, Công đoàn, Ban Giám đốc công ty cũng đã thực hiện việc điều chỉnh ca làm việc cho NLĐ, khi công nhân có nguyện vọng, đề xuất đổi ca làm việc để trông con, công ty sẵn sàng tạo điều kiện cho NLĐ. Chị Vũ Thị Hạnh Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty Triệu Phú Lộc (TX.Tân

 Uyên), cho biết: “Công đoàn đã chủ động làm việc với lãnh đạo DN giúp NLĐ có con trong độ tuổi đi học nếu không có điều kiện gửi con thì công ty giải quyết cho nghỉ phép năm hoặc nghỉ không hưởng lương để ở nhà trông con”.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (Cụm sản xuất An Thạnh, TP.Thuận An), cho biết tại công ty, người Trung Quốc nắm giữ những vị trí quan trọng vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN. Tuy nhiên, công ty đã chủ động cách ly, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ vừa yên tâm làm việc, vừa biết cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có DN thông báo hết nguyên liệu, tạm ngưng sản xuất. Sắp tới nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều, DN sẽ hết nguyên vật liệu, NLĐ sẽ ngừng tăng ca hoặc thậm chí DN phải tạm ngưng hoạt động. Vì vậy, công đoàn cơ sở phải nắm chắc tình hình DN, NLĐ bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là bị ảnh hưởng sức khỏe, việc làm, tiền lương và thu nhập... nhằm kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất các cấp, ngành chức năng có giải pháp kịp thời tháo gỡ, góp phần ổn định tình hình công nhân lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN”.

Chia sẻ khó khăn này, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chí Hùng (TX.Tân Uyên), cho biết hiện DN có 57 chuyên gia là người Trung Quốc. Công ty đã có các biện pháp cách ly. Đến nay, đã hết thời gian cách ly và kiểm tra sức khỏe rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn hàng dự trữ để sản xuất đã sắp hết. Với tình hình hiện nay thì đến giữa tháng 3, công ty sẽ ngưng tăng ca. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của NLĐ. Nên NLĐ cũng đang lo lắng về vấn đề này, nhất là gần 400 NLĐ đang nuôi con nhỏ.

Anh Trần Công Chánh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình cũng cho biết, công ty đã tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vừa tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vừa đẩy mạnh tổng vệ sinh môi trường định kỳ, công ty chủ động mua máy, hóa chất, tập huấn cho NLĐ để tổng vệ sinh hàng tuần.

 KIM HÀ - THU THẢO

Chia sẻ