Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chiều 21-6, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tiếp tục có buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển đô thị thông minh với nội dung phong phú, đa dạng. Buổi thảo luận được kỳ vọng giúp các thành viên trong ICF sớm tìm ra chìa khóa để mở rộng cánh cửa đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Lễ khai mạc “ Vinh Danh TOP 7 Cộng đồng Thông minh Thế giới ICF”
Ông Louis Zacharilla, nhà đồng sáng lập ICF và Tiến sĩ Nguyễn Việt Long cùng các đại diện thành phố thông minh tiêu biểu toàn cầu đang tham gia thảo luận
Nhiều kinh nghiệm hữu ích
Đến tham dự sự kiện Vinh danh TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới năm 2022 tại Bình Dương có đại diện của các đô thị thông minh trên thế giới, như: Thành phố Dublin thuộc bang Ohio (Mỹ), thành phố mới Đài Loan, thành phố Eindhoven thuộc tỉnh Noord- Brabant (Hà Lan), Future City - Thành phố Tương lai (Estonia), Chương trình City as a Service (Phần Lan), Thành phố Thông minh Bable (Đức), đại diện Chính phủ Ấn Độ, Chính phủ Bangladesh… và đại diện Thành phố Thông minh Bình Dương đã chia sẻ nhiều nội dung hữu ích.
Trong đó, đáng chú ý nhất là phần phát biểu tham luận của bà Dana McDaniel, Thị trưởng thành phố Dublin, bang Ohio (Mỹ), về những kinh nghiệm chuyển đổi từ sản xuất sang sáng tạo mà thành phố này đã và đang thực hiện khá hiệu quả. Dublin từ lâu được biết đến là một đô thị công nghiệp với nhóm ngành nghề chủ lực là sản xuất máy móc, công cụ phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội cho người dân. Sau khi hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây Dublin nói riêng và Ohio nói chung đang từng bước dịch chuyển nền kinh tế từ sản xuất sang đổi mới sáng tạo gắn liền với nền kinh tế tri thức.
Tham dự tọa đàm từ điểm cầu Hà Lan, ông Stijn Steenbakker, Phó thị trưởng và bà Naomie Verstraeten, Giám đốc Đổi mới Sáng tạo Thành phố Eindhoven cũng nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của mình. Dù dịch bệnh Covid-19 đã có xu hướng lắng xuống nhưng thế giới đang phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thử thách. Đây là lúc chúng ta nhìn nhận thẳng thắn với nhau là đã đến lúc cần có những thay đổi, ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào kinh tế - xã hội. Đại diện từ Hà Lan cho rằng việc cần làm hiện nay của các quốc gia là đẩy mạnh hoạt động giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ, tạo nguồn cảm hứng và giúp đỡ họ tự tin thể hiện bản thân và trực tiếp tham gia vào cuộc chơi ĐMST hiện nay. |
Để làm được việc này, bà Dana McDaniel cho biết chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã ngồi lại với nhau cùng tìm ra hướng đi đúng đắn cho tương lai. Trong khi chính quyền luôn cố gắng làm tốt vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, kết nối của mình thì các trường học, nhà khoa học, doanh nghiệp luôn tìm cách ĐMST. Với sự kiên trì bền bỉ của mình, đến nay Dublin đã gặt hái được những thành quả ban đầu và tiếp tục được ICF dự báo sẽ đạt được nhiều thành quả lớn hơn trong tương lai.
Đến với buổi tọa đàm, bà Maggie Chao, Phó Giám đốc bộ phận ITRI Thành phố Thông minh Đài Loan, cũng chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng, phát triển đô thị thông minh gắn liền vùng ĐMST mà Đài Loan thực hiện trong thời gian qua. Bà Maggie Chao cho biết kể từ năm 2018 đến nay, Đài Loan đã tích hợp các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động địa phương, công nghiệp và đời sống người dân, hiện thực hóa tầm nhìn đưa công nghệ gắn liền với con người, công ty và chính quyền.
Đến với tọa đàm, ông Philipp Riegebauer, Giám đốc Thành phố Thông minh Bable (Đức), cũng chia sẻ bài tham luận có chủ đề: Tác động của Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế và Thành phố thông minh. Trong bài tham luận của mình, ông Philipp Riegebauer đã nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của các ứng dụng khoa học công nghệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay. Để nắm bắt và theo kịp thời đại, bản thân các quốc gia, các doanh nghiệp và mỗi người cần không ngừng học tập, nâng cấp bản thân. Điều đó sẽ trực tiếp thúc đẩy sự bùng nổ, phát triển cho chính chúng ta trong tương lai không xa.
Bình Dương lĩnh hội, tiếp thu
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện tỉnh Bình Dương bày tỏ sự biết ơn sâu sắc về phần chia sẻ kinh nghiệm của các thành viên ICF. Tỉnh khẳng định rằng đây là những kinh nghiệm quý giá ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc xây dựng thành phố thông minh gắn liền vùng ĐMST mà Bình Dương đang dày công thực hiện. Thời gian tới, Bình Dương dự kiến sẽ cử đại diện tham gia các buổi tọa đàm, diễn đàn thường xuyên mà ICF tổ chức để tiếp tục tham quan, học tập kinh nghiệm thực tiễn của bạn trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Kết thúc phần chia sẻ kinh nghiệm, ông Louis Zacharilla, nhà đồng sáng lập ICF, đã điều phối chương trình tọa đàm giao lưu về mô hình xây dựng đô thị thông minh. Điểm cầu Thành phố mới Bình Dương có ông Louis Zacharilla và Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, tham gia buổi tọa đàm online có các ông Kris Carver (Úc), Niko Ferm (Phần Lan), Moez Chaabouni (Mỹ), Eric Legale (Pháp), Martin Mannil (Estonia). Ghi nhận của phóng viên cho thấy trong suốt thời gian tọa đàm, các đại biểu đã sử dụng khá hiệu quả phần phát biểu và quyền đặt câu hỏi của mình về các mô hình đô thị thông minh trong ICF.
Đối với Bình Dương, lãnh đạo ICF đã đặt câu hỏi “Số hóa đã hỗ trợ như thế nào cho mô hình 3 nhà?”. Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Việt Long cho biết những năm gần đây, tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và số hóa trên thế giới đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Đây là tiền đề quan trọng để các nhà (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) có cơ hội sát cánh bên nhau, tìm ra những giải pháp cho các vấn đề hiện hữu.
Theo tiến sĩ Long, số hóa đã và đang từng bước thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội trên địa bàn Bình Dương. Trong đó, chính quyền đóng vai trò dẫn dắt, quy tụ. Nhà trường đóng vai trò nghiên cứu, đào tạo và cung ứng các giải pháp ứng dụng số hóa mà cộng đồng cần. Doanh nghiệp có vai trò thương mại hóa, phổ cập các sản phẩm, thành quả của tiến bộ khoa học và đưa chúng ra thị trường, đến với xã hội.
Hiện nay, Bình Dương đang triển khai nhiều mục tiêu chuyển đổi số gắn liền xây dựng thành phố thông minh cùng lúc. Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng vùng ĐMST theo hoạch định, tỉnh cũng có phương án hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và từng bước thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay tỉnh với vai trò kết nối, hỗ trợ đang triển khai quyết liệt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn như Becamex IDC, VNPT… cũng thể hiện vai trò tiên phong của mình khi đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống hạ tầng lưu trữ, kết nối, sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian tới.
ĐÌNH THẮNG