Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong năm 2020, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Sở Tư pháp chỉ đạo thực hiện sâu sát và đạt hiệu quả cao. Người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ việc được tiếp cận và tìm hiểu về các điều luật...
Ông Trần Ngọc Vân, báo cáo viên, Phó Chủ tịch CĐ các KCN Bình Dương triển khai Bộ luật Lao động năm 2019 cho cán bộ CĐ cơ sở Công ty TNHH quốc tế Chutex.
Ảnh: TỪ TÂM
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Năm 2020, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được Sở Tư pháp đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch năm, chuyên đề công tác PBGDPL và 2 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án, chương trình PBGDPL. Sở cũng đã tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành 3 văn bản để chỉ đạo và triển khai công tác PBGDPL.
Trên cơ sở đó các sở, ngành, huyện thị, thành phố ban hành kế hoạch cụ thể hóa để triển khai phù hợp thực tiễn yêu cầu của ngành, địa phương. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề mà sở là thành viên như về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng...
Những hoạt động thành công trong năm nay là Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp ở địa phương. Chất lượng của các buổi PBGDPL tại cơ sở cũng nhờ đó được nâng cao hơn. Tổ chức được 3 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên internet. Trong đó có 2 cuộc thi “Cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid -19” thu hút 450.314 lượt truy cập với 119.560 tài khoản tham gia dự thi. Cuộc thi “Thanh niên Bình Dương với an toàn giao thông và nói không với ma túy” cũng thu được kết quả cao, đối tượng trẻ tham gia đông. Sở cũng đã phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng 26 chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh, phối hợp với đài truyền thanh các huyện, thị, thành phố thực hiện 52 chuyên mục “Người dân với pháp luật” phát sóng hàng tuần trên loa truyền thanh cấp xã. Với Báo Bình Dương có 12 kỳ chương trình “Pháp luật đời sống”, kịp thời đăng thông tin về các văn bản pháp luật mới do Trung ương, tỉnh ban hành và trả lời những thắc mắc của bạn đọc về các quy định của pháp luật...
Hoạt động hướng về cơ sở
Theo bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, công tác tư vấn pháp luật và hòa giải cơ sở cũng được nhiều kết quả. Sở đã hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện rà soát, sắp xếp tủ sách pháp luật, phối hợp biên soạn sổ tay hôn nhân và gia đình. Trong năm 2020, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, xã cũng đã in và phát hành hơn 1 triệu tờ gấp pháp luật và tài liệu tuyên truyền pháp luật, 284 khẩu hiệu, băng rôn, banner tuyên truyền các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên internet...
Các huyện, thị, thành phố cũng đã thực hiện tốt công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL. Không ngừng đổi mới nội dung và hình thức, bảo đảm phù hợp với các nhóm đối tượng, địa bàn. Riêng UBND cấp huyện, cấp xã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật được 6.227 cuộc, thu hút 287.364 lượt người tham dự (tăng 177 cuộc so với cùng kỳ năm 2019). Tổ chức 347 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, có 119.675 lượt người tham dự. Về mô hình Tủ sách pháp luật, hiện đã trang bị được hơn 3.000 tủ, thu hút 7.928 lượt người đọc. UBND cấp huyện ban hành kế hoạch triển khai Ngày pháp luật tại địa phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, toàn tỉnh có 879 giỏ pháp luật đang được duy trì hoạt động.
Về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật. Sở cũng đã công bố danh sách các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên cổng thông tin điện tử của tỉnh (có 87/91 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019)...
Theo đánh giá, việc quan tâm theo dõi và triển khai kiến thức pháp luật kịp thời là cách hiệu quả nhất trong giúp đỡ người dân, nhất là khi bà con cần biết các điều luật liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của họ trong cuộc sống.
Đánh giá về công tác hòa giải ở cơ sở, lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết sở đã triển khai bộ tài liệu bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và yêu cầu các phòng tư pháp triển khai tài liệu này đến đội ngũ hòa giải viên. Các phòng tư pháp cấp huyện đã chủ động tham mưu UBND cùng cấp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên cơ sở. Trong năm 2020, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 631 đơn (giảm 185 đơn so với cùng kỳ năm 2019). Đưa ra hòa giải 614 đơn, đạt 97,3% (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó hòa giải thành đạt 81,4% (giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019). |
QUỲNH NHƯ