| 17-12-2020 | 08:38:44

Ngăn chặn tình trạng quấy rối đường dây nóng

Thời gian qua, đường dây nóng 1022 và 115 vẫn còn bị quấy rối bằng nhiều hình thức như nhá máy, gọi điện trêu đùa, tung tin báo giả… Tình trạng này mặc dù đã được khắc phục, tuy nhiên hàng ngày nhân viên của đường dây nóng vẫn tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi quấy rối như vậy. Điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới công tác cứu nạn, cứu hộ tại Bình Dương


Nhân viên đường dây nóng 1022 và 115 trực tin báo

Với nhiệm vụ được giao là cầu nối giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hệ thống đường dây nóng 1022 có chức năng tiếp nhận giải đáp hướng dẫn các thủ tục hành chính, tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt tiếp nhận các yêu cầu về cứu nạn, cứu hộ qua đầu số 115.

Hệ thống thực hiện việc tiếp nhận yêu cầu cấp cứu từ đầu số 115, điều phối, theo dõi, giám sát mạng lưới cấp cứu trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu phục vụ người dân, xác định các kíp trực cấp cứu gần hiện trường nhất để nhanh chóng hỗ trợ cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu, góp phần kiện toàn công tác cấp cứu 115 của tỉnh. Hiện nay, có 15 bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh tham gia vào hệ thống cấp cứu với 24 kíp trực và hơn 50 xe cấp cứu. Tuy đã có chấn chỉnh nhưng tình trạng gọi điện quấy rối, tung tin báo giả tới đường dây nóng hiện nay vẫn còn. Điều này đã làm ảnh hưởng nhiều tới công tác cứu hộ cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp giải quyết một số vấn đề trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, đại diện Sở Y tế cho hay: “Trong 10 tháng qua, toàn tỉnh có hàng ngàn trường hợp nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông, trong đó lượng thông tin tiếp cận thông báo qua hệ thống đường dây nóng 1022 và 115 là 3.552 lượt; tuy nhiên, đã có tới 1.700 cuộc gọi báo ảo (chiếm tới 50%)”.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 11-2020 tổng đài 1022 tiếp nhận 2.837 nội dung yêu cầu từ người dân; đầu số 115 tiếp nhận 4.304 thông tin cấp cứu. Theo ghi nhận, trung bình mỗi ngày hệ thống 1022 nhận được khoảng 10 yêu cầu hỗ trợ từ nhân dân, hệ thống 115 tiếp nhận khoảng 12 ca báo cấp cứu có thật. Số lượng cuộc gọi ảo, quấy rối đã giảm mạnh; nếu như thời gian đầu hệ thống đường dây nóng 1022 và 115 có thể tiếp nhận khoảng 100 cuộc gọi ảo/ngày thì đến nay giảm còn 50 cuộc/ngày; đặc biệt tình trạng báo giả gần đây giảm hẳn.

Anh Nguyễn Sỹ Duy Quang, nhân viên đường dây nóng 1022, 115, chia sẻ: “Hiện nay số lượng cuộc gọi ảo, quấy rối đến hệ thống đường dây nóng tuy có giảm nhưng cũng chưa chấm dứt hẳn. Nhiều cuộc gọi đến chúng tôi chỉ nghe tiếng cười đùa, trêu chọc. Thậm chí có rất nhiều vụ báo tai nạn giả, khi chúng tôi thông báo cho kíp trực cấp cứu tới nơi và liên hệ lại thì họ bảo gọi đùa cho vui. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở và khuyên những đối tượng này để tránh làm ảnh hưởng tới công tác cấp cứu. Đa số các cuộc gọi quấy rối thường xảy ra vào ban đêm và là những người say xỉn trong cuộc nhậu”.

Gần đây nhất, chúng tôi có nhận được cuộc gọi báo cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông ngay địa phận xã An Sơn (TP.Thuận An). Sau khi tiếp nhận và xác định thông tin, chúng tôi chuyển thông tin tới kíp trực cấp cứu gần đó chạy tới địa điểm nhưng không có. Gọi điện lại cho số thuê bao gọi báo thì nhận được câu trả lời là gọi báo cho vui chứ không có vụ tai nạn nào hết, anh Quang chia sẻ thêm.

Trước tình trạng quấy rối vào đường dây nóng 1022 và 115, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan sớm điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hệ thống đường dây nóng là phương tiện truyền tin, công cụ hỗ trợ nhân dân trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, ANTT, an toàn xã hội. Gọi đến quấy rối không chỉ làm ảnh hưởng đến công tác cứu hộ cứu nạn mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần được ngăn chặn, xử lý.

Phía Trung tâm Công nghệ thông tin cũng sẽ phối hợp với đơn vị chức năng tổng hợp danh sách các thuê bao quấy rối và chuyển thanh tra sở xử lý. Tùy theo mức độ quấy rối nhẹ hay nặng mà có các biện pháp, như: Chặn các đầu số tùy theo mức độ; nhắn tin nhắc nhở chủ thuê bao; mời lên nhắc nhở trực tiếp, yêu cầu làm bản cam kết không tái phạm và nặng hơn là tiến hành xử phạt hành chính. Trong vòng một năm, sở đã công khai danh sách hơn 300 số điện thoại liên tục gọi điện, nhá máy quấy rối hoặc phản ánh thông tin không chính xác; mời lên làm việc trực tiếp hơn 20 trường hợp và hàng ngàn tin nhắn nhắc nhở tới các thuê bao có hành vi quấy rối.

ÔNG LAI XUÂN THÀNH, GIÁM ĐỐC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG, CHO BIẾT: “CHÚNG TÔI SẼ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỐI HỢP ĐỂ XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ TÌNH TRẠNG QUẤY RỐI HỆ THỐNG ĐƯỜNG DÂY NÓNG. KỂ TỪ NGÀY 15-4-2020, THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 15/2020/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ, MỨC PHẠT CHO CÁC HÀNH VI TRÊN SẼ LÀ TỪ 50 - 70 TRIỆU ĐỒNG”.

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ