| 24-09-2024 | 07:49:41

Công trình trọng điểm hoàn thành, động lực phát triển mở ra

Sáng qua (23-9), UBND tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) và công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh...

Về phía tỉnh Đồng Nai, tham dự có ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; về phía tỉnh Bình Phước tham dự có ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh cầu Bạch Đằng 2 đưa vào sử dụng tạo ra sự kết nối giao thông liên vùng thông suốt giữa Đồng Nai - Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực; mở rộng kết nối đến các đầu mối hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia. Trên cơ sở đó tạo thêm tiền đề và động lực quan trọng để hai tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Ông Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết việc đưa cầu Bạch Đằng 2 vào sử dụng góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, thuận lợi vận chuyển hàng hóa; đồng thời mở ra không gian phát triển đô thị thương mại - dịch vụ cho hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Ông đề xuất trong thời gian tới hai tỉnh tiếp tục đầu tư thêm các công trình kết nối giao thông để hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy kinh tế hai địa phương phát triển.

Dự án 2 - cầu Bạch Đằng 2 do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 491 tỷ đồng; chiều dài toàn tuyến là 945,81m, trong đó phần cầu dài 401,32m, phần đường dẫn đầu cầu dài 544,49m; vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Sáng cùng ngày, tại nút giao giữa đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, UBND tỉnh cũng đã long trọng tổ chức lễ khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh, công trình này là một mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh và trong khu vực; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, chất lượng cao đầu tư vào tỉnh, góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động bậc nhất của cả nước.

Công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng có tổng chiều dài tuyến gần 48km, đi qua 3 huyện Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và 1 đoạn nhánh dài 5km nối từ ngã ba Tam Lập, huyện Phú Giáo đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được đưa vào sử dụng góp phần mở ra động lực mới cho phát triển của Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Điểm đầu của dự án tại ngã ba Tân Thành giao với đường ĐT.746 huyện Bắc Tân Uyên và điểm cuối tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Dự án được phân thành 5 dự án thành phần, gồm 1 dự án đền bù giải phóng mặt bằng (toàn tuyến) giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư và 4 dự án xây lắp giao cho các địa phương làm chủ đầu tư. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp II, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ, với tổng mức đầu tư hơn 5.256 tỷ đồng.

Người dân chia sẻ niềm vui

Ông Dương Văn Minh, người dân xã Bạch Đằng, chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi chúng tôi cần sang bên huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai phải đi bằng đò, vừa nguy hiểm lại tốn nhiều thời gian. Khi gia đình phải vận chuyển hàng nông sản qua bên Đồng Nai tiêu thụ, chúng tôi đã phải thuê xe chở hàng rất tốn kém về kinh phí. Giờ đây đã có cầu Bạch Đằng 2 giúp gia đình tôi và người dân nơi đây đi lại thuận tiện, chỉ mất vài phút chúng tôi đã sang đến huyện Vĩnh Cửu.

Cầu Bạch Đằng 2 kết nối xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Cây cầu đưa vào sử dụng còn tạo sức bật giao thương giữa 2 tỉnh. Hiện nay, có nhiều người đến xã Bạch Đằng du lịch sinh thái, thăm quan mô hình trồng bưởi. Việc đưa cầu Bạch Đằng 2 vào sử dụng, người dân chúng tôi rất kỳ vọng lĩnh vực du lịch sinh thái của địa phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Anh Trần Văn Tuấn, người dân xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, phấn khởi cho biết: “Thời gian qua, mỗi ngày gia đình tôi vận chuyển ít nhất 2 chuyến hàng sang Bình Dương để giao cho các nhà máy, phải đi đường vòng qua cầu Hóa An, vừa xa lại tốn nhiên liệu, thời gian vận chuyển. Giờ đây cầu Bạch Đằng 2 đi vào hoạt động sẽ giúp gia đình tôi tiết kiệm được nhiên vật liệu, thời gian, kinh phí. Cây cầu giúp kết nối giao thông giữa 2 tỉnh, đồng thời tạo ra sự phát triển mạnh về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới”.

Còn ông Hồ Văn Lợi, người dân xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tâm tình gia đình ông có diện tích đất thu hồi 2.287,5m2 để thực hiện dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Ngay từ khi có thông tin về dự án đi qua, ông rất đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. “Hôm nay tôi rất vui mừng khi tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng. Tôi tin tưởng tuyến đường sẽ phục vụ cho sự phát triển mang tính liên kết chiến lược giữa các vùng trên địa bàn tỉnh”, ông Lợi nói.

Các công trình trọng điểm như cầu Bạch Đằng 2, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được đưa vào sử dụng mở ra nhiều hy vọng mới cho người dân tỉnh nhà, đồng thời góp phần đưa Bình Dương phát triển đồng bộ, toàn diện, tạo ra động lực mới để tỉnh tiến nhanh trên con đường phát triển hiện đại, văn minh trong thời kỳ mới.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ