Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Các ngành nghề thủ công truyền thống ở Bình Dương không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người làm nghề, mà còn tạo nên sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng miền. Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (gọi tắt là Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn) là một trong những đơn vị luôn tìm tòi, sáng tạo ra sản phẩm mới, chất lượng để thích ứng với thị trường.
Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn chủ động tham gia hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm
Khẳng định thương hiệu
Ông Lê Bá Linh (Tư Bốn) đã có gần 40 năm kinh nghiệm làm nghề và được đánh giá là người có đầu óc sáng tạo, đổi mới, luôn tìm cho mình những thị trường tiềm năng, sẵn sàng thay đổi để có những bước phát triển mới. Năm 1991, ông thành lập Cơ sở sơn mài Tư Bốn; năm 2007 phát triển thành Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (đường Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), chuyên sản xuất hàng thủ công sơn mài mỹ nghệ.
Sản phẩm của Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn được làm từ những chất liệu phong phú như gỗ, ván ép, MDF, fiber, glass, ceramic kết hợp với các chất liệu, vật liệu mới cùng với kỹ thuật truyền thống để cho ra đời các sản phẩm sơn mài chất lượng, đa dạng, có tính thẩm mỹ cao, như các loại tranh, lọ hoa, bình, hũ hộp, quà tặng cao cấp, sơn mài sử dụng trong khách sạn, nhà hàng, trang trí trong nhà. Các sản phẩm của công ty đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện công ty đang sản xuất theo đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp thương mại trong và ngoài nước, với các dòng sản phẩm như đồ trang trí nội thất, bàn, tủ, ghế, quà tặng, bao bì sơn mài cao cấp…
Ông Lê Bá Linh cho biết để sản xuất ra một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh, từ gỗ nguyên liệu đến khâu cuối cùng phải qua một quy trình với 25 công đoạn. Trong đó, để bảo đảm độ phẳng, bóng láng, nghệ nhân phải gia công rất kỹ từng công đoạn và trung bình mỗi sản phẩm phải mất khoảng 3-6 tháng mới bảo đảm yêu cầu chất lượng. Sơn mài của Bình Dương chứa đựng đầy đủ 3 loại hình sơn mài truyền thống, đó là: Sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài. Với nguồn nguyên liệu gỗ các loại, kết hợp với sơn dầu, một loại chất liệu có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền, nghệ nhân tạo nên lớp men đen bóng đặc trưng cho những tác phẩm sơn mài Bình Dương. Thông qua các đặc điểm nghệ thuật và kỹ thuật làm sơn mài, các nghệ nhân, họa sĩ đã khéo kết hợp giữa truyền thống và cách tân để tạo nên thương hiệu sơn mài Bình Dương nổi tiếng.
Người thợ thực hiện công đoạn vẽ trang trí trên sản phẩm sơn mài
Luôn tìm tòi, sáng tạo sản phẩm mới
Theo thời gian, sản phẩm sơn mài của Bình Dương ngày càng đạt được giá trị cao về nghệ thuật nhờ những bí quyết nghề nghiệp được truyền thụ trong từng gia đình, dòng họ. Do chịu đựng tốt khí hậu khắc nghiệt, không bị bong nứt hoặc biến dạng nên các sản phẩm sơn mài của Bình Dương được các khách hàng nước ngoài, nhất là châu Âu ưa chuộng. Hiện nay, các cơ sở sơn mài ở Bình Dương tập trung cải tiến kỹ thuật, mẫu mã nhằm sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Các sản phẩm như bộ bàn ghế, lọ hoa, bình, hũ, hộp... và các vật dụng trang trí khác đều đạt độ tinh xảo và tính nghệ thuật cao.
Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn qua hơn 30 năm hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, là một điểm đến ưa thích của các đoàn khách du lịch. Các sản phẩm của công ty hướng vào thị trường hàng lưu niệm nên thường có kích cỡ nhỏ, mẫu mã đa dạng, phong phú; đặc biệt các chủ đề, motip hoa văn là sự sáng tạo độc đáo, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, vì vậy có tính cạnh tranh, tính hấp dẫn cao. Ông Lê Bá Linh là đại diện tiêu biểu cho lớp nghệ nhân trẻ sau này luôn đề cao sự tìm tòi cải tiến mẫu mã, chất liệu, sự yêu nghề và quyết tâm bám trụ, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này. Ông luôn chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm khách hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Là người quản lý, điều hành Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn nhưng hàng ngày ông Lê Bá Linh vẫn bám xưởng cùng anh em lao động sản xuất, truyền đạt kinh nghiệm nghề nghiệp cho thế hệ đi sau. Ông vẫn miệt mài sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cung ứng ngày càng đầy đủ hơn cho nhu cầu thị trường đồ thủ công mỹ nghệ không chỉ ở Việt Nam mà còn hướng ra các thị trường xuất khẩu.
THOẠI PHƯƠNG - THANH TRÚC