| 18-12-2024 | 07:01:15

Đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới

Sáng kiến chung là nỗ lực lâu dài nhằm xây dựng nền tảng cho hợp tác kinh tế Việt-Nhật, cũng là kênh đối thoại quan trọng, cơ chế đặc biệt giữa cơ quan Chính phủ Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản.

Toàn cảnh cuộc họp đánh giữa giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu vừa đồng chủ trì cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được triển khai từ năm 2003. Sáng kiến chung là nỗ lực lâu dài nhằm xây dựng nền tảng cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, cũng là kênh đối thoại quan trọng, cơ chế đặc biệt giữa cơ quan Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản.

"Với quan hệ được nâng cấp thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, đây là cơ hội để hai bên thực hiện Sáng kiến chung một cách hiệu quả nhất nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nhóm công tác của Sáng kiến. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các cơ quan Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Nhật Bản để chia sẻ, cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến các chiến lược mới ban hành, các quy định hiện hành để hai bên cùng có các chương trình, dự án phù hợp," Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Phó Đại sứ Ishikawa Isamu cho biết với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, Việt Nam và Nhật Bản đang ở trong giai đoạn quan hệ hợp tác cao nhất và toàn diện nhất. Đây là cơ hội để hai bên triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, với cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn để cùng đề ra các phương hướng, biện pháp lớn nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai nước.

Là đối tác lớn của Việt Nam về thương mại, kinh tế, đầu tư và là nước cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, phía Nhật Bản luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hiện diện đầu tư vào các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

“Chính phủ, các doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng sẽ sớm thấy được những kết quả hợp tác ổn định trong nhiều lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong những trụ cột của Sáng kiến mới; cũng như hỗ trợ thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đúng như tên gọi Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, Nhật Bản sẵn sàng hợp tác lâu dài và giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề thách thức đang đối mặt," Phó Đại sứ Ishikawa Isamu cho hay.

Tại cuộc họp, đại diện các nhóm công tác đã đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch hành động của giai đoạn 1, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, cũng như thảo luận về phương hướng hợp tác trong một số lĩnh vực trọng tâm như thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á, chuyển đổi xanh, hợp tác đào tạo nhân lực trong ngành bán dẫn…

Phía Việt Nam đề nghị Nhật Bản tăng cường kết nối doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Nhật Bản có thế mạnh như sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn, hydrogen xanh, trí tuệ nhân tạo…; lựa chọn những lĩnh vực trong ngành công nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao để thúc đẩy sự phát triển của hai nước; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp Nhật Bản để đào tạo lực lượng lao động tại Việt Nam…

Phía Nhật Bản cũng đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc biệt để cùng thực hiện một số dự án cụ thể, tiêu biểu; kiến nghị xây dựng mô hình trao đổi, phát triển nguồn nhân lực bán dẫn giữa Việt Nam và Nhật Bản; hướng dẫn thực hiện các văn bản, quy định liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Giai đoạn 1, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 5 nhóm vấn đề chính: thúc đẩy cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á, chuyển đổi xanh (AZEC/ GX); thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư./.

Theo TTXVN

Chia sẻ