| 18-11-2023 | 10:46:27

Cuộc chuyển giao thế hệ tại Singapore

Khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo sẽ bàn giao quyền lãnh đạo cho Phó Thủ tướng Lawrence Wong vào tháng 11-2024, một nhà lãnh đạo mới đã thực sự lộ diện.

Quá trình trắc trở

Singapore là quốc đảo nhỏ bé nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Từ khi thành lập vào năm 1965 tới nay, quốc đảo này dưới sự lãnh đạo hoàn toàn của đảng Hành động Nhân dân (PAP) do nhà sáng lập đất nước, thủ tướng đầu tiên và cũng là nhà sáng lập PAP, ông Lý Quang Diệu lãnh đạo.

3 thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Singapore.

Hệ thống chính trị do ông Lý Quang Diệu thiết lập cho phép PAP nắm quyền điều hành đất nước và thực hiện những cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo thành công trong quá khứ. Thủ tướng Singapore hiện tại, ông Lý Hiển Long là nhà lãnh đạo thế hệ thứ 3 của Singapore, đồng thời cũng là con trai cả của ông Lý Quang Diệu. Ông Lý Hiển Long lên làm thủ tướng từ năm 2004 đến nay và tiếp nối thành công của cha mình khi duy trì vị trí lãnh đạo Singapore trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên, vào năm 2016, sự kiện ông Lý Hiển Long bị ngất xỉu khi đang phát biểu trên truyền hình báo hiệu những vấn đề sức khỏe của ông đã thúc đẩy một cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Cuộc chuyển giao sang thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Singapore bắt đầu từ năm 2017 khi ông Lý Hiển Long thông báo kế hoạch của mình muốn nghỉ hưu trước tuổi 70 vào năm 2022. Khi đó, nhà lãnh đạo được định hình kế vị ông Lý đã được xác định là Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam. Tuy nhiên, ông Tharman sớm từ bỏ cơ hội này khi ông nói rằng không “hứng thú” với vị trí thủ tướng. Vị phó của ông Lý trong thời gian dài hiểu rằng mình chỉ đại diện cho cộng đồng gốc Ấn thiểu số, khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng lớn trong một nền chính trị chủ yếu do những người gốc Hoa lãnh đạo. Sau đó, ông Tharman rời khỏi chính phủ vào năm 2019 để rồi trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử tháng 9/2023, một vị trí có tính biểu tượng hơn là thực quyền lãnh đạo.

Những nhân vật được đưa vào danh sách lựa chọn của PAP sau đó là Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Chan Chun Sing và Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung. Tuy nhiên, cuộc chuyển giao diễn ra khá chậm chạp khi ông Lý công khai tuyên bố trên truyền hình vào tháng 10/2017 rằng ông “chưa chọn được người kế vị rõ ràng” dù “người kế nhiệm ông có thể đã có mặt trong nội các”.

Chính điều này đã khiến những lãnh đạo lão thành của PAP tỏ ý không hài lòng. Tháng 12/2017, Bộ trưởng danh dự và cựu Thủ tướng Goh Chok Tong lần đầu tiên công khai bày tỏ ý kiến riêng về việc lựa chọn lãnh đạo kế tiếp. Trả lời báo chí vào ngày cuối cùng của năm 2017, ông Goh Chok Tong đã đánh giá việc lựa chọn lãnh đạo thế hệ thứ 4 “là một thách thức cấp bách”, đồng thời hy vọng thủ tướng tiếp theo có thể được chỉ định “trước khi năm 2018 kết thúc”. Việc lựa chọn nhà lãnh đạo trở nên rõ ràng vào tháng 5/2019 khi ông Heng Swee Keat lên thay thế ông Tharman giữ chức Phó Thủ tướng Singapore. Lời hứa chuyển giao trước năm 2022 của ông Lý dường như sẽ có cơ sở để thực hiện ngay sau cuộc bầu cử năm 2021.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng nổ trong năm 2020-2021 đã một lần nữa làm thay đổi kế hoạch. Ông Lý Hiển Long tiếp tục nằm quyền điều hành đất nước do những khó khăn sau đại dịch. Điều này đã dẫn đến hệ quả là ông Heng Swee Keat cũng muốn rút ra khỏi vị trí ứng cử viên khi thấy thời gian của mình không có nhiều. Trong bức thư gửi lên ông Lý vào ngày 8/4/2021, ông Heng bày tỏ: “Chỉ một chặng đường quá ngắn nếu trở thành thủ tướng tiếp theo”. Thời điểm đó, ông Heng đã 60 tuổi và cuộc lựa chọn “người kế vị” phải khởi động lại.

Người được chọn

Ông Lawrence Wong sinh năm 1972, là một cựu thư ký của ông Lý trong giai đoạn đầu tiên ông Lý lên làm Thủ tướng Singapore trước khi bước vào chính trường. Ông Wong từng giữ nhiều chức vụ trong nội các Singapore từ năm 2011 tới nay và bắt đầu được chú ý khi nhận vị trí người đứng đầu lực lượng đặc biệt chống COVID-19 của chính phủ. Việc thường xuyên xuất hiện trước công chúng trong giai đoạn này cùng những thành công nhất định của Singapore trong cuộc chiến chống COVID đã đem đến lợi thế cho ông Wong trước những ứng viên khác khi vấn đề tìm “người kế vị” được khơi lại vào năm 2021.


Ông Wong được chú ý khi dẫn đầu chiến dịch chống COVID-19.

Một cuộc bầu chọn đặc biệt trong nội các Singapore vào ngày 16/4/2022 đã đem đến kết quả áp đảo cho ông Wong để đưa ông trở thành người đứng đầu của thế hệ lãnh đạo thứ 4. Truyền thông Singapore cho biết, 15 trên 19 lá phiếu trong nội các bao gồm cả của các lãnh đạo hàng đầu như Thủ tướng Lý, ông Tharman và ông Heng đã dành cho ông Wong. Theo phó giáo sư Eugene Tan từ Đại học Quản lý Singapore (SMU) thì kết quả cho thấy “sự đồng thuận rất mạnh mẽ” về việc ông Wong là người đứng đầu trong thế hệ thứ 4 và cuộc chuyển giao đã diễn ra sau đó. Ngày 6/6/2022, ông Wong được bầu làm Phó Thủ tướng Singapore. Ngày 26/11/2022, ông Wong cùng hai người nữa là Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing và Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia Desmond Lee (hai ứng viên khác trong cuộc bầu chọn hồi tháng 4) đã được bầu làm Phó Tổng thư ký của đảng PAP.

Tuy vậy, theo các nhà phân tích, vẫn có những lăn tăn nhất định trong việc lựa chọn ông Wong khi khoảng cách thế hệ giữa ông và đương kim thủ tướng là quá lớn (20 năm). Việc ông Wong được lựa chọn trong một cuộc bầu chọn mở cũng đem đến cảm giác ông không phải là sự lựa chọn tuyệt đối của PAP. Với việc các ứng cử viên không thể bỏ phiếu cho chính mình, điều này có nghĩa là có 3 người đã không bỏ phiếu cho ông Wong, một sự thiếu thống nhất hiếm hoi ở ban lãnh đạo của PAP nếu nhìn lại những cuộc bầu chọn trong lịch sử khi ông Lý hay ông Goh Chok Tong đều nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.

Năng lực công vụ là điều ông Wong đã thể hiện được nhưng việc có quá ít thời gian làm lãnh đạo cũng khiến ông bị nghi ngờ. Ông Michael Barr, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Flinders và là một chuyên gia phân tích chính trị Singapore hàng đầu, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Singapore: Lịch sử hiện đại” in năm 2019 nhận định: “Nhìn ông Wong, tôi thấy một nhà điều hành giỏi, một cấp phó trung thành chứ không phải là một lãnh đạo đứng đầu”. Nhận định này gợi lên hình ảnh sự nhẫn nại mà ông Wong đã thể hiện trong suốt thời gian dài bao gồm cả thời gian ông làm thư ký riêng cho Thủ tướng Lý Hiển Long.

Sự thiếu nổi bật của ông Wong trong vai trò nhà lãnh đạo hàng đầu, sự “non nớt” của ông trong một nền chính trị coi trọng kinh nghiệm cũng như những gì diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2021 của PAP đã tạo nên những tranh cãi. Quá trình chuyển giao vì thế diễn ra khá chậm chạp. Thậm chí, vào thời điểm tháng 7/2023, khi được hỏi, Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn bỏ ngỏ khả năng sẽ tiếp tục gánh vác trách nhiệm dẫn đầu đảng PAP trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Thế nhưng, ở tuổi 71 và sau 2 lần phải vào viện để điều trị căn bệnh ung thư, thời gian để ông Lý tiếp tục công việc không còn nhiều. Ý thức đến lúc phải dừng lại, mới đây ông Lý đã đưa ra thông báo chính thức về quá trình chuyển giao quyền lực. Hôm 5/11 vừa qua, trong phát biểu trước hơn 1.000 đảng viên tại Hội nghị thường niên của PAP, ông Lý Hiển Long đã xác nhận sẽ bàn giao chức Tổng Thư ký đảng PAP cầm quyền trước sinh nhật lần thứ 70 của PAP vào ngày 21/11/2024 để ông Wong có thời gian chuẩn bị trước cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của đất nước, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 11/2025. Đây là thông báo chính thức đầu tiên về lộ trình chuyển giao của PAP và là thông báo rõ ràng nhất về vị trí kế vị của ông Lawrence Wong.

Tại cuộc họp này, ông Lý nhấn mạnh ông Wong và nhóm nhà lãnh đạo thế hệ thứ 4 đã “cam kết thực hiện nhiều công việc khó khăn và nhiều sáng kiến ​​lớn”, đồng thời “tích cực tuyển dụng nhân lực để củng cố đội ngũ hơn nữa”. Ông Lý cũng nhấn mạnh PAP phải chuẩn bị tốt để thắng cuộc bầu cử 2 năm tới và khẳng định sẽ “phục vụ chính phủ mới”, “đi bất cứ nơi nào (ông Wong) cảm thấy hữu ích”. Sự ủng hộ của ông Lý với tư cách là nhà lãnh đạo trong 20 năm qua đủ lớn để người ta quên đi những gì chưa hoàn hảo của ông Wong.

Và, lại một lần nữa, người ta thấy hình ảnh của một bậc lão thành đứng sau dìu dắt cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Singapore như cách mà cha của ông Lý Hiển Long là cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng làm 30 năm trước. Rõ ràng, dù nhà lãnh đạo tiếp theo của đảo quốc sư tử có là ai, chúng ta vẫn sẽ thấy thấp thoáng hình bóng của gia tộc họ Lý trong nền chính trị của đất nước này trong nhiều năm nữa.

Theo CAND

Chia sẻ