| 29-02-2024 | 10:49:14

Cuộc đào tẩu bí ẩn của nhân viên mật mã Viktor Sheymov

Đầu những năm 1980, trong số các nhân viên tình báo Liên Xô và Bộ Ngoại giao Liên Xô, xu hướng “lặng lẽ” đi làm thuê cho kẻ thù trở nên phổ biến. Trong giới chuyên môn, những người này được gọi là điệp viên “hai mang”. Tiếp tục giữ những chức vụ danh giá trong giới tình báo Liên Xô, họ thực chất đã làm việc cho ngoại bang, thường xuyên chuyển những thông tin cực kỳ giá trị ra nước ngoài.

Mất tích

Mùa hè năm 1980, các nhân viên an ninh Liên Xô được cung cấp những bức ảnh gia đình Sheymov mất tích: Viktor, Olga và cô con gái 5 tuổi của họ. Để kích thích việc tìm kiếm, người ta tung tin đồn rằng ông chủ gia đình là cán bộ quan trọng của Ủy ban An ninh Quốc gia - KGB. Trên cơ sở đó, Cục điều tra của KGB đã khởi tố vụ án hình sự.

Việc tìm kiếm gia đình Sheymov trùng với một vụ án hình sự khác. Tháng 12/1980, các nhân viên phòng bảo vệ ga tàu điện ngầm “Zhdanovskaya” ở Moscow đã sát hại Thiếu tá Afanasyev, Phó trưởng Ban Thư ký KGB. Vào tháng Giêng, các hung thủ đã bị bắt.


Nhân viên mật mã Viktor Sheymov.

Một tên trong số đó đã tiết lộ về vụ sát hại một gia đình nào đấy. Tại KGB,  xuất hiện giả thuyết về sự liên quan của những kẻ bị bắt với vụ mất tích của gia đình Sheymov. Quân khu Moscow đã điều hai trung đoàn lính nghĩa vụ tìm kiếm xác của họ trong khu rừng gần ga “Zhdanovskaya”, nhưng không có kết quả.

Viktor Sheymov sinh năm 1946 ở Moscow trong một gia đình Do Thái. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Cao cấp Moscow mang tên Bauman, y vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học của Bộ Quốc phòng, nơi y nghiên cứu hệ thống dẫn đường tên lửa từ các vệ tinh không gian. Ở đó, các nhà tuyển mộ của  KGB đã để mắt tới y và mời làm chuyên gia về hệ thống mã hóa. Năm 1971, Sheymov bắt đầu làm việc tại bộ phận bí mật nhất của KGB - Tổng cục VIII - chịu trách nhiệm về công tác thông tin liên lạc của chính phủ.

Sheymov chuyên trách về bảo vệ thông tin liên lạc được mã hóa của các đại sứ quán và các cơ sở tình báo đối ngoại của KGB ở nước ngoài. Công việc ở Tổng cục VIII được trả lương cao và có uy tín. Đồng thời, cuộc sống của các nhân viên mật mã cũng rất vất vả, vì lao động nặng nhọc và nhiều áp lực.

Tại Tổng cục VIII, Sheymov được thăng  chức Trưởng phòng giám sát thông tin liên lạc mã hóa của các đại sứ quán Liên Xô. Về mặt đảng, y được giữ chức vụ Phó bí thư chi bộ. Tuy nhiên, mặc dù thu được một số thành tích, y luôn luôn cảm thấy không hài lòng. Cảm giác này, như về sau y thừa nhận trong hồi ký của mình, “đã biến thành sự phủ nhận tất cả những gì thuộc về Liên Xô”.

Tiếp tục sống như thế nào? Thích nghi, làm công việc của mình và nhắm mắt lại, chờ đợi mọi thứ tự thay đổi? Xin từ chức và nói lời tạm biệt với KGB? Công khai phản đối chế độ, như viện sĩ Sakharov chăng?..

Chọn phương án hợp lý nhất

Tỉnh táo cân nhắc các khả năng của mình, Sheymov đã chọn phương án hợp lý nhất, mặc dù rủi ro nhất về mọi mặt - chạy sang phương Tây. Vấn đề là chạy như thế nào? Chỉ còn cách duy nhất: liên hệ với cơ quan tình báo lớn - MI.6 hoặc CIA. Tốt nhất là CIA.

Và số phận đã ban cho Sheymov một cơ hội như vậy trong chuyến công tác tới Đại sứ quán Liên Xô ở Ba Lan.

Ngày 31/10/1979, tại Warsaw, sau khi đánh lừa một nhân viên bảo vệ của Đại sứ quán Liên Xô, Sheymov đã bí mật tìm đường đến Đại sứ quán Mỹ, và ngay lập tức được các nhân viên CIA mở rộng vòng tay chào đón, khi y tự giới thiệu chức vụ của mình.

Một số câu hỏi kiểm tra được đặt ra. Ai là người đứng đầu đường dây “X” - tình báo khoa học kỹ thuật? Chức vụ và mức lương của ông? Ông đang làm gì ở Moscow? Vào đảng lâu chưa và hoạt động trong hệ thống KGB được bao nhiêu năm? Sau khi ghi lại địa chỉ nhà và số điện thoại của vị khách, các nhân viên CIA mời Sheymov sang Mỹ ngay. Nhưng y đưa ra điều kiện: gặp riêng nhân viên liên lạc sau khi trở về Moscow và tổ chức đưa cả y, vợ và con gái nhỏ sang Mỹ.

Theo thừa nhận của “Sapphire” (mật danh của CIA đặt cho Sheymov), ở Moscow y chỉ được gặp các nhân viên CIA 3 lần, hoạt động dưới vỏ bọc Đại sứ quán Mỹ. Các cuộc gặp gỡ diễn ra ở bể bơi Moscow để tránh sự theo dõi của các nhân viên an ninh.

Tại các cuộc gặp gỡ, Sheymov chỉ cung cấp những thông tin nhỏ giọt về công việc của mình. Y dứt khoát từ chối tiết lộ những bí mật chiến lược, vì sợ rằng trong trường hợp đó, người Mỹ sẽ buộc y ở lại Liên Xô với tư cách là điệp viên “hai mang”.

Trong cuộc gặp thứ hai, nhân viên liên lạc thông báo với Sheymov rằng Tổng thống Mỹ và ban lãnh đạo CIA đã cho phép tổ chức cuộc đào tẩu. Người ta chỉ yêu cầu Sheymov chuyển những bức ảnh để làm thủ tục giấy tờ và cung cấp đầy đủ thông tin về bản thân và các thành viên trong gia đình. Sheymov nghĩ rằng họ sẽ được đưa ra nước ngoài bằng đường biển. Tuy nhiên, nhân viên liên lạc không xác nhận cũng không phủ nhận suy đoán đó, chỉ yêu cầu một điều: không được vội vàng và chờ tín hiệu.

Nhận được sự cam kết, Sheymov và vợ, lúc đó đã được thông báo về kế hoạch của chồng, bắt đầu tích cực chuẩn bị cho việc chạy trốn. Chẳng hạn, Olga ngay lập tức dọn đi một số thứ trên gác lửng, thị muốn mang theo cuốn album gia đình và những đồ vật yêu thích từ thời thơ ấu, nhưng Sheymov rất dứt khoát: không được làm gì chứng tỏ họ đang chuẩn bị chạy trốn.

Vốn là kẻ khôn lỏi, Sheymov đã nảy ra ý nghĩ biến vụ mất tích thành tai nạn bất ngờ, khiến cả gia đình bị chết. Điều này có thể loại trừ sự khả năng KGB truy nã bố mẹ họ. Nhưng điều quan trọng là không gì có thể buộc chính quyền ngay lập tức thực hiện các biện pháp quyết liệt để thay thế hoặc sửa đổi toàn bộ thông tin kỹ thuật mà kẻ phản bội định chuyển cho người Mỹ.

Để bố mẹ ở lại ư, điều gì sẽ xảy ra với họ? Vào sinh nhật của mình, Victor ghé qua nhà bố mẹ và như thể tình cờ nói: “Mẹ ơi, con sắp đi công tác xa… Một chuyến đi khó khăn, thậm chí có phần nguy hiểm. Con xin mẹ đừng tin, nếu nghe người ta nói con đã chết. Đừng tin cho đến khi mẹ nhìn thấy xác  con". Người mẹ rất ngạc nhiên, nhưng cũng không dám hỏi han gì - công việc của con trai bà vốn như vậy.

Lên đường

Hai vợ chồng quyết định tổ chức cuộc chạy trốn vào ngày thứ Sáu, phía trước là hai ngày nghỉ thứ 7 và Chủ nhật. Để đánh lạc hướng những kẻ có thể truy đuổi họ, Olga mua vé tàu hỏa tuyến Moscow-Uzhgorod, còn Viktor báo cáo với cấp trên rằng y sẽ đến thăm bạn ở nhà nghỉ ngoại ô, nơi không có kết nối điện thoại.

Vào lúc 22:30 thứ Sáu, một máy bay vận tải quân sự của NATO cất cánh từ sân bay Vnukovo. Chiếc máy bay này hạ cánh ở Moscow hôm trước để nhận vài tấn thiết bị điện tử hết hạn sử dụng từ Đại sứ quán Mỹ. Được hóa trang và mặc quân phục Mỹ, Viktor Sheymov ngồi trên ghế phi công phụ. Vợ và con gái y được đưa lên máy bay trong container. 

Hôm nay, chúng ta không rõ ban lãnh đạo KGB không biết gì về vụ chạy trốn của Sheymov trong bao lâu. Những tuyên bố về vấn đề này của các cựu lãnh đạo KGB cũng trái ngược nhau. Theo V.A. Kryuchkov, cựu Chủ tịch KGB của Liên Xô, sau khi V.I. Fedorchuk được bổ nhiệm làm Chủ tịch KGB, vụ mất tích của nhân viên mật mã Sheymov với vợ và con của y đã được điều tra lại. Các cán bộ phản gián nhất quyết khẳng định giả thuyết cả gia đình bị sát hại và bác bỏ giả thuyết người Mỹ đưa họ ra khỏi Liên Xô.

Logic mách bảo rằng chỉ sau khi Đại tá Viktor Cherkashin tuyển mộ nhân viên CIA Aldrich Ames vào tháng 4/1985, người ta mới xác định được Sheymov và gia đình y đã chạy trốn sang Mỹ vào tháng 5/1980.


Sheymov - Sapphire sau khi làm phẫu thuật thẩm mỹ.

Đến Mỹ, gia đình Sheymov được bố trí trong một ngôi nhà nhỏ hai tầng ở ngoại ô Washington. Tiền thuê nhà, vườn, thực phẩm và người hầu - tất cả đều do CIA chi trả. Viktor được thay đổi ngoại hình bằng phẫu thuật thẩm mỹ và trao huy chương. Ngoài ra, y còn được bộ luật liên bang Mỹ bảo vệ.

Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, những người bảo trợ CIA không thể thể hiện Sheymov là một chiến sĩ quên mình chống lại chế độ Xôviết, tức là việc phong thánh cho kẻ phản bội đã không xảy ra.

Phillip Knightley, nhà nghiên cứu có uy tín về hoạt động của các cơ quan tình báo phương Tây nhận xét trên tạp chí “Toàn cảnh”: “Hoạt động gián điệp vụ lợi của Sheymov được CIA trả giá hậu hĩnh, dựa vào ý đồ của khách hàng (CIA) để mua hàng hóa (thông tin) và mong muốn của người bán (Sheymov) để nhận tiền. Những động cơ tư tưởng và chính trị từng dẫn dắt các thành viên “nhóm gián điệp nguyên tử”: Enrico Fermi, Klaus Fuchs hay các thành viên của “Cambridge Five”: Kim Philby, Guy Burgess, Donald Maclean, John Cairncross, Anthony Blunt, quả là xa lạ đối với gã nhân viên mật mã phản bội".

Vào cuối những năm 1980, với mục đích biện minh cho sự phản bội của mình trong con mắt công chúng Mỹ, Sheymov đã đưa ra một số tiết lộ giật gân. Cụ thể, y tuyên bố rằng từ các tài liệu của KGB mà y, với tư cách là một nhân viên mật mã, được sử dụng, y biết rằng chính cơ quan này đã tổ chức vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II năm 1981 và Tổng thống Pakistan Zia ul-Haq năm 1988.

Tuy nhiên, những tiết lộ của Sheymov thất bại hoàn toàn. Bởi các nhà báo Mỹ am hiểu về các cơ quan tình báo chuyên theo dõi hành tung của nhân viên mật mã này đều biết rằng kể từ tháng 5/1980, y không liên quan gì đến KGB và không được phép sử dụng bất kỳ tài liệu mật nào.  Sau đó, năm 1993, nhà xuất bản Naval Institute Press đã công bố cuốn sách của Sheymov bằng tiếng Nga “Tháp bí mật: Truyện trinh thám tài liệu”, trong đó y kể về công việc của mình ở KGB và cuộc đào tẩu sang Hoa Kỳ.

Và một lần nữa y lại nếm mùi thất bại. Ngay cả những nhà phản biện Mỹ ở tờ “Washington Post” cũng tìm thấy trong cuốn sách “lòng tự ái, chiều sâu và tình yêu bền vững mà tác giả dành cho chính mình. Sheymov đã bịa ra kế hoạch chạy trốn. Đã thực hiện nó bất chấp mọi trở ngại. Đã chơi trội cả CIA lẫn KGB, chứng mình cho cả hai cơ quan tình báo thấy tài nghệ của mình...”.

Sau chiến dịch phê phán trên báo chí Mỹ, Sheymov hoàn toàn rời khỏi sân khấu. Y qua đời ở Mỹ năm 2019 vì bệnh xơ gan - hậu quả của việc uống quá nhiều Scotch Whisky.

Theo CAND

Chia sẻ