Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đời sống bà con đồng bào Chăm ở huyện Dầu Tiếng ngày một nâng lên. Bên cạnh đời sống vật chất ấm no, đời sống tinh thần của người Chăm (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) được quan tâm giữ gìn và phát triển. Lời ca, tiếng hát, điệu múa đã gắn kết mọi người với nhau tạo nếp sống văn hóa đặc trưng người Chăm nơi đây.
Trang phục Chăm truyền thống của đội văn nghệ làng Chăm xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng
Làng Chăm hiền hòa
Nằm bên hồ Dầu Tiếng hiền hòa, làng Chăm hiện có 97 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu, đa số theo đạo Hồi. Kinh tế bà con ở đây chủ yếu phát triển vườn cây cao su, điều và một số loại cây khác, một vài hộ sống bằng nghề đánh bắt cá. Người đầu tiên chúng tôi trò chuyện đó là anh Kho Sanh. Vui vẻ, cởi mở là những gì chúng tôi cảm nhận được về anh. Anh Kho Sanh hiện là Phó giáo cả Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo. Anh cho biết: “Trong năm, làng Chăm có 2 sự kiện lớn, đó là lễ mừng xả chay tháng Ramadan diễn ra vào tháng 6 và lễ hành hương Hadi diễn ra trong 3 ngày của tháng 10… Với thông điệp cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Nhờ đó, những năm gần đây, đời sống của người Chăm đã được nâng lên. Kèm theo đó, việc hưởng thụ về những giá trị tinh thần cũng là nhu cầu cần thiết. Trong đó, phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao của làng đã thu hút nhiều người tham gia. Nhất là thanh niên trong làng”.
Gìn giữ và phát huy nét đặc sắc văn nghệ người Chăm
Người Chăm luôn mang trong máu của mình một tâm hồn văn nghệ dân tộc đặc biệt. Nghệ thuật truyền thống luôn được người Chăm nuôi dưỡng, trân trọng và liên tục truyền cho nhau từ bao đời nay. Qua trao đổi, anh Azit (40 tuổi) là người tâm huyết với phong trào văn hóa văn nghệ của người Chăm, anh cho biết: “Quê ở An Giang, năm 2000 anh đến đây (làng Chăm) lập nghiệp. Vì đam mê văn nghệ nên anh cũng thường xuyên tham gia hội diễn, liên hoan trong và ngoài tỉnh”. Hiện tại, làng Chăm chưa có đội văn nghệ nhưng mỗi lần tham gia hội thi, hội diễn hay liên hoan, anh tập hợp nhiều “ca sĩ, nghệ sĩ” có máu văn nghệ lại để tập luyện. Hiện trong làng có khoảng 10 thanh niên chủ yếu là nam tham gia luyện tập”. Kỷ niệm sâu sắc nhất trên con đường đam mê văn nghệ đó là năm 2006, anh cùng với đội văn nghệ của làng hơn 20 người tham gia liên hoan do tỉnh tổ chức. Dịp đó, anh đoạt giải khuyến khích. Những bài hát anh hay hát, anh yêu thích nhất là bài “Người Chăm nhớ ơn Bác” của nhạc sĩ Hadi Musa, trong đó có đoạn “muôn đời người Chăm luôn nhớ ơn/ Bác Hồ gian khổ đi tìm tự do”. Hay là bài hát “Tohara” hát về người lính đi chiến trường… bảo vệ nhân dân, bảo vệ quê hương.
Bên cạnh đó, múa Chăm cũng phong phú và độc đáo. Nét đặc trưng của múa Chăm nhằm phô diễn vẻ đẹp của con người, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày… Anh Azit cho biết thêm, để lưu truyền những giá trị văn hóa tinh thần người Chăm, chúng tôi mong được sự quan tâm hơn nữa cả về cơ sở vật chất để làng có sân chơi, đồng thời phát huy bản sắc của văn hóa người Chăm.
“Mặc dù còn khó khăn về cơ sởvật chất nhất là nơi sinh hoạt, trang phục biểu diễn... nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao nhằm tạo sân chơi phong phú cho người Chăm…”, anh Bùi Đình Phúc, Ủy viên Văn hóa xã hội, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Minh Hòa cho biết.
LÊ VÕ