Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh- Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ.
Ngày 22-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, đa số các đại biểu cho rằng kết quả kinh tế - xã hội cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Điều này rất đáng trân trọng và đây là động lực tích cực cho mục tiêu kế hoạch 5 năm.
Yêu cầu tái cấu trúc mạnh hơn
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh các yếu tố bất định và bất ổn khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo xuống thấp. Trong khi đó, lạm phát tăng cao, xung đột giữa Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) duy trì cắt giảm sản lượng, xung đột năng lượng tại châu Âu gia tăng và chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc… là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực, cản trở dòng vốn đâu đầu tư toàn cầu.
Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân cảnh báo năm 2022, ảnh hưởng từ những chính sách nới lỏng tiền tệ trên thế cộng thêm xung đột Nga – Ukraine đã thổi bùng “cơn sóng” lạm phát toàn cầu đạt đỉnh cao nhất kể từ 30-40 năm qua (lạm phát tại các quốc gia phát triển tăng 9%-10%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu bình quân 2% đặt ra). Theo đó, “liều thuốc đắng” - tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ đã được “kê đơn” đồng thời kéo nhiều quốc gia rơi vào suy thoái.
Trong bối cảnh đó, ông Ngân cho rằng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ các yếu tố bất ổn do nền kinh tế có độ mở lớn, cụ thể tác động về chính sách tiền tệ (trong đó có chính sách tỷ giá).”
Đại biểu đã nhắc lại bài học về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 và cho rằng chính sách điều hành phải xem lại với yêu cầu tái cấu trúc mạnh hơn đối với thị trường tài chính và bất động sản.
Theo ông Ngân, thị trái phiếu là kênh huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, thể chế cần phải được hoạch định rõ ràng, nhằm đảm bảo cho tài sản cho người dân và công tác điều hành cần đẩy nhanh xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém đồng thời thu hút “luồng chảy” đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ưu tiên các dự án có chất lượng
Doanh nghiệp rời bỏ thị trường quá lớn
Đi vào thực tiễn của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Quang Huấn dẫn từ báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, mặc dù tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt mức rất cao, song thực tế việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội) chưa được thành công, đặc biệt là phần gói hỗ trợ lãi suất 2%, hiện mới giải ngân được 13,5 tỷ đồng/16.055 tỷ (tức là chưa được 1%).
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh chính sách thì có nhưng việc triển khai gói hỗ trợ lại rất chậm. Doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng không nhận được sự tiếp sức dẫn đến đóng cửa. Điều này có thể thấy qua số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng là khá lớn với 112,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021 (bình quân hơn 400 doanh nghiệp ra khỏi thị trường mỗi ngày).
Về việc thực hiện giải ngân theo Nghị quyết 43 còn chậm, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng cần đánh giá lại khâu tổ chức thực hiện. Chính sách Nhà nước rất nhanh chóng nhưng trong thực tế - doanh nghiệp và người dân tiếp cận các nguồn vốn, các gói hỗ trợ còn khó khăn. Giải quyết được các điểm nghẽn này, đây sẽ là động lực rất lớn của quý 4 và tạo tiền đề rất cao cho thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
Ông Chiến đề nghị Chính phủ đánh giá các chính sách, rà soát gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp để các chính sách sớm đi vào thực tiễn.
Có chung quan điểm trên, ông Thuấn cũng kiến nghị: “Chính phủ nên nghiên cứu đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ này trong thời gian tới để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.”/.
Theo TTXVN