Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ảnh minh họa
2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai giảng dạy sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.
Tuy nhiên trên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 của các tỉnh, thành phố lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Điều này gây khó khăn cho các nhà xuất bản trong việc cung ứng sách giáo khoa theo chương trình mới để kịp phục vụ khai giảng.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lựa chọn sách giáo khoa mới của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng (tức là trước 5/4). Song, đa số các địa phương đều phải đến tháng 5, 6 mới công bố danh mục sách giáo khoa sẽ sử dụng. Một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai… cuối tháng 6 mới chính thức công bố.
Thậm chí, có tỉnh, thành phố kéo dài đến tận tháng 7 như: Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình ngày 13/7 mới ban hành Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các địa phương có số lượng học sinh cấp Trung học Phổ thông đông nhất cả nước nhưng đến ngày 18/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố mới ban hành văn bản phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2022-2023.
Đặc biệt, 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp Trung học Phổ thông đối với lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp. Học sinh sẽ không học toàn bộ các môn bắt buộc như chương trình hiện hành. Các em sẽ học 8 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn từ 9 môn còn lại.
Thời điểm này, các nhà trường vẫn đang tư vấn, hướng dẫn học sinh để lựa chọn các môn học phù hợp. Do vậy, các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương.
Lường trước thực tế này, các nhà xuất bản đã bám sát thông tin từ phía các địa phương để nắm bắt cụ thể số lượng từng tên sách, số lượng cần cung ứng, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện (về vật tư, nhà in…) để triển khai in cuốn chiếu ngay, đảm bảo cung ứng sách giáo khoa đầy đủ, kịp thời.
Theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đối với sách giáo khoa phục vụ học sinh theo chương trình hiện hành (chương trình 2000), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc in, nhập kho 55 triệu bản, đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến các nhà trường, học sinh, giáo viên, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, "sốt" sách.
Về công tác chuẩn bị sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 mới, đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc in, nhập kho được 45,5 triệu bản, khoảng 96,8% sản lượng dự kiến. Đồng thời, nhà xuất bản đã cung ứng tới các địa phương hơn 69,3 triệu bản sách giáo khoa các lớp 1,2,3,6,7,10, đạt 85% so với kế hoạch đặt hàng sách giáo khoa của các địa phương.
Cũng theo đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do đặc thù của sách giáo khoa lớp 10 năm nay nên các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ sẽ hạn chế nhập hoặc không nhập đủ các tên sách do không nắm được chính xác nhu cầu sử dụng trên địa bàn. Vì vậy, có thể xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ một số tên sách cụ thể.
Để giải quyết tình huống này, các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo, học sinh có thể đến mua sách tại các địa chỉ thuộc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Phụ huynh và học sinh có thắc mắc về nhu cầu mua sách giáo khoa có thể gọi đến đường dây nóng (0344181018) để được hỗ trợ. Đường dây nóng được duy trì từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày trong khoảng thời gian từ ngày 15/6 -15/9/2022, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đảm bảo đủ sách giáo khoa phục vụ năm học 2022-2023 cho học sinh cả nước, đồng thời, thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần đảm bảo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã triển khai chương trình tặng sách giáo khoa với chủ đề "Cùng tiếp bước em tới trường."
Chương trình đã và đang được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để mang sách giáo khoa đến với học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới, với tổng số 50.000 bộ sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 (sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới) được trao tặng, trị giá trên 10 tỷ đồng.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản về thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 năm học 2022-2023. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp đầy đủ, kịp thời số lượng đăng ký sách giáo khoa cho các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn trước khai giảng năm học mới 4 tháng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các nhà xuất bản cùng đơn vị liên quan để cung ứng sách giáo đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đến cơ sở giáo dục phổ thông, các đơn vị liên quan, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn trước ngày 15/8; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2022-2023 trên địa bàn./.
Theo TTXVN