| 09-08-2011 | 00:00:00

Dân làng khốn khổ vì ô nhiễm!

Nhìn vào bảng thống kê danh sách bệnh nhân của xã An Điền, Bến Cát người ta không khỏi giật mình, hơn 90% số dân thuộc ấp Tân Lập đang mang trong mình những căn bệnh liên quan tới đường hô hấp. Hỏi ra mới biết chứng bệnh này mới chỉ xuất hiện trong thời gian 5 năm trở lại đây. Theo lời của những người dân ở đây, nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh này là do họ phải chung sống cùng khói bụi của các nhà máy lân cận trong một thời gian dài.

Ồn ào, khói bụi...

Cũng ấp này, khoảng 10 năm về trước, tất cả đều còn hoang sơ, mọi người vui sống trong cảnh quê thanh bình. Nhưng kể từ khi có 1, 2 rồi hàng chục công ty sản xuất và chế biến các mặt hàng công nghiệp về đây, mọi việc dường như bị đảo lộn. Chẳng mấy ai còn nhận ra nét yên ả của xóm ấp ngày nào. Hàng ngày, khói, bụi cứ bốc lên ngùn ngụt từ các nhà máy sơn, gỗ...

  Nước thải của Công ty MDF xả ra ngoài khi vẫn còn đen ngòm và rất hôi

Câu chuyện được bắt đầu từ khi Công ty TNHH GHP International Việt Nam và Công ty Cổ phần MDF về lập trụ sở và xây nhà xưởng hoạt động tại địa phương. Thời gian đầu do công suất hoạt động của các nhà máy tương đối thấp, khói bụi chưa nhiều, nên người dân miễn cưỡng chịu đựng được. Nhưng càng về sau, khói bụi càng mịt mù.

Đã qua rồi những tháng ngày yên tĩnh của một làng quê, Tân Lập ngày nay tiếng máy móc chạy ầm ầm suốt ngày đêm. Chung sống với tiếng ồn đã gần 10 năm, người dân ở đây dường như đã quen với lối sống của vùng ven khu công nghiệp. Nhưng những đứa trẻ thì khác, nửa đêm, chúng cứ dong mắt nhìn mái nhà mãi mà không chịu ngủ, ngủ sao được khi mà kế bên nhà có những cỗ máy chạy “nhạc sóng” cỡ lớn cứ dập lên dập xuống liên tục, ngày cũng như đêm. Chị Phạm Thị Thúy, nhà ở phía sau nhà máy của Công ty TNHH GHP International Việt Nam, phân trần: “Người lớn như mình thì đã quen rồi, nhưng trẻ con nó khó chịu lắm. Chỉ cần 1 tiếng động thôi là cũng đủ làm cho nó thức giấc chứ đừng nói đến cả một cỗ máy chạy ầm ầm bên cạnh”. Tiếng ru của người mẹ 26 tuổi lâu lâu lại bị cắt ngang bởi tiếng xềnh xệch của những cỗ máy gần đó.

Bị người dân phản ánh, các công ty này “tung chiêu” ngụy trang. Ban ngày họ chỉ hoạt động cầm chừng; còn lại, hầu hết mọi việc đều được chuyển vào đêm. Những tưởng, khi màn đêm che mờ đi màu của khói bụi là hết chuyện. Các công ty yên tâm mở hết công suất làm việc, mặc nhiên xả khói bụi ra giữa khu dân cư. Vào những đêm trời nổi gió, khói từ nhà máy thi nhau tràn vào tận phòng ngủ của các hộ dân. Nằm bên mép của Công ty MDF có hơn 10 hộ dân, hàng ngày phải đón nhận sự tra tấn của không biết bao nhiêu đợt khói công nghiệp tỏa vào. Đại gia đình nhà ông Thạch Đắc có hơn 20 người, trước đây rất khỏe mạnh, nhưng vì phải chung sống với khói bụi nhiều quá, nay hết thảy đều mang trong mình chứng viêm xoang, viêm họng. Điều đáng nói là trong hơn 20 người này, có 2 cháu bé phải thường xuyên đi Bệnh viện Nhi Đồng để điều trị các chứng hô hấp. Tuy chỉ 1 tuổi nhưng bé Bùi Thạch Chấn Khang đã phải nằm ở bệnh viện hơn 3 tháng. Nhìn đứa bé nheo nhóc, gầy gò, ít ai nghĩ rằng lúc mới sinh Chấn Khang nặng tới gần 4kg.

Phía cuối ấp, hơn hàng trăm hộ dân cũng ngày đêm chịu sự tra tấn của mùi sơn công nghiệp. Ông Phạm Bá Nhàn, nhà phía sau Công ty TNHH GHP International Việt Nam nói thật mà cứ như đùa: “Sáng sớm mở mắt ra là được tận hưởng mùi “thơm” của sơn, đến tận khuya, trước khi đi ngủ vẫn còn... thơm”.

Chưa có tư liệu nào khẳng định, việc người dân Tân Lập bị viêm xoang là do khói bụi, khí thải của các nhà máy bên cạnh gây ra. Nhưng nếu nhìn vào tình hình sức khỏe của họ trong khoảng thời gian trước và sau khi các nhà máy chuyển về hoạt động tại đây, thì điều đó đã quá rõ. Việc sống chung với khói bụi ô nhiễm của các nhà máy, xí nghiệp trong vùng lân cận đã khiến không ít người bị chứng viêm xoang, viêm họng trước đó bệnh càng thêm nặng; những người trước đó chưa từng, nay cũng nằm trong danh sách viêm hô hấp, viêm họng của trạm y tế xã.

Chúng tôi đang trò chuyện ở nhà bà Đỗ Thị Trà Giang, kế bên nhà máy của Công ty Cổ phần MDF, thì có một làn gió cuốn theo “mùi hắc đặc trưng” (như lời bà Giang nói) kéo đến. Mọi người chẳng ai bảo ai, hết thảy đều đưa bàn tay lên bịt mũi.

Kinh hoàng nước thải...

Theo chân anh Đặng Thanh Tiến, lực lượng dân quân xã An Điền đến cái đìa trũng, nơi xả nước thải của Công ty MDF, tôi mới hiểu sự bức xúc của người dân là hoàn toàn có căn cứ. Trong phạm vi khoảng 1km2, mùi hôi thối của loại nước hóa chất này bốc lên nồng nặc. Băng qua khu đất của anh Nguyễn Văn Dương, chúng tôi đến nguồn, nơi nước thải của Công ty MDF được xả ra. Theo lời người dân ở đây, cái đìa này, ngày xưa là cái gò, Công ty MDF xả nước xuống riết nên giờ nó lõm xuống thành cái đìa.

 Giấy ra viện của ông Phạm Văn Năng, trước đây, ông Năng bị viêm phế quản nhưng đã chữa khỏi được một thời gian. Gần đây, do phải hít phải khói bụi nên bệnh lại tái phát   Thùng phuy nước máy bơm lên để một vài ngày là nước tạo thành lớp cặn có màu đục như cà phê pha loãng

Đi từ cuối đìa đến đầu nguồn xả thải phải mất hơn 100m bì bõm dòng nước đen ngòm, mùi hắc hơn cả axit. Càng gần nguồn nước, mùi hôi bốc lên ngày một nồng nặc hơn, lúc này, anh Tiến đành phải bịt mũi đứng lại chờ tôi quay lại. Đang mon men lại gần ống xả thải của Công ty MDF, thì có một làn gió thổi mạnh đưa mùi nồng của hỗn hợp các loại hóa chất bay vào mặt tôi. Rồi thì dòng nước đen ngòm được tuôn ra từ ống xả thải cũng hiện ra trước mắt tôi.

Chúng tôi quay trở lại bờ bên kia, dưới chân là một dòng nước thải đen ngòm, bì bõm nuốt lấy cả bàn chân. Vừa lên bờ, chúng tôi ghé ngay vào nhà ông Trương Văn Ẩn, tổ 11, ấp Tân Lập, rửa hết 3 lần nước xà phòng nhưng vẫn ngứa. 2 chân của anh Tiến bị gãi nhiều quá, đỏ và sưng lên. Ông Ẩn nói: “Mấy chú liều quá, rau muống tui trồng bị nhiễm nước đó ăn còn đau bụng nữa, nói gì là lội chân xuống đó”. Ông Ẩn nói quả không sai, khi ghé thăm ruộng rau muống của nhà ông Ẩn và một số gia đình kế bên, ruộng rau đã nhuốm màu vàng hươm, cái màu chẳng thể ưa.

Nước trong ruộng ô nhiễm đã đành, ngay cả dòng nước bơm từ lòng đất lên cũng chịu chung số phận. Theo lời của hàng xóm, cái giếng khoan nhà ông Ẩn, xưa kia uống rất ngọt, nhưng kể từ khi bị nhiễm nước thải của Công ty MDF, nó đã có màu và mùi khác lạ. Bơm lên, để lắng một lúc là thấy ngay một lớp cặn màu đục cà phê.

Lúc đầu chưa biết, vợ chồng ông Ẩn vẫn lấy nước đó làm đá lạnh, nhưng khi cục đá đã đông lại mới thấy sợ hãi rồi vứt đi. Ông Ẩn kể: “Ngày xưa, khi cục đá lạnh đã đông nhìn vào nó trong suốt, vậy mà giờ nó lại có thêm một lớp cặn màu cà phê nữa”.

Chẳng riêng gì gia đình ông Ẩn, hơn 30 hộ dân tổ 11 và tổ 8 cũng chịu chung số phận. Đối với 16 hộ sống ở phía sau Công ty TNHH GHP International Việt Nam việc sống cảnh đi chở nước đã quá đỗi quen thuộc. Dù là nước ăn, uống  hay tắm rửa, đều được chở từ một cái giếng cách đó hơn 1km. “Còn những cái giếng khoan thì cứ để đó mà trưng bày”, ông Nhàn nói.

ĐÌNH THẮNG

Theo biên bản xử lý của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bến Cát thì Công ty TNHH GHP International Việt Nam và Công ty Cổ phần MDF phải đóng cửa, di dời và xử lý ngay các vấn đề về âm thanh, khí thải và mùi hôi. Nhưng chuyện đâu vẫn vào đó, người dân vẫn phải chịu sự tra tấn của hỗn hợp các loại khí thải, mùi hôi và âm thanh hoạt động của máy móc. Về phần nước ngầm nhiễm màu và mùi hôi đã được Phòng Tài nguyên - Môi trường Bến Cát chuyển các cơ quan chức năng xem xét.

Theo lời kể của người dân tổ 11, tuy đã bị nhắc nhở, xử lý nhiều lần, nhưng Công ty MDF vẫn thường xuyên lợi dụng những lúc trời mưa to để xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài khu dân cư. Nhà anh Nguyễn Văn Dương nằm trong miếng đất đầu nguồn của hướng chảy nước thải. Anh Dương kể: “Cứ mỗi lần trời mưa to, là tui lại thấy có nước đen ngòm, hôi mùi hóa chất chảy quanh nhà”. Ngoài ra, còn nhiều hộ dân phản ánh về tình trạng nước thải của Công ty MDF chảy lênh láng trên mặt đường khi trời mưa. Ông Phạm Văn Năng, người dân tổ 11 khẳng định: “Nước mưa không thể đen và hôi như vậy được”.

Chia sẻ