Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nếu 36 năm trước, chàng trai trẻ Nguyễn Quang Trên từng giẫm khắp các cánh rừng ở Phú Giáo, Bến Cát để truyền tin, hoạt động ngay trong lòng địch; thì khi tuổi đã xế chiều, vẫn đôi chân ấy ngày đêm len lỏi trên từng con hẻm, thuộc lòng từng số nhà để đến với nhiều mảnh đời bất hạnh. Đã nhiều năm nay, ông luôn dành cho họ một sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc. Không ít những người tha phương xem ông như người thân, người cha thứ hai của mình.
Ông Trên đang ân cần thăm hỏi sức khỏe của thầy Vũ
Một đêm mưa tầm tã giữa tháng 7 năm 2010, sau khi nhận được điện thoại từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông báo đang cần gấp một lượng máu cứu người, ông liền gật đầu nhận lời. Trong phút chốc, ông đánh thức 3 người con trai đang ngon giấc lên đường. Đoạn từ ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, Phú Giáo về Bình Dương với ông lúc này như dài hơn, xa hơn. Cơn mưa mỗi lúc càng nặng hạt, gió tạt mạnh, nhưng cơ thể ông lại thấy nóng. Miệng vẫn luôn miệng giục các con chạy nhanh, nhanh hơn nữa. Bởi hơn ai hết, ông biết lúc này sinh mạng kia đang như “đèn treo trước gió”, rất cần được giúp đỡ. Chỉ cần cha con ông chậm chân một lúc, coi như mọi chuyện kết thúc. Vừa đến bệnh viện, ông là người đầu tiên xin các bác sĩ được thử máu, sau đó lần lượt đến các con. Và rồi, tổng cộng 6 đơn vị máu của gia đình ông đã “chuyển giao”. Khi nghe các bác sĩ báo tin vui, ông mới cảm thấy bụng dạ bồn chồn đói. Ông và các con của mình vừa cứu sống được một người mà trước đó ông không hề biết nạn nhân là ai, tên gì, ở đâu...
Lập đội hiến máu cứu người
Cứ thế, giọng ông sang sảng vang lên trong căn nhà rộng lớn của mình về những giọt máu nghĩa tình. “Lần nào cũng vậy, chúng tôi luôn nhận được điện thoại vào những thời khắc “đặc biệt” từ các bệnh viện. Nếu mình ngại khó, ngại khổ làm sao giúp được người khác. Chúng tôi làm việc cũng có nguyên tắc, không một thành viên nào trong đội được tiết lộ thân phận khi làm nhiệm vụ. Đã làm việc thiện thì không cần được sự đền đáp, hậu tạ từ người nhà nạn nhân” - ông Trên vui vẻ nói.
Hàng chục bằng khen mà chính quyền địa phương trao tặng đã tiếp thêm sức mạnh cho ông Trên rất nhiều trong việc làm từ thiện
Cách đây chừng vài năm, ông cùng các con mình thỉnh thoảng tham gia chương trình hiến máu nhân đạo (HMNĐ) cứu người do địa phương phát động. Những đêm thao thức, nằm gác tay nhớ lại không ít người ở xa tận trời Âu lại sang Việt Nam góp tiền làm từ thiện, xây bệnh viện cứu người? Và, còn đó hình ảnh về những trận đánh ở chiến trường Campuchia ác liệt, không ít đồng đội của mình đã ngã xuống vì thiếu máu cung cấp, phải làm một việc thật có ích! Nghĩ là làm, ông đã quyết định thành lập Đội HMNĐ do mình chủ trì.
Sau những ngày trăn trở, ông chạy khắp nơi để thuyết phục từng bạn bè, người thân. Đầu năm 2006, Đội HMNĐ của ông đã chính thức ra mắt, nhưng số thành viên ban đầu vẫn chưa đạt con số 10. Tuy nhiên, dưới sự nhiệt tình, tận tâm của ông đã cứu được rất nhiều sinh mạng “thập tử nhất sinh”, đã làm lay chuyển nhiều trái tim nhân ái gần xa. Đến nay, số thành viên trong đội đã lên đến 30 người. Những thành viên này hiện đang sinh sống khắp các huyện, thị trong tỉnh, khi cần, họ lập tức có mặt. “Những người nhận máu từ đội chúng tôi đa phần là những bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có tiền mua máu. Đó có thể là những người công nhân tỉnh lẻ, những anh chạy xe ôm, phụ hồ khi gặp chuyện không may” - ông Trên tâm sự.
Trải lòng làm việc thiện
Trời càng về trưa, ông dần gác lại những câu chuyện về bản thân và giục chúng tôi lên đường. Nơi đến là những người nghèo, bệnh nhân trong xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là những giáo viên tỉnh lẻ, những phụ nữ đơn chiếc, những em học sinh hiếu học... đang mắc bệnh hiểm nghèo. Ông rất vui khi hay những người nghèo của mình cũng sớm được đăng tải trên mục nhân đạo của báo. Qua đó, sẽ có nhiều Mạnh Thường Quân, những người giàu lòng nhân đạo như ông sẽ cùng góp công, góp sức.
“Không có bác Trên không biết đến bây giờ tôi có còn sống trên cõi đời này hay không. Cái ơn của bác ấy dành cho tôi quá lớn” - Thầy Bùi Phạm Vũ, trường THPT Tân Bình (Tân Uyên) nghẹn ngào nói về vị ân nhân của mình. Thầy Vũ đã tham gia giảng dạy môn toán ở trường 10 năm. Khi đến Bình Dương lập nghiệp, thầy là một người khỏe mạnh, một vận động viên thể thao của trường. Cách đây khoảng 4 năm, thầy mắc phải bệnh thận giai đoạn cuối và đang chạy thận hàng ngày, mỗi tháng phải tốn trên 6 triệu đồng. Hàng ngày, phải ngửa tay nhận từng đồng trợ giúp từ tiền lương của các thầy cô giáo trong trường, không ít lần thầy Vũ ngỏ ý xin về quê ở Quảng Ngãi để mặc cho số phận, nhưng phía nhà trường không đồng ý. Bởi ở quê nhà, cuộc sống gia đình thầy Vũ hết sức khó khăn. Biết được hoàn cảnh đáng thương của thầy, chỉ tính riêng năm 2010, ông Trên đã huy đông thêm bạn bè hỗ trợ trên 60 triệu đồng phụ thầy lo thuốc men. Không chỉ giúp tiền, thỉnh thoảng ông lại ghé thăm, động viên để thầy vững tin, lạc quan hơn. Và những lần như thế, ông không quên mang theo những bài thuốc nam trồng trong vườn nhà và tận tay bào chế...
Dù cơn đau đang hành hạ vì mắc phải cơn bệnh ung thư giai đoạn cuối, nhưng khi trò chuyện cùng ông, chị Huỳnh Thị Hương ở ấp 2A, xã Phước Hòa trở nên tươi tỉnh như quên hết cả bệnh: “Lần nào đến anh ấy cũng bắt hết chuyện này đến chuyện kia, cắt nghĩa về luân hồi đạo lý làm tôi thấy thật thanh thản, nhẹ nhõm” - chị Hương tâm sự.
Bao năm nay ông vẫn thế, đi đến đâu vẫn truyền niềm vui, hơi thở và sự sống cho người khác. Nhưng mấy ai biết được, do di chứng một thời xông pha trận mạc, mỗi lúc nắng gió trở trời là cơ thể ông đau buốt. Nhưng khi thấy đỡ hơn một chút, ông lại tìm đến với họ. Ông luôn thấm nhuần lời nói: “Đem hạnh phúc của mình san sẻ cho người bất hạnh thì hạnh phúc ấy sẻ được nhân đôi”. Vì thế, ông không ngần ngại đến với người nghèo khắp nơi. Đó có khi chỉ là những phần quà với các em ở chùa Bồ Đề Đạo Tràng; những học bổng, những phần quà cho các em học sinh nghèo, hội viên Hội Cựu chiến binh, những người bị chất độc da cam; cũng có khi là hàng chục triệu đồng xây nhà tình thương, giúp những người đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn ở xã Phước Hòa. Hàng năm, ông còn bỏ ra hàng chục triệu đồng cho hội viên nông dân nghèo trong xã vay không tính lãi để vượt khó... Tháng 7 vừa qua, ông cũng đã làm được một việc khác hết sức ý nghĩa khi xin bỏ ra trên 40 triệu đồng dựng bia tưởng niệm cho các anh hùng liệt sĩ (nhà bia liệt sĩ ấp Bố Lá). Đây là tâm nguyện bấy lâu ông từng ao ước.
Nông dân sản xuất giỏi
Không chỉ tích cực hoạt động từ thiện, người dân Phước Hòa hôm nay còn biết đến ông như một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Từng cầm súng chiến đấu trên cả 2 mặt trận Việt Nam, Campuchia, chất lính đã giúp ông khuất phục mọi khó khăn khi trở lại cuộc sống đời thường, đặc biệt là sau khi lập gia đình vào năm 1987. Bằng một ít kiến thức nghề mộc gia dụng, ông miệt mài lao động, tích cóp. Cũng như bao người cùng thời, không ít khi gia đình ông phải qua bữa bằng những trái bắp, củ sắn. Khi nền kinh tế bao cấp đang dần xóa bỏ, ông nhanh chóng nắm bắt cơ chế, mạnh dạn đầu tư một máy xay xát để phục vụ bà con trong vùng. Thông qua những lớp học tập khuyến nông do địa phương tổ chức, ông tận thu từ những hạt gạo, cám nát, đầu tư chăn nuôi heo, gia cầm.
Có tiền, người nông dân chất phác này lại lặn lội khắp nơi để mua đất, thâm canh thêm những cây trồng ngắn ngày. Nhờ sự bền bỉ chăm lo làm ăn ấy, ông đã “tích tiểu thành đại”, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, trồng trọt. Đến nay, gia đình ông đã có trong tay 12 ha cao su đang cho khai thác, thu nhập hàng năm lên đến tiền tỷ, tạo việc làm cho khoảng 16 lao động trong vùng với mức thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Và, cũng như lời ông nói “Có thực mới vực được đạo”, khi đã có tiền trong tay, tâm nguyện của ông là làm việc thiện. Vì thế, gần 10 năm nay, đôi chân già của ông như không hề mỏi, ngày đêm lùng sục, sẻ chia từng đồng tiền, bát gạo với người nghèo khắp nơi trong tỉnh.
QUANG TÁM