Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, ngành y tế đã xảy ra quá nhiều chuyện bất ổn. Trong đó nổi lên là vấn đề y đức. Gần đây dư luận phản ứng gay gắt vụ việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội). Và mới đây, vụ việc bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân xuống sông để phi tang đã làm dấy lên “làn sóng” phẫn uất của công luận về vấn đề y đức.
Dư luận lại hết sức ngỡ ngàng về công bố kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội về vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm. Công bố kết thúc điều tra vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm huyết học, cơ quan cảnh sát điều tra xác định bị can Nguyễn Trí Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức) đã chỉ đạo nhân viên tăng cường xét nghiệm để tăng thu cho bệnh viện, dẫn đến việc các nhân viên đã in ra kết quả trùng nhau trả cho bệnh nhân. Như vậy, mục đích của việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm là để lấy tiền chia nhau! Vị giám đốc bệnh viện này đã chỉ đạo cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ, rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu khác để gán trả cho hàng ngàn người bệnh. Cơ quan điều tra cũng xác định ông Liêm đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để tăng thu nhập cho bệnh viện vì theo quy định bệnh viện được hưởng 30% số tiền bảo hiểm y tế. Số tiền này hàng quý được chia vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho cán bộ nhân viên trong bệnh viện.
Riêng vụ bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác nạn nhân, trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10 diễn ra chiều 26-10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Xét về đạo đức của một con người, nhất là người thầy thuốc, càng đáng lên án. Tôi không nhớ đây là kỳ họp Chính phủ thứ mấy liên tiếp có câu hỏi liên quan đến y tế. Mỗi khi có sự cố, bao giờ Chính phủ cũng chỉ đạo rất nghiêm khắc. Không chỉ xử lý vụ việc đó mà quan trọng nhất, mỗi lần có sự cố thì từ Trung ương đến địa phương phải soát xét lại, tăng cường kỷ cương kỷ luật, không để sai phạm tương tự xảy ra nữa”.
Trong xã hội, nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. “Lương y như từ mẫu” - thầy thuốc như mẹ hiền - phải luôn rèn đức, đề cao chữ thiện, chữ tâm. Phải khẳng định rằng, đội ngũ thầy thuốc chúng ta vừa có y thuật, vừa có y đức, đã không quản khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe, cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, đồng tiền đã xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc và người bệnh. Hiện tượng “phong bì lót tay”, coi trọng quá mức đồng tiền, vô trách nhiệm, thờ ơ với mạng sống người bệnh… là những tồn tại nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Dù đây chỉ là những “con sâu”, nhưng đã làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y.
NHẬT HUY