Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ cuối: Tập trung xây dựng lực lượng lao động số
Những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học bằng cách tập trung đầu tư, mua sắm các máy móc hiện đại, lập các phòng thí nghiệm, chế tạo nhằm giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ cao. Cách đào tạo này phù hợp với thực tế, bắt kịp nhịp phát triển khoa học công nghệ (KHCN), góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sinh viên trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore thực hành tại phòng Fablab, nơi được trang bị các máy móc hiện đại
Hiệu quả từ các phòng thí nghiệm Fablab
Từ lâu, trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore đã trở thành địa chỉ tin cậy cho con em trong và ngoài tỉnh đến học tập. Hơn 90% sinh viên ra trường đáp ứng được công việc tại các nhà máy có dây chuyền hiện đại từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới đây, trường tiếp tục đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm có tổng chí phí hơn 10 tỷ đồng để sinh viên thực tập, nâng chất tay nghề. Phòng Fablab này gồm các loại máy móc hiện đại như máy cắt đột, tiện CNC, cắt dây đồng, máy cắt đa năng, mô hình băng chuyền tự động… đáp ứng việc dạy, học tại trường và những ai có nhu cầu đến đây học hỏi. Phòng thí nghiệm này là một trong các đề án gồm 3 nhà phối hợp thực hiện (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển KHCN, chú trọng nâng cao tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo, không gian thực nghiệm công nghệ và chế tạo trong giới trẻ.
Việc đầu tư phòng Fablab đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên học nghề. Em Nguyễn Thanh Dũng, sinh viên lớp C18CK1, chia sẻ: “Những loại máy móc vừa được đầu tư tại phòng Fablab rất hiện đại, trước đây em chưa từng thấy và chưa được thực tập trên các máy này bao giờ. Sau khi được học lý thuyết, kết hợp với việc thực tập thường xuyên trên các loại máy cơ khí hiện đại, ngày ra trường chúng em sẽ có một kiến thức khá ổn, không bị bỡ ngỡ khi tiếp cận dây chuyền công nghệ hiện đại”.
Nhiều giáo viên tại trường nhận định, có được một phòng thí nghiệm gồm nhiều loại máy móc hiện đại như thế này để các em thực tập sau giờ học lý thuyết sẽ mở ra cho các em sinh viên rất nhiều cơ hội. Phòng Fablab này không thể so sánh với các loại máy móc hiện đại ở châu Âu nhưng không thua kém gì với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ban giám hiệu nhà trường cũng rất mong trong thời gian tới, các ngành, các cấp sẽ tạo điều kiện để trên địa bàn tỉnh có nhiều phòng thí nghiệm như thế này được mở ra như khoa điện, điện tử… khi đó sinh viên trường nghề sẽ có tay nghề khá, giỏi khi ra trường và có cơ hội cao kiếm được một công việc tốt.
Một số trường đào tạo nghề khác trên địa bàn như trường Cao đẳng Nghề Đồng An, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc cũng đang hướng đến việc nâng cao tay nghề cho sinh viên. Thầy Lê Quang Sơn, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo trường Cao đẳng Nghề Đồng An, cho biết mỗi năm trường có khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp, đủ trình độ đáp ứng công việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh không ngừng đầu tư các thiết bị hiện đại tại phòng thí nghiệm, trình độ giáo viên được trường nhận vào giảng dạy cũng rất quan trọng. Hiện tại, trường có đội ngũ giảng viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ đạt 80%. Cách dạy không quá nhiều lý thuyết như trước, mà chủ yếu cho các em thực tập trên máy nhiều hơn, phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên. Một điều quan trọng khác không thể bỏ qua là tùy vào chức năng của từng khoa trong trường, các giáo viên phải đi thực tế, tiếp cận với các loại máy móc công nghệ mới tại các nhà máy, xí nghiệp và có báo cáo gửi về trường. Việc giáo viên đi thực tế tại các doanh nghiệp còn là kênh kết nối, tạo việc làm cho sinh viên ngày ra trường.
Kết nối cộng đồng
Nói về vai trò của phòng Fablab, thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, cho biết bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu dạy và học, có thể nói, phòng Fablab như một xưởng chế tạo nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số, tạo ra một không gian để các cá nhân có thể phát huy năng lực cốt lõi của bản thân, thực hiện bất cứ điều gì họ muốn; thể hiện cá tính và khả năng sáng tạo, là nơi mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ kiến thức hay cùng nhau trao đổi về các dự án, để qua đó thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong cộng đồng những người đam mê sáng chế. Hoạt động của phòng Fablab cũng góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, trong các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, gắn nghiên cứu với thực tiễn; cung cấp không gian làm việc miễn phí cho tất cả mọi người trong cộng đồng bằng cách tạo điều kiện sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất cần thiết.
Ông Nguyễn Việt Long, Quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, cho rằng hiện các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu KHCN, giáo dục hiện đại như STEM/STEAM, trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh, các phòng thực nghiệm công nghệ TechLab, Fablab, các vườn ươm doanh nghiệp đã và đang được triển khai rất chủ động và mạnh mẽ từ chính quyền cũng như viện, trường, doanh nghiệp.
Từ chiến lược thành phố thông minh, tỉnh đã từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong KHCN như Tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA. Các viện, trường trong nước và quốc tế danh tiếng như Đại học Quốc gia Singapore NUS, Viện Nghiên cứu công nghiệp công nghệ Đài Loan ITRI, Đại học Quốc gia Chungnam Hàn Quốc, Đại học Portland State Mỹ, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Viện Cơ học và tin học ứng dụng - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, từ đó xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo quy mô. Tiềm năng, khát khao đổi mới và tầm nhìn chiến lược hướng đến kỷ nguyên 4.0 của Bình Dương đã giúp tỉnh mở rộng kết nối, nâng cao hợp tác với nhiều tỉnh, thành thịnh vượng khắp thế giới như Eindhoven và Emmen (Hà Lan), Emilia Romagna (Ý), Daejeon (Hàn Quốc), Yamaguchi (Nhật Bản)...
Để phát triển và thu hút nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, tỉnh đang tập trung phát triển giáo dục - đào tạo kỹ năng số trên tất cả các bậc học, cao đẳng; đưa giáo dục STEM, STEAM vào các chương trình giáo dục, nhằm khuyến khích tính sáng tạo cho thế hệ trẻ, chuẩn bị sớm lực lượng lao động số và đổi mới sáng tạo cho tương lai. Các trường đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục giữ vai trò hết sức quan trọng để đáp ứng yêu cầu trên. Theo định hướng của lãnh đạo tỉnh, chính quyền sẽ tiếp tục tạo điều kiện, đầu tư, thúc đẩy các trường tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết sâu rộng với doanh nghiệp và nhiều viện, trường trên thế giới, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các chương trình đào tạo và nghiên cứu tiên tiến, chú trọng thúc đẩy giáo dục trực tuyến - đào tạo thông minh, bắt kịp với xu thế thời đại.
“Tỉnh sẽ xây dựng các trung tâm xuất sắc ngành dọc có chọn lọc, trọng điểm, ưu tiên khởi đầu với các trung tâm về công nghệ số, sản xuất thông minh, phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế số của tỉnh, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị. Các trung tâm xuất sắc sẽ đóng vai trò tạo ra những đề án, đề tài nghiên cứu, những công việc có hàm lượng chất xám cao, trong những lĩnh vực mới, từ đó sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Dương làm việc, cũng như thu hút được tri thức và chất xám của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua các đề tài hợp tác nghiên cứu”. (Ông Nguyễn Việt Long, Quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ) |
QUANG TÁM