Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngày 1-4-2014, TX.Bến Cát chính thức được thành lập theo Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân TX.Bến Cát đã ra sức phấn đấu đưa thị xã vươn lên trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế ở tốp đầu của tỉnh. Diện mạo đô thị Bến Cát ngày càng khang trang với cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư hoàn thiện, công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng yếu, hoạt động thương mại - dịch vụ (TM-DV) phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ... Đây là tiền đề để Bến Cát vươn tầm trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thông minh.
IOC Bến Cát đi vào hoạt động giúp công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiệu quả hơn. Ảnh: PHƯƠNG AN
Công nghiệp tăng tốc
Nếu như trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bến Cát được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với những tên đất, tên làng kiên trung trong đạn bom khói lửa thì hôm nay cũng trên vùng đất ấy, các thế hệ tiếp nối đã chung tay tạo nên những kỳ tích trong xây dựng, phát triển quê hương. Vùng đất Bến Cát anh hùng đang viết tiếp những chiến công mới, rạng rỡ, vinh quang.
Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đất nước và tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Đảng ta khởi xướng, tỉnh Bình Dương nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Nhiều khu, cụm công nghiệp lần lượt được xây dựng thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, Bình Dương trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, Tỉnh ủy chủ trương đưa công nghiệp lên các huyện phía bắc với những khu công nghiệp hiện đại như Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Việt Hương 2... lần lượt được xây dựng. Bến Cát nhanh chóng trở thành địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh khi các khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Công nghiệp đã đưa Bến Cát từ một địa phương thuần nông trở thành địa bàn trọng điểm về thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, TM-DV. Đến nay, thị xã có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 4.000 ha và một khu sản xuất tập trung với diện tích 47,7 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 160.000 lao động. Bên cạnh công nghiệp, TX.Bến Cát tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực TM-DV; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Những năm qua, hoạt động TM-DV tại thị xã không ngừng phát triển, nhất là những ngành, lĩnh vực có tính đột phá và giá trị gia tăng cao, như: Tài chính - tín dụng, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, logistics… góp phần nâng cao giá trị TM-DV trong cơ cấu nền kinh tế.
Hướng đến đô thị hiện đại, thông minh
Sau 10 năm kể từ khi trở thành thị xã, Bến Cát đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đó là nền kinh tế phát triển một cách toàn diện, công nghiệp hóa, gắn với phát triển đô thị. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, xây dựng, trật tự đô thị có bước chuyển biến mới. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục đi vào chiều sâu, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét về vật chất lẫn tinh thần, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đến nay, TX.Bến Cát đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TX.Bến Cát đến năm 2040. Công tác quy hoạch được thực hiện bài bản, hướng đến xây dựng không gian phát triển và nâng cao chất lượng sống của các tầng lớp nhân dân. Song song với đầu tư phát triển đô thị hiện đại, TX.Bến Cát còn tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số.
Với tầm nhìn và mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị thông minh, phát triển nhanh và bền vững, góp phần tích cực vào sự phát triển thành phố thông minh Bình Dương, ngay khi UBND tỉnh có kế hoạch về triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC), TX.Bến Cát đã chủ động tổ chức học tập kinh nghiệm từ các cơ quan, địa phương đã triển khai IOC. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, phân tích, đánh giá những tác động tích cực, thuận lợi, khó khăn và dự kiến lộ trình, giải pháp để bảo đảm triển khai IOC hiệu quả. Trên cơ sở đó, thị xã đã phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, IOC tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan trình và được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Sau khi đưa vào sử dụng, IOC TX.Bến Cát đã tích hợp dữ liệu được 22 phân hệ với 260 chỉ tiêu, bao quát các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, tài chính - kế hoạch, tài nguyên - môi trường, nội vụ, tư pháp, thanh tra, lao động - thương binh, y tế, giáo dục, văn hóa thông tin, quản lý đô thị, hành chính công, thống kê, công an... Khi đưa vào hoạt động, IOC TX.Bến Cát phục vụ đắc lực, hỗ trợ hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc.
Bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã, cho biết việc thành lập IOC TX.Bến Cát là một bước tiến quan trọng để tiến đến xây dựng chính quyền số hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thảo, để IOC TX.Bến Cát thực sự trở thành “bộ não” phục vụ quản lý đô thị thông minh, thị xã rất mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp về cơ chế, chính sách, chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm của các sở, ngành tỉnh đối với địa phương trong việc quản lý, vận hành IOC để thị xã vững bước hướng đến mục tiêu trở thành thành phố Bến Cát trong năm 2024 và trở thành đô thị thông minh trong thời gian tới.
Sắp tới, khi IOC TX.Bến Cát được vận hành ổn định sẽ là bước ngoặt để thị xã chuyển đổi cách thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành của thị xã từ môi trường truyền thống sang môi trường số, qua đó thúc đẩy phát triển các trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
TRÍ DŨNG - T.TIÊN