| 22-07-2022 | 06:30:00

Dấu ấn vàng của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh

Ngay sau khi trở về trạng thái “bình thường mới”, Bình Dương liên tục gặt hái những giải vàng trong các sân chơi văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, diễn viên, cộng tác viên Trung tâm Văn hóa- Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022.


Tiết mục múa “Công trình mới” của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đoạt huy chương vàng tại hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022”

Dấu ấn vàng

“Giai điệu phương Nam”, “Bình Dương - Đất ấm tình người” và “Bình Dương - Thanh âm ngày mới” là 3 chương trình nghệ thuật đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với Hội đồng Giám khảo và bạn bè đồng nghiệp tại các cuộc thi. Nhiều chuyên gia nghệ thuật cũng đánh giá cao về sự sáng tạo cũng như thủ pháp dàn dựng các chương trình. Vì vậy, cả 3 chương trình đã liên tục mang về những chiếc huy chương vàng danh giá cho Bình Dương tại các sân chơi văn hóa nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ đầu năm đến nay.

Trong chương trình “Giai điệu phương Nam” tham gia “Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử quốc gia”, Trung tâm VH-NT tỉnh đã thành công trong việc chọn lựa các bài bản ca 3 Nam, 6 Bắc của nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương. Đồng thời, đơn vị còn đặt hàng sáng tác lời mới để giới thiệu đến hội thi một Bình Dương năng động, sáng tạo trong xây dựng quê hương từ một tỉnh thuần nông trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh của cả nước. Chương trình được đánh giá là một trong 5 chương trình xuất sắc, có định hướng tốt trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương.

Chia sẻ với chúng tôi về chương trình “Bình Dương - Đất ấm tình người”, ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm VH-NT tỉnh, cho biết chương trình tham gia “Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” đã khắc họa truyền thống về “Đất và người” của quê hương Bình Dương từ khi khai hoang mở đất đến một Bình Dương phát triển vượt bậc hôm nay. Bằng thủ pháp kết cấu nonstop, kết hợp giữa nghệ thuật dân gian và đương đại, được thể hiện qua hình thức Broadway (nhạc kịch), chương trình đã tạo hiệu quả bất ngờ và gây tiếng vang lớn trong hội diễn bởi nghệ thuật độc đáo và sức hấp dẫn của từng tiết mục. Đặc biệt là việc sử dụng dàn nhạc dân tộc với các nhạc cụ tự chế tác bằng các sản phẩm sinh hoạt đời thường như tre nứa (lớn, nhỏ), các loại gốm sứ (chén, lu, bình) để đệm cho các tiết mục ca và múa độc lập ở phần I đã đưa người xem từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và được Hội đồng Giám khảo đánh giá là “dấu ấn về sáng tạo nghệ thuật” trong liên hoan lần này.

Nếu như chương trình tham gia “Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” là sự kết hợp giữa nghệ thuật dân gian và đương đại thì chương trình “Bình Dương - Thanh âm ngày mới” tham gia Hội diễn “Tiếng hát công nhân và người lao động toàn quốc” được xây dựng theo phong cách hiện đại, tiết tấu trẻ trung. Các tiết mục được kết cấu liền mạch như một câu chuyện kể, phản ánh nhịp sống năng động của Bình Dương với những âm thanh ngày mới. Đó là nhịp bước rộn ràng của người lao động trên những công trình, nhà máy. Đó là tiếng reo vui của thế hệ trẻ vào giảng đường, lớp học. Đó là nhịp sống sôi động của các đô thị - người xe xuôi ngược… Tất cả là bản hòa ca tràn đầy sức sống của quê hương Bình Dương trong xây dựng và phát triển.

Đổi mới sáng tạo đáp ứng thị hiếu khán giả

Ba lần tham gia hội thi, liên hoan, hội diễn toàn quốc đều đạt huy chương vàng giải chương trình là một thành tích vượt bậc của Trung tâm VH-NT tỉnh mà không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng có được. Đặc biệt, huy chương vàng giải chương trình trong “Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” được xem như một kỳ tích vì đây là huy chương vàng đầu tiên đạt được trong suốt quá trình tham gia cuộc thi chuyên nghiệp cấp quốc gia của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh. Những kết quả nêu trên đã phần nào khẳng định Trung tâm VH-NT tỉnh đã có định hướng đúng đắn trong sáng tạo nghệ thuật, đó là phát huy trực tuyến dòng chủ lưu chính “dân tộc truyền thống”; đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới và tận dụng tối đa các loại hình nghệ thuật khác nhau làm cho chương trình biểu diễn phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp hơi thở thời đại và sự biến đổi nhanh chóng của sân khấu ca múa nhạc trong từng giai đoạn.

Theo ông Trần Thanh Sơn, “Thành tích như một que diêm chỉ đốt lên và sáng được một lần”. Vì vậy, hoạt động nghệ thuật không nên tự mãn với thành tích đã đạt được mà phải luôn tìm tòi, đổi mới sáng tạo theo hướng đi lên; dẫm chân tại chỗ là đồng nghĩa với thụt lùi. Bên cạnh đó, thanh xuân hóa, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật biểu diễn cho đội ngũ diễn viên không được xem là giải pháp tình thế mà phải xem đó là một việc làm liên tục và lâu dài. Tìm hướng đi đúng để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển nghệ thuật trong cơ chế thị trường hiện nay luôn là một ẩn số. Sự nỗ lực vận động tự thân của tập thể cán bộ, diễn viên trong đơn vị là điều kiện “cần” nhưng chưa “đủ”, mà phải có sự quan tâm đúng mức của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và đặc biệt là lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao va ̀Du lịch.

Chương trình “Giai điệu phương Nam” với 5 tiết mục dự thi được tặng thưởng HCV giải chương trình và 4 huy chương giải tiết mục (2 HCV, 2 HCB). Chương trình “Bình Dương - Đất ấm tình người” với 12 tiết mục dự thi được tặng thưởng HCV giải chương trình và 6 huy chương giải tiết mục (3 HCV, 3 HCB). Chương trình “Bình Dương - Thanh âm ngày mới” với 6 tiết mục dự thi được tặng thưởng HCV giải chương trình và 4 huy chương giải tiết mục (2 HCV, 2 HCB).

MINH HIẾU

Chia sẻ